Bỏ 1 ăn 5: Thương vụ kinh điển, kiếm lãi tỷ USD

Làn sóng vốn ngoại đổ vào Việt Nam mạnh chưa từng thấy. Nhiều tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài kiếm bộn tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Một số kiếm được hàng ngàn tỷ đồng và đang rút đi, nhưng cũng rất nhiều quỹ mới đang dồn dập đổ vào.

Top 10 sinh lời cho đại gia ngoại

The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co,. Ltd vừa thông báo đã hoàn tất bán ra toàn bộ hơn 21,27 triệu cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, tương ứng 23,84% vốn điều lệ công ty.

Như vậy, sau hơn 5 năm đầu tư vào Nhựa Tiền Phong, The Nawaplastic Industries đã thoái hết vốn. Giá trị phần vốn thoái của nhà đầu tư Thái Lan rơi vào khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị vốn đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, The Nawaplastic Industries cũng đã nhận về hàng trăm tỷ đồng cổ tức bằng tiền từ Nhựa Tiền Phong.

Quỹ Pyn Elite Fund cũng vừa thông báo tổng tài sản ròng đạt gần 420 triệu euro, tăng khoảng 80 triệu euro so với hồi đầu năm. Pyn Elite Fund thắng lớn trong năm 2017 là nhờ một số cổ phiếu, trong đó có Thế Giới Di Động (MWG) và Hòa Bình (HBC) liên tục phá đỉnh và một số cổ phiếu tăng mạnh như: DIC Corp (DIG), Khang Điền (KDH), Vinaconex (VCG),...

Bỏ 1 ăn 5: Thương vụ kinh điển, kiếm lãi tỷ USD - 1

Như vậy, chỉ sau khoảng hơn 9 tháng, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan (tiền thân là Mutual Fund Elite) đã kiếm được khoảng 2 ngàn tỷ từ TTCK Việt Nam bằng vài cú đầu tư, trong đó tỷ trọng lớn nhất là MWG và HBC.

Theo giải trình của F&N, việc đánh giá lại xuất phát từ việc chuyển khoản đầu tư tại Vinamilk từ khoản đầu tư tài chính thông thường thành công ty liên kết. Nguyên nhân là do tập đoàn nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Vinamilk lên 18,74% và bầu thêm 1 thành viên tham gia HĐQT của Vinamilk tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.

Sau khi đánh giá lại khoản đầu tư, tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) ghi nhận khoản lãi bất thường gần 1 tỷ USD khi đầu tư vào Vinamilk (VNM).

Trước đó, F&N Dairy Investments cũng đã nhận hơn 460 tỷ đồng cổ tức từ Vinamilk sau khi VNM tạm ứng cổ tức đợt một năm 2017 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cp).

Nhóm Dragon Capital cùng vừa chốt lãi 10 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội sang cho nhà đầu tư Composite Capital Master Fund LP sau khi cổ phiếu này tăng 70% trong gần 9 tháng đầu năm. Với thị giá hiện xoay quanh mức 23.000 đồng, lượng cổ phiếu MBB trên trị giá 230 tỷ đồng.

Dồn dập thế chân nhau

Cả 3 quỹ ngoại có vốn đầu tư lớn nhất tại TTCK là Pyn cùng với Dragon Capital và VinaCapital đều có một khoảng thời gian hoạt động rất tốt kể từ đầu năm tới nay. Các quỹ này liên tục chốt lời và tiếp tục đổ vốn sang mã chứng khoán khác để tối đa hóa lợi nhuận.

Nhiều quỹ đầu tư ngoại khác cũng đang dồn vốn vào thị trường Việt Nam.

Ngay sau khi Nawaplastic thoái hết vốn tại Nhựa Tiền Phong và thu lời khoảng 5 lần sau 5 năm, thì một cổ đông ngoại khác lại đang nhảy vào NTP. Trong phiên ngày 12/10, bên mua thỏa thuận 9 triệu cổ phiếu trị giá gần 700 tỷ đồng là một nhà đầu tư Nhật Bản.

Bỏ 1 ăn 5: Thương vụ kinh điển, kiếm lãi tỷ USD - 2

Trong năm tài chính 2016-2017, quỹ VOF của VinaCapital cũng đã đầu tư mới 220 triệu USD vào các công ty tư nhân, các công ty niêm yết, các thương vụ đầu tư thương lượng và trái phiếu trên TTCK Việt Nam sau khi thoái vốn ở các thị trường nước ngoài.

Tỷ trọng cổ phiếu niêm yết trong danh mục VOF đã lên tới gần 60%, với nhiều mã có tốc độ tăng trưởng rất mạnh như Hòa Phát HPG (50%), Vinamilk VNM (40%),...

Nhiều quỹ lớn liên tục chốt lời ở những cổ phiếu tăng chóng mặt như Thế Giới Di Động nhưng cũng có những tổ chức vẫn nắm giữ rất chắc. Dragon Capital vẫn đặt cược lớn vào cổ phiếu Thế Giới Di Động. Nhóm này gần đây còn rất tích cực thu gom cổ phiếu MWG. Hiện, các quỹ thuộc Dragon Capital đã nâng số lượng cổ phiếu MWG lên tổng cộng gần 61 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20%.

Một loạt cổ phiếu mới lên sàn trong thời gian gần đây cũng thu hút sự quan tâm của khối ngoại như trường hợp VPBank (VPB), Petrolimex (PLX) và sắp tới là Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB), Habeco (BHN),...

Ngay trong phiên lên sàn giữa tháng 8, khối ngoại đã trao tay hơn 24 triệu cổ phiếu VPBank, trị giá cả ngàn tỷ đồng. Tập đoàn phân phối Synnex Đài Loan cũng vừa chi hàng trăm tỷ đồng mua 47% vốn điều lệ của FPT Trading.

Một số tổ chức của Nhật cũng đang tấn công vào TTCK Việt Nam với điểm đến là các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí. Gần đây, một công ty con của Tokyo Gas đã chi gần 1,3 ngàn tỷ đồng mua 24,9% vốn cổ phần của CTCP Phân phối Khí áp thấp Dầu khí Việt Nam (PGD).

Cổ đông chiến lược của Petrolimex (PLX) hiện cũng là “gã khổng lồ” số 1 Nhật Bản. Nhờ sự săn đón của khối ngoại, cổ phiếu PLX đã tăng hàng chục phần trăm lên hơn 63 ngàn đồng như hiện tại.

Không chỉ các quỹ đến từ châu Âu và Nhật, nhiều NĐT đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Họ thậm chí còn thâu tóm cả các công ty chứng khoán Việt để dễ bề thâm nhập hơn vào TTCK tăng trưởng cao thuộc top 10 trên thế giới.

Trong quý 2/2017, giới đầu tư chứng kiến khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong gần 7 năm trở lại đây. Vốn hóa TTCK Việt Nam hiện đã vượt ngưỡng 120 tỷ USD, tương đương 60% GDP. Trong đó, vốn ngoại đạt 27,3 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bloomberg, nhiều TTCK mới nổi và cận biên tại châu Á, trong đó có Việt Nam, đều hấp dẫn các NĐT ngoại từ đầu năm đến nay. Sự tăng trưởng đột biến về quy mô thị trường nhờ hoạt động thoái vốn cùng với các hàng hóa chất lượng như Petrolimex, Sabeco, Habeco,... và các DN tư nhân quy mô lớn như VIB, VPBank, VietJet (VJC), Novaland (NVL),... là các yếu tố hút dòng vốn ngoại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cùng với chính sách nới lỏng có thể còn thúc đẩy thị trường lên nữa.

Theo M. Hà
Vietnamnet