Big C "biến mất": Ngẫm thêm chuyện o ép hàng Việt

Đổi tên phải đổi cả cách làm ăn, cách thức bán hàng tới văn hóa ứng xử với nhà cung ứng thì mới hiệu quả.

Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (chủ hệ thống Big C) chính thức đổi tên thương hiệu Big C thành GO! và Tops Market. Sau khi quá trình đổi tên hoàn thành, cũng có nghĩa thương hiệu Big C vốn khá quen thuộc với người tiêu dùng sẽ chính thức không còn hiện diện ở Việt Nam sau 22 năm.

Trước diễn biến trên, ông Vũ Vinh Phú nhận định, việc chuyển đổi thương hiệu là tất yếu, do nhiều lý do.

Thứ nhất, bản thân thương hiệu Big C trước đó cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề trong cách ứng xử với các nhà cung ứng hàng hóa. Cụ thể, Big C dừng quan hệ đột ngột, tạm thời không giao dịch với hàng trăm nhà cung ứng sản phẩm dệt may đã có mối quan hệ gắn bó từ mấy chục năm trước đó.

Thứ hai, có khả năng một số điểm bán của Big C hòa hoặc lỗ, vì thế phải làm mới để hoạt động có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, thay đổi thế nào để nó thật sự hiệu quả chứ không phải "bình mới rượu cũ", đổi tên nhưng vẫn giữ cung cách làm ăn, hàng hóa, văn hóa ứng xử cũ thì có đổi tên cũng không giúp ích gì. Điều quan trọng nhất là chất lượng và cách thức phục vụ người tiêu dùng như thế nào?

Ngoài ra, phải kinh doanh có văn hóa, không phải cách ứng xử trong một đêm, một ngày dừng đột ngột quan hệ, giao dịch với hàng trăm nhà cung ứng với lý do sốc lại hàng hóa. Với những nhà cung ứng đã gắn bó với Big C nhiều năm, cần phải đưa ra thông báo trước về thời hạn thực hiện để nhà cung ứng chủ động trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Big C biến mất: Ngẫm thêm chuyện o ép hàng Việt - 1

Nếu ép nhà cung ứng một cách vô lý thì "giá rẻ" cũng vô nghĩa. (Ảnh minh họa)

Các trường hợp nếu ép nhà cung ứng một cách vô lý thì "giá rẻ" của Big C cũng vô nghĩa, mất đi tính chia sẻ và khả năng thu hút bạn hàng của đơn vị.

Trong mối quan hệ sản xuất - cung ứng, lợi nhuận của nhà sản xuất đúng ra phải cao hơn trung gian và bán lẻ, tuy nhiên, ở Việt Nam điều này lại đang ngược lại, lợi nhuận của nhà sản xuất lại thấp hơn lợi nhuận của trung gian và bán lẻ, điều này là vô lý và cũng đang thể hiện rõ hơn ở Big C.

"Câu chuyện tôi muốn nói ở đây chính là cái tâm của nhà bán hàng, điều này mới là vấn đề trọng tâm cần thay đổi", ông Phú thẳng thắn. 

Nói thêm về văn hóa, đạo đức bán hàng, vị chuyên gia kể thêm, ông đã từng dạy cho gần 7.000 nhân viên ngành thương mại, khi đó ông đã nói với họ "bán hàng phải bán như người thân của mình, có như vậy mới thành công".

Nhìn vào cách bán hàng hiện nay, vị chuyên gia không khỏi chạnh lòng. Vì lợi nhuận các nhà bán hàng đưa ra nhiều hình thức ép người tiêu dùng như bán hàng không đổi, trả lại, hay ép chiết khấu, hất hủi nhà cung cấp..., rõ ràng văn hóa bán hàng đã có vấn đề.

Nhất là vấn đề minh bạch trong chiết khấu. Điển hình như câu chuyện Công Ty TNHH Thế Hệ Mới, để đưa được sản phẩm vào kệ của siêu thị đã phải nộp 500.000 USD.

Hay câu chuyện cá sạch "sông trong ao" của HTX Đại Áng huyện Thanh Trì, được nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap đều được các siêu thị đánh giá đạt tiêu chuẩn. Thế nhưng, chỉ 1 tuần sau, lại đưa ra các yêu cầu HTX muốn gửi cá vào siêu thị phải 3 tháng sau mới được thanh toán hay, bán giá cá sạch bằng giá cá bình thường và HTX muốn gửi hàng phải chấp nhận chiết khấu 30% cho siêu thị.

"Những điều vô lý như vậy vẫn tồn tại thì không thể bảo đảm được lợi nhuận cho nhà cung cấp", ông Phú nói.

Đừng để giải cứu liên miên

Một vấn đề nữa cũng được ông nhắc tới là hiện tượng dư cung hàng hóa, hàng hóa sản xuất quá nhiều nhưng lại ít siêu thị dẫn tới tình trạng giải cứu liên miên. 
Thừa nhận là do việc đánh giá nhu cầu thị trường và việc tổ chức sản xuất chưa tốt nhưng vị chuyên gia vẫn cho rằng còn có cả yếu tố tiêu cực, thiếu minh bạch trong quá trình phân phối, cung cấp hàng hóa vào siêu thị.

Qua câu chuyện trên, ông Phú cho rằng các cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh thành phố có điêu thị đóng quân phải làm trọng tài chia sẻ tương đối công bằng giữa nhà sản xuất cung ứng với nhà bán lẻ, nhất là hiện tượng o ép nhà cung ứng đang xảy ra tương đối phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Ông Phú nhấn mạnh, chúng ta không thể buông xuôi. Nhắc lại than phiền của doanh nghiệp về vấn đề phát triển hạt mắc ca tại một hội nghị nông nghiệp trước đó, ông Phú cho biết doanh nghiệp kêu rất nhiều về việc gửi hàng vào siêu thị phải chịu chiết khấu 30%.

Khi đó, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương đã lên tiếng cho rằng "Bộ Công thương phải làm trọng tài trong vấn đề này". Theo ông Phú, phát biểu của TS Nguyễn Đình Cung là chính xác, các bộ ngành, sở, địa phương cần lắng nghe.

Theo Lam Lam

Đất Việt