Bộ Công Thương dự báo giá xăng quý cuối năm có thể về 24.000 đồng/lít

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa xây dựng kịch bản giá xăng dầu cuối năm, trong đó đưa ra dự báo quý IV năm nay giá xăng có thể giảm về 24.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu trong nước đã giảm 3 lần liên tiếp, trong đó có 2 kỳ giảm mạnh.

Sau kỳ điều chỉnh ngày 21/7, xăng E5 RON 92 có giá 25.070 đồng/lít, xăng RON 95 là 26.070 đồng/lít, dầu diesel 24.850 đồng/lít, dầu hỏa 25.240 đồng/lít, dầu mazut 16.540 đồng/kg.

Bộ Công Thương dự báo giá xăng quý cuối năm có thể về 24.000 đồng/lít - 1

Theo Bộ Công Thương, sang quý IV năm nay, giá xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt về khu vực 110 - 115 USD/thùng. Điều này sẽ kéo mức tăng cao của giá xăng dầu trong nước giảm xuống, còn khoảng 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu (Ảnh: Mạnh Quân).

Mức giảm này đi theo xu hướng giá thế giới. Theo Bộ Công Thương, lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng cùng với đó là tồn kho dầu thô của Mỹ tăng, thị trường hàng hóa New York giảm mạnh lãi suất mở trong hợp đồng tương lai… đã khiến giá xăng dầu sụt giảm.

Trong phiên giao dịch sáng nay (26/7), theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI lại tiếp tục giảm 0,63 USD/thùng, tương ứng giảm 0,65%, xuống mức 96,07 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent hiện được giao dịch ở ngưỡng 104,52, giảm 0,63 USD/thùng, tương ứng giảm 0,60%.

Truyền thông quốc tế đưa tin, giá dầu giảm do lo ngại về khả năng Mỹ tăng lãi suất, điều này sẽ làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu trên thế giới.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội dự báo kỳ điều chỉnh sắp tới (ngày 1/8), có khả năng giá xăng dầu vẫn có xu hướng giảm giá. Theo tính toán, hiện giá xăng RON 95 cao hơn giá thế giới từ 1.400 - 2.000 đồng mỗi lít, giá xăng E5 RON 92 cao hơn 1.000 - 1.600 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, xu thế này cũng có thể sẽ có những thay đổi bởi kỳ điều hành kéo dài 10 ngày.

Đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định những tháng tới, bình quân giá xăng thành phẩm thế giới vẫn sẽ có những biến động bất thường, dao động trong khoảng 145 - 155 USD/thùng, tức tăng 73 - 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong trường hợp nhà điều hành không trích lập vào Quỹ Bình ổn giá, cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng bán lẻ sẽ có giá bán dưới 31.700 đồng, còn dầu sẽ dưới 27.100 đồng.

Sang quý IV năm nay, giá xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt về khu vực 110 - 115 USD/thùng. Điều này sẽ kéo mức tăng cao của giá xăng dầu trong nước giảm xuống, còn khoảng 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.

Nói với Dân trí, Đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự báo nêu trên được đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá vừa qua. Trong cuộc họp quý sau, Bộ sẽ cập nhật lại để đưa tiếp kịch bản cuối năm vì theo vị này, "từ giờ tới cuối năm vẫn diễn biến phức tạp và khó lường".

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã có 19 lần điều chỉnh, chủ yếu là tăng. Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng.

Ngoài thuế bảo vệ môi trường đã 2 lần hạ, Chính phủ đang tính toán việc giảm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT để trình tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Theo các chuyên gia, việc cân nhắc giảm hai loại thuế này với xăng dầu cần làm sớm, chứ "không nên đợi" bởi giá xăng dầu neo ở mức cao, tăng trên 60% từ cuối năm ngoái, đang khiến các doanh nghiệp chật vật.

Ngày 25/7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh...

Việc này để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.