1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bình ổn kinh tế không chỉ dựa vào thắt chặt tiền tệ

(Dân trí) - Theo đánh giá của WB, gói chính sách bình ổn kinh tế của Chính phủ có nhiều dấu hiệu cho thấy đã phát huy hiệu quả nhưng cũng cần thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp.

Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, dấu hiệu cho thấy gói chính sách bình ổn kinh tế của Chính phủ Việt Nam đã phát huy hiệu quả là ở chỗ: Giá cả các mặt hàng phi lương thực bắt đầu giảm so với những tháng trước và mức nhập khẩu hàng tháng cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn bề ngoài, có vẻ gói chính sách trên của Chính phủ Việt Nam chưa thực sự hiệu quả trong việc bình ổn các cân đối kinh tế vĩ mô, nhưng nếu chú ý đến độ trễ sẽ thấy chính sách thắt chặt hiện nay đã có hiệu quả.

Con số lạm phát tháng 5 cao là do tâm lý hốt hoảng của người dân gây sốt ảo giá gạo hồi đầu tháng. Còn cân nhắc những thay đổi hàng tháng của giá các mặt hàng phi lương thực, thì lạm phát đã bắt đầu “giảm tốc” từ tháng 3.

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu vẫn cao, song tỷ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2007 cũng đã giảm. Hơn nữa, động thái của 2 chỉ số này dường như đi theo chiều hướng thay đổi của tổng cung tiền tệ, với độ trễ khoảng hơn 3 tháng và nếu xu hướng này được khẳng định, cũng như kỷ luật tiền tệ nghiêm ngặt được tiếp tục theo đuổi thì có thể hy vọng lạm phát với 2 mặt hàng này giảm dần trong những tháng tới.

Dù thừa nhận “sự cần thiết phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ” nhưng WB cũng chỉ ra rằng “phụ thuộc quá nhiều vào chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ khiến cho thị trường tài chính suy yếu và gây rủi ro cho các ngân hàng cổ phần trước đây đã cho vay quá nhiều để đầu tư tài chính và bất động sản”.

Giá tài sản sụt giảm

Việc thắt chặt tín dụng được WB đánh giá như một phần của gói giải pháp bình ổn đã có tác động đối với giá bất động sản. “Những thông tin có được về thị trường địa ốc tương đối chắp vá, chủ yếu mang tính "giai thoại". Tuy nhiên, các ý kiến đều đồng ý rằng giá cả đã giảm sút và để bán một tài sản phải mất nhiều thời gian hơn”.

Còn về thị trường chứng khoán, sự sụt giảm hiện nay một phần phản ánh sự điều chỉnh cần thiết sau một thời kỳ “tăng trưởng phi lý. Song nó đã đi quá xa nếu tính đến những nền tảng căn bản của thị trường”. Tính đến cuối tháng 5, hệ số P/E trung bình tại Hose ước tính là 10, ở Hastc vào khoảng 6 - 7.

Thị trường tài sản trầm lắng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng cổ phần đã cho vay trước đó để đầu tư tài chính và địa ốc. Các khoản vay chưa được thanh toán liên tục được chuyển hạn cho ngân hàng có thời gian để đợi cho thị trường tài sản phục hồi trở lại; nhưng với lãi suất tăng cao hơn, việc đảo nợ không thể kéo dài mãi.

Tình trạng này, theo WB, cần có 2 loại biện pháp. Thứ nhất, quyết đoán hơn trong việc chuyển sang các hợp phần khác của gói chính sách bình ổn giá mà Chính phủ đã công bố.

WB cho rằng: “Cho đến nay, các hành động mới chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ. Các công bố đưa ra còn nhắc đến chính sách tài khóa, song việc cắt giảm chi tiêu vẫn chưa thực sự diễn ra. Việc thiếu vắng hoạt động điều chỉnh ngân sách đồng nghĩa với việc tất cả gánh nặng của nhiệm vụ bình ổn kinh tế được đặt lên khả năng tiếp cận tín dụng”.

Thứ hai, cần đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính và duy trì lòng tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng. Và giải pháp mà WB đưa ra nên nhanh chóng sáp nhập một số ngân hàng cổ phần yếu kém vào các ngân hàng mạnh hơn, có uy tín hơn.

Nhìn nhận một cách tích cực thì quyết tâm thực hiện gói chính sách bình ổn kinh tế của Chính phủ sẽ không làm tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại đáng kể. Sức ì “thống kê” có nghĩa là tỷ lệ tăng GDP trong năm 2008 vẫn cao, ngay cả khi chỉ đạt mục tiêu 7% trong các quý còn lại của năm.

Xét từ góc độ này, chi phí để quyết tâm “chặn đứng” lạm phát và nhập siêu sẽ không phải là quá cao và Việt Nam “hoàn toàn có thể dành ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế”.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm