Bình Định: Heo rớt giá, người nuôi ôm nợ
(Dân trí) - Từ trước Tết đến nay, giá heo thịt rớt giá thê thảm và giữ mức giá thấp kéo dài. Hiện giá heo thịt loại đẹp, nạc nhiều, trọng lượng 60-70 kg/con, giá giao động từ 32.000 - 33.000 đồng/kg, khiến người nuôi ôm nợ.
Từ trước Tết đến nay, giá heo thịt rớt giá thê thảm và giữ mức giá thấp kéo dài. Hiện giá heo thịt loại đẹp, nạc nhiều, trọng lượng 60-70 kg/con, giá giao động từ 32.000 - 33.000 đồng/kg, khiến người nuôi ôm nợ.
Tính từ cận Tết Nguyên đán đến nay, giá heo hơi rớt giá thê thảm khiến người nuôi heo ở “thủ phủ” heo lớn bậc nhất miền Trung của huyện Hoài Ân (Bình Định) đang gặp khó khăn. Thời điểm đó, nhiều hộ nuôi bán đổ bán tháo, vớt vát để trả tiền thức ăn của các chủ đại lý cám, phần để lo tiền sắm Tết. Nhưng nhiều hộ thì nuôi cầm chừng chờ giá tăng trở lại.
Thế nhưng từ đó đến nay, giá heo vẫn cầm chừng ở mức 28.000-32.000 đồng/kg loại đẹp, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg heo loại mỡ nhiều. Trong khi đó, số heo nuôi cầm chừng đạt 1 tạ/con thì bị thương lái ép giá thấp chỉ 25.000 đồng/kg.
Với quy mô đàn thuộc dạng lớn ở xã Ân Nghĩa, với tổng đàn lên đến 300 trăm con heo thịt, nái các loại. Tuy nhiên, giá heo rớt thê thảm khiến gia đình chị Lê Thị Ngọc Tuyến (48 tuổi, trú thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định) đang phải ôm nợ đại lý cám cả 2 tỷ đồng. Chị Tuyết cho biết: “Giá heo bán 34.000-35.000 đồng/kg thì người nuôi hòa vốn, còn giá heo từ 36.000-37.000 đồng/kg thì có lãi".
"Năm ngoái, có thời điểm heo lên tới 40.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ 28.000 - 30.000 đồng/kg heo loại 1 thì người nuôi lỗ nặng. Chưa nói cuối năm ngoái lũ lụt heo chết, sau lũ heo lại bệnh chết hàng loạt. Từ cuối năm 2016 đến nay, đàn heo của gia đình tôi chết trên 200 con, thiệt hại trên 200 triệu đồng”, chị này nói.
Chị Tuyết nói thêm: “Nghịch lý là thương lái mua heo giá thấp nhưng khi bán gia thị trường vẫn gấp 3-4 lần. Lại còn chuyện số 70 con heo thịt, gia đình cầm cự lại nuôi, chờ giá tăng trở lại để bán đã trên 1 tạ/con thì thương lái bị ép mua giá thấp chỉ 25.000 đồng/kg. Năm trước, một con heo đang bán trên 3 triệu thì năm nay chỉ bán chưa được 2 triệu. Trong khi đó, nuôi 1 con heo từ lúc nuôi đến xuất chuồng chi phí thức ăn trên 2,5 triệu đồng”.
Hay như trại heo của anh Trần Văn Vân (43 tuổi, thôn Gia Trị, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) được xem là trại heo lớn nhất xã với 370 con heo thịt, 30 con heo nái. Tuy nhiên, gia heo rớt không phanh khiến gia đình anh Vân đang phải ôm nợ chủ đại lý cám trên 300 triệu đồng.
Theo anh Vân, chỉ riêng tiền cám 1 năm phải trả cho đại lý cả 1 tỷ đồng, thuốc men phòng dịch, khi heo bị bệnh phải chữa trị dài ngày. Heo bị bệnh vừa điều trị tốn tiền thuốc men, vừa chậm lớn lại tốn thêm tiền cám.
“Từ 26 Tết đến nay, giá heo chỉ 26.000 - 33.000 đồng/kg, một con heo bán chưa nổi 2 triệu đồng, tính ra một con heo lỗ hơn 1 triệu đồng, đó là chưa kể dịch bệnh heo bị chết. Từ tháng 7/2016, riêng trại heo của gia đình tôi chết khoảng 220 con, lỗ trên 400 triệu đồng. Hiện tiền còn nợ tiền cám của đại lý hơn 300 triệu đồng", anh Vân nói.
"Được cái bán heo đâu được bao nhiều trả nợ tiền cám cho đại lý, trả chưa hết thì họ cho nợ khi nào xuất heo lại trả tiếp. Nuôi heo lo dịch bệnh đã đành thì người nuôi còn lo giá cả bấp bênh. Nhất là bị thương lái ép giá, nếu không có giải pháp bình ổn giá thì nghề nuôi heo khó bền vững”- anh Vân chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, phó Phòng NN& PTNN huyện Hoài Ân cho biết: “Tổng đàn heo trên địa bàn huyện có khoảng 280 ngàn con, cao nhất trong 10 năm qua. Từ giáp Tết Nguyên đán đến nay, giá heo có giảm nên tổng lượng đàn cũng có giảm. Tuy nhiên, đặc thù chăn nuôi heo của huyện chủ yếu là hộ gia đình, khi giá heo giảm thì người nuôi chủ yếu bị lỗ con giống.
Riêng với các trang trại nuôi quy mô lớn thì có trang trại hàng tháng lỗ đến 100 triệu đồng. Hiện nay, huyện khuyến cáo người dân không nên tăng đàn mà khuyến khích người dân, nhất là các trang trại lớn chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao, không sử dụng chất cấm, đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng.
Bên cạnh đó, quy hoạch vùng chăn nuôi theo từng lợi thế của vùng như vùng chăn nuôi heo công nghiệp hay heo của địa phương. Tăng cường công tác quản lý về giống gia súc, gia cầm. Hiện nay, giống của địa phương đã được cải thiện nhưng cần tốt hơn để tiến kịp nhu cầu của thị trường”.
Doãn Công