1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho tài xế, phụ xe

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh thành phố ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động các ngành vận tải và logistics.

Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho tài xế, phụ xe - 1

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua do chưa đánh giá được đúng vai trò của lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... nhiều địa phương chưa ưu tiên tiêm vắc xin cho họ.

Ngày 30/7, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải logistic như: lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin như lực lượng tuyến đầu chống dịch của Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022.

Việc này theo Bộ Công Thương là nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua do chưa đánh giá được đúng vai trò của đội ngũ lao động này, nhiều địa phương chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là ưu tiên tiêm vắc xin cho họ.

"Từ đó dẫn đến các quy trình kiểm tra dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đối tượng cần tập trung ưu tiên tiến hành các biện pháp chống dịch trong thời gian trước mắt phải là đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu... Hiện nay chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định hàng hóa là nguồn lây nhiễm Covid-19. Do đó, nếu giải quyết được việc ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng nêu trên thì việc lưu chuyển hàng hóa sẽ được đảm bảo.

Trước đó, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về việc quy định các biện pháp phòng chống dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hóa của nhiều địa phương còn phức tạp, không thống nhất làm phát sinh thêm nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp.

Trong khi đó, hoạt động logistics, vận chuyển lưu thông hàng hóa là mạch máu của các hoạt động kinh tế, trong đó có sản xuất công nghiệp. Đặc trưng của sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị không phân biệt địa giới hành chính. Do vậy, khi không đảm bảo được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa.

Theo Bộ Công Thương, sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất cũng dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp. Đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng 11,3 triệu lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như hàng chục triệu lao động trong các ngành nghề có liên quan khác.

Trước đó, ngày 29/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Văn bản được gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp cho vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ những hàng hóa bị cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả tuyến đường quốc lộ, cao tốc, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

"Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm