Bình ổn giá thuốc: bao giờ?

Cuộc khảo sát trên 1.000 mặt hàng thuốc mà Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam thực hiện trong tháng 10/2006 cho thấy, giá các loại thuốc nhập ngoại vẫn tăng 2% - 5%, thậm chí có những loại thuốc cao hơn giá trị thật từ 300% đến 700%!.

Như vậy, sau bao nhiêu đợt thanh tra, kiểm tra, giá thuốc vẫn bị thả nổi không kiểm soát được. Vì sao?

 

Nghịch lý giá thuốc

 

Dược sỹ Phạm Thanh Vân, Tổng thư ký Hội Dược học TPHCM không khỏi bức xúc khi nhận định rằng: Thị trường dược phẩm hiện rất lộn xộn, mạng lưới kinh doanh thuốc còn quá nhiều tầng nấc trung gian, mỗi tầng nấc tha hồ định giá, in dán giá.

 

Giá thuốc đang bị thả nổi không kiểm soát được, việc định giá các dược phẩm, quyết định mặt hàng đó có bán chạy hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tỉ lệ “hoa hồng” cho bác sĩ, dược sĩ. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều loại thuốc tốt, chính gốc, giá rẻ nhưng lại không bán chạy bằng những thuốc vô danh bán với giá cao gấp nhiều lần.

 

Cụ thể như: men tiêu hóa Bio Lactyl chính gốc của Pháp được bán với giá 28.500 đồng/hộp 18 gói lại bán không chạy bằng men tiêu hóa có xuất xứ từ Hàn Quốc giá 108.000 đồng/hộp 30 gói. Những loại thuốc có cùng công dụng như nhau nhưng giá cả lại một trời một vực…

 

Theo phân tích của các chuyên gia dược học, sau khi Zueilig Pharma độc quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam, các công ty TNHH trong nước buộc phải chuyển qua nhập dược phẩm từ các nước và vùng lãnh thổ khác như: lãnh thổ Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

 

Đa số những hàng nhập này là dược phẩm vô danh so với các dược phẩm thông dụng do các nước phát triển sản xuất. Để cạnh tranh với hàng chính gốc, các công ty TNHH không còn cách nào khác là tác động trên bác sĩ ghi toa và hoa hồng cho các bác sĩ phát sinh từ đó. Không để chịu thua các công ty TNHH, công ty phân phối nước ngoài phải tìm cách “ăn chia” với các bác sĩ, dược sĩ. Giá dược phẩm vì thế cứ đua nhau leo thang.

 

Theo dược sỹ Nguyễn Xuân Lập, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, sau đợt tăng giá thuốc năm 2003, hơn 3 năm qua, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp để bình ổn giá thuốc nhưng thật khó để quản lý, xử lý một khi đã trao quyền cho các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, tự cạnh tranh về giá.

 

Kết quả là người dân vẫn phải gánh chịu giá thuốc trên trời và cảnh người bán tính giá rất tùy tiện, ngay trong khu vực bán sỉ cùng một loại nhưng mỗi nơi một giá. Một cán bộ của Sở Y tế TPHCM đã thừa nhận, có nhiều trường hợp, người bệnh phải mua thuốc với giá cao hơn 300% - 700% giá thật của thuốc.

 

Giải pháp gốc: hệ thống phân phối

 

Tại hội nghị tập huấn về thực hành dược bệnh viện tổ chức cuối tháng 9/2006, TS André Coulange - chuyên viên cao cấp về phân phối dược phẩm của Pháp - đã đánh giá hệ thống phân phối dược của Việt Nam quá phức tạp.

 

Theo ông, hệ thống phân phối thuốc ở Việt Nam có quá nhiều công ty với nhiều tầng nấc tham gia, nhưng lại không quy định chức năng rõ ràng. Việc phân phối cũng rất rối khi ai cũng có thể phân phối cho nhau.

 

Nhà sản xuất tự đi phân phối thuốc cho bệnh viện, các công ty phân phối thuốc cho nhau, các trung tâm phân phối có thể đưa trực tiếp đến đại lý thuốc hoặc bệnh viện; các đại lý cũng làm công việc phân phối thuốc cho đại lý khác và các nhà thuốc.

 

Ngay cả các nhà thuốc cũng lấy sản phẩm của nhau để bán. Điều này dẫn đến tình trạng giá cả hỗn loạn, giá thuốc tăng cao. Việc phân phối “lộn tùng phèo” này còn là điều kiện để các loại thuốc giả tràn vào thị trường dược phẩm.

 

Cũng trên cơ sở phân tích như trên, dược sỹ Phạm Thanh Vân cho rằng, để bình ổn giá thuốc, phải giải quyết từ gốc vấn đề.

 

Đó là việc xây dựng một hệ thống phân phối tốt, cắt bớt những tầng nấc trung gian bằng cách thay thế hệ thống đa công ty, đa cấp bằng một hệ thống phân phối duy nhất với một chi phí vừa đủ để đưa dược phẩm sản xuất và xuất nhập khẩu trực tiếp đến bệnh viện hay nhà thuốc bán lẻ cho người bệnh.

 

Được biết, hiện nay Tổng Công ty Dược Việt Nam đã có chương trình thí điểm thực hiện phân phối thẳng thuốc từ các doanh nghiệp của tổng công ty đến bệnh viện, có sự phối hợp với các doanh nghiệp địa phương. Theo nhận định, việc cắt ngắn đường đi của viên thuốc sẽ giảm được chi phí đáng kể kinh phí mua thuốc của bệnh viện.

 

Cũng theo dược sỹ Vân, cần phải quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ phân phối thuốc của các thành viên tham gia, quy định về giá cả ngay từ khâu sản xuất, phân phối đến người bệnh, quy định thặng số cho nhà bán buôn, bán sỉ và hiệu thuốc, in giá thuốc trên bao bì, lợi nhuận cụ thể. Việc in giá lên bao bì không chỉ giúp người tiêu dùng kiểm soát được giá thuốc mà nhà phân phối khi muốn sửa giá cũng khó khăn.

 

Được biết sắp tới, Bộ Y tế sẽ có thông tư yêu cầu in giá bán lẻ lên sản phẩm. Giá niêm yết sẽ căn cứ vào giá CIF (giá nhập khẩu đến cảng Việt Nam) hoặc giá xuất xưởng (với hàng trong nước) + thặng số lãi trần.

 

Đây được xem là động thái tích cực để bình ổn giá thuốc, tuy nhiên, theo Cục Quản lý dược, trước mắt mới chỉ áp dụng trên 12.000 mặt hàng, tập trung làm ở 3 nhóm thuốc: thuốc dự trữ lưu thông, thuốc thiết yếu và danh mục thuốc chủ yếu dùng trong bệnh viện. Như vậy, còn lại phần lớn thuốc vẫn tiếp tục vẫn bị thả nổi về giá.

 

Một giải pháp dài lâu khác là việc tập trung và đẩy mạnh sản xuất dược phẩm chất lượng cao trong nước và dùng hệ thống bán lẻ (nhà thuốc) quảng bá cho người dân sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

 

Theo Kim Liên

Báo SGGP