1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Khánh Hòa:

Loay hoay “nâng tầm” cho cá ngừ đại dương

(Dân trí) - Cá ngừ đại dương do ngư dân Nam Trung Bộ đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1… đang rớt giá mạnh trong nhiều tháng qua khiến ngư dân điêu đứng. Câu chuyện “nâng tầm” giá trị cá ngừ đại dương, trong đó hướng đến khâu bảo quản đang là bức thiết.

Như chúng tôi đã phản ánh trong nhiều lần trước, cá ngừ đại dương do ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1… nhập lên Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa), cách đây chưa lâu dao động 88.000 - 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 -12.000 đồng/kg so với các tháng trước. Với mức giá trên trong khi chi phí đánh bắt 70 - 100 triệu đồng/chuyến biển kéo dài 20-30 ngày, đã khiến hàng loạt tàu cá ở các tỉnh Nam Trung Bộ thua lỗ.

Ngư dân cho rằng, có thể do họ bị lệ thuộc vào đầu ra nên bị tư thương “ép giá”, thích mua bao nhiêu thì mua. Trong khi một doanh nghiệp chuyên thu mua cá ngừ đại dương ở TP Nha Trang cho rằng, không thể nói giá cá giảm là tư thương “ép giá” mà do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty Hải sản Bền Vững (Khánh Hòa), việc ngư dân bảo quản cá không đúng quy trình, cộng với nắng nóng kéo dài ở vùng biển phía Nam là nguyên nhân khiến chất lượng cá giảm. Khi chất lượng cá giảm thì rất khó để giá cả ổn định, trong khi doanh nghiệp thu mua đang đối mặt với tăng phí đường bộ, chi phí vận chuyển…

Theo bà Thanh, năm nay có đến 40-50% số cá ngừ đại dương mà ngư dân câu được không đạt chuẩn loại A, tiêu chí thu mua để xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, khối EU..

Cá ngừ đại dương ở cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: Viết Hảo
Cá ngừ đại dương ở cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: Viết Hảo

Theo ông Mai Thành Phúc, đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa), từ bờ chạy ra vùng biển có cá phải mất 2 ngày 2 đêm nhưng chuyên gia Nhật yêu cầu trong vòng 7 ngày phải chạy vào đất liền ngay, trong khi ngư dân mới chạy ra đánh bắt chưa có cá nên việc thực hiện điều này là rất khó. Nếu áp dụng đánh bắt 7 ngày, với sản lượng 500 - 600 kg cá thì ngư dân sẽ thua lỗ nặng.

Liên quan đến câu chuyện cá ngừ đại dương, ông Võ Khắc Én, Chi cục Phó Chi Cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, ngày 27/6, cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh này có hơn 200 tàu khai thác cá ngừ đại dương nhưng lâu nay vẫn bảo quản cá theo cách truyền thống là ướp đá lạnh trong hầm gỗ, hiện chưa có tàu nào có hệ thống cấp đông sâu, âm 500C.

Nằm trong lộ trình thí điểm mô hình đánh bắt, bảo quản, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi, 2 tàu cá công suất 600CV của Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) đã triển khai áp dụng công nghệ bảo quản trên, thực hiện đánh bắt trên vùng biển Nam Trung Bộ. Theo đó, các ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa đã xuống 2 tàu trên xuất bến đánh bắt để tiếp nhận công nghệ khai thác, cách câu, bảo quản sản phẩm bằng hệ thống cấp đông sâu, âm 500C.

“Hiện ngư dân mình chưa có tàu nào có hệ thống bảo quản này và ở mình cũng chưa sản xuất được hệ thống này ở dưới tàu. Ở các nước khác thì cá ngừ đại dương gần bờ hơn mình, còn vùng biển của mình là vùng biển ấm nên mình phải đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ hơn. Nhưng theo tôi điều quan trọng là học được hệ thống bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương của họ”, ông Én phân tích.

Theo ông Én, một trong những ưu tiên hiện nay để đảm bảo giá cá ngừ đại dương ổn định, hướng đến nâng tầm giá trị cá này thì cần nhiều doanh nghiệp có tiềm lực vừa đứng ra khai thác vừa thu mua trên biển. “Điều này sẽ đảm bảo ổn định giá cá, ngư dân không phải chạy ra chạy vô để bớt tốn nhiên nhiệu, chi phí. Nhưng hiện nay tàu thu mua là ít, trong khi ngư trường thì rộng cũng gây ra khó khăn trong việc thu mua của doanh nghiệp”, ông Én cho hay.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm