Bộ Công Thương: Dùng càng nhiều điện, không tiết kiệm phải chịu giá cao

(Dân trí) - Bộ Công Thương khẳng định, việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Công Thương: Dùng càng nhiều điện, không tiết kiệm phải chịu giá cao - 1

Bộ Công Thương một lần nữa nhấn mạnh, biểu giá điện bậc thang nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Liên quan tới giá điện, cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Công Thương nâng định mức sử dụng điện sinh hoạt đối với hộ gia đình từ 50 kWh lên 100 kWh. Do hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân đã tăng nhiều so với trước kia, nhất là điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, phần lớn lượng điện năng hiện nay đang được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt là các nguồn tài nguyên có hạn nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết.

"Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện sinh hoạt theo các bậc tăng dần để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân; hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn", Bộ Công Thương cho biết.

Bộ cũng dẫn ví dụ Nhật Bản áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 bậc; Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 đến 7 bậc; khu vực ASEAN áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang từ 3 bậc đến 10 bậc.

Bộ Công Thương khẳng định, thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Có thể cho rằng, việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

"Trong các năm vừa qua, Bộ Công Thương nhận được một số ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các học giả đề nghị xem xét lại quy định các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt. Tiếp thu ý kiến góp ý này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó có cải tiến cơ cấu biểu giá áp dụng cho khách hàng sinh hoạt", công văn nêu.

Dẫn số liệu thực tế thực hiện năm 2017 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp, Bộ Công Thương cho biết đã tính toán tác động của các phương án điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các kịch bản giảm từ 6 bậc xuống 5, 4, 3 bậc (trong đó có kịch bản điều chỉnh mức sử dụng của bậc 1 từ 50 kWh lên 100 kWh như kiến nghị của cử tri).

Kết quả tính toán các kịch bản cho thấy việc điều chỉnh số bậc cũng như tăng mức sử dụng của bậc 1 đều làm tăng số tiền từ ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và tiền điện phải trả tăng thêm hầu hết ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp từ 51 - 100 kWh/tháng và từ 201 - 300 kWh/tháng (khoảng 9,5 triệu hộ chiếm tới 38,12% trên tổng số 24,93 triệu hộ sinh hoạt).

Cũng theo số liệu thống kê năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì trên cả nước, số hộ có mức sử dụng dưới 50 kWh/tháng là 4,1 triệu hộ, chiếm 16,44% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 27 kWh/hộ/tháng.

"Như vậy, việc tiếp tục duy trì giá điện thấp hơn so với giá bán lẻ điện bình quân cho bậc dưới 50 kWh là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ cho những hộ này theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg thì giá điện cho bậc 1 bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân", Bộ Công Thương khẳng định.

Tại phiên khai mạc kì họp thứ 7 sáng 20/5, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, các cơ quan chức năng đang "thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật".

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ sau đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét, việc tăng giá các mặt hàng đầu vào, nhất là giá xăng dầu, điện, dịch vụ y tế... đã ảnh hưởng tới lạm phát, sản xuất tăng chậm lại.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và các mặt kinh tế, xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần tăng cường dự báo, phân tích các diễn biến, đánh giá đầy đủ rủi ro bên ngoài, hạn chế nội tại của nền kinh tế và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp tránh gây bất ổn kinh tế.

Còn theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm người dân lo lắng, băn khoăn. Vấn đề này đã được Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Phương Dung