Big 4 kiểm toán EY, PwC, Deloitte, KPMG kinh doanh ra sao tại Việt Nam?
(Dân trí) - EY, PwC, Deloitte, KPMG - nhóm 4 đơn vị kiểm toán lớn nhất thế giới - đang kiểm toán 35% doanh nghiệp đại chúng ở Việt Nam. Có đơn vị thu cả nghìn tỷ nhưng lãi vỏn vẹn vài tỷ đồng.
Tính đến hiện tại, 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM có tổng cộng 1.679 doanh nghiệp niêm yết. Với việc kiểm toán cho 585 đơn vị có lợi ích công chúng, EY, PwC, Deloitte, KPMG đang phục vụ khoảng 35% doanh nghiệp đại chúng tại Việt Nam.
Doanh thu nghìn tỷ đồng, lãi vài tỷ đồng
Theo số liệu mới nhất, tổng doanh thu của Big 4 tại Việt Nam đạt gần 4.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 336 tỷ đồng.
PwC là công ty có doanh thu cao nhất Big 4 kiểm toán, đạt hơn 1.361 tỷ đồng trong năm tài chính 2021. Xếp sau là EY với gần 1.120 tỷ đồng. Vị trí tiếp theo là Deloitte, với 1111 tỷ đồng và tăng liên tiếp 4 năm qua. KPMG là đơn vị duy nhất doanh thu dưới 1.000 tỷ đồng, đạt 598 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng doanh thu toàn cầu nhóm này đạt kỷ lục 190 tỷ USD, tăng từ mức 167 tỷ USD của năm trước đó.
Đạt quy mô doanh thu hàng nghìn tỷ đồng song lợi nhuận của nhóm Big 4 kiểm toán tại Việt Nam có sự chênh lệch lớn, từ vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Lợi nhuận tại một số đơn vị có phần khiêm tốn so với doanh thu.
Lợi nhuận sau thuế của EY và KPMG giảm lần lượt 69% và 28% so với năm trước, đạt lần lượt 3,7 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng, chỉ bằng mức của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Nhiều năm nay các đơn vị này đều chỉ báo lãi vài tỷ đồng cho đến hơn chục tỷ đồng. PwC và Deloitte kinh doanh khả quan hơn khi lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt là 61% và 14%. PwC là đơn vị duy nhất đạt doanh thu trăm tỷ đồng.
Big 4 kiểm toán làm gì?
Xét về mạng lưới khách hàng, tại Việt Nam, EY Việt Nam là công ty đã thực hiện kiểm toán nhiều nhất với 252 đơn vị. Theo sau là KPMG, PwC, EY.
Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán trong nhóm Big 4 nói với Dân trí, dù nổi tiếng với mảng kiểm toán, hoạt động mỗi doanh nghiệp trong nhóm này lại có sự phân hóa.
Trong khi PwC tập trung phần lớn vào kiểm toán, tư vấn kế toán, định giá, tư vấn chuyển đổi báo cáo sang IFRS, EY lại chuyên trách về thuế, công nghệ và giao dịch từ các dịch vụ thuế.
Hay KPMG lại tập trung kiểm toán, tư vấn vận hành, tư vấn thương vụ, tư vấn thuế, pháp lý. Còn Deloitte mạnh về tư vấn kế toán và báo cáo tài chính, tư vấn sự kiện, tư vấn hoạt động kế toán và các dịch vụ đảm bảo khác.
Nhìn chung, nhóm Big 4 này được biết đến với dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế và tư vấn doanh nghiệp chuyên nghiệp, uy tín, nguồn thu của nhóm Big 4 chưa hẳn phụ thuộc vào nghiệp vụ trên.
Cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp phân hóa khá mạnh. Một số doanh nghiệp kiểm toán đẩy mạnh doanh thu các mảng khác ngoài kiểm toán, nguyên nhân là kiểm toán có biên lãi thấp so với các mảng còn lại.
EY là đơn vị có doanh thu từ việc kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng lớn nhất, lên tới hơn 318 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu. Một số khách hàng lớn của công ty có thể kể đến Bảo Việt, Thế Giới Di Động, Agribank, VietinBank, Sacombank, VNDirect, SSI, Đất Xanh... Doanh thu từ việc kiểm toán cho các đơn vị khác cũng lên tới 541 tỷ đồng.
Deloitte cũng kiếm tiền tại Việt Nam phần lớn nhờ kiểm toán, chiếm gần một nửa nguồn thu. Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, Lọc hóa Dầu Bình Sơn, Bảo hiểm PVI, Dược Hậu Giang, Xi măng Vicem Hà Tiên... là khách hàng lớn của đơn vị này.
Trong khi đó, PwC lại chuộng kinh doanh các dịch vụ phi kiểm toán. Tỷ trọng dịch vụ kiểm toán trong tổng doanh thu của cả 2 ở mức thấp. Với dịch vụ kiểm toán, các khách hàng lớn của PwC là FPT, Vietjet, Vinacapital, Novaland, Thép Nam Kim… còn của KPMG có thể kể đến Masan, Nhựa Bình Minh, Hòa Phát, Hoa Sen…
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng thường thay đổi công ty kiểm toán sau vài năm. Chủ tịch một ngân hàng cho biết đơn vị này đổi công ty kiểm toán 3 năm một lần.
Các công ty kiểm toán dành một khoản lớn nguồn thu để trả lương nhân viên. PwC chi trả tiền lương, thưởng của nhân viên cao nhất ở mức 676 tỷ đồng, theo sau là Deloitte 660 tỷ đồng, EY 530 tỷ đồng và KPMG 434 tỷ đồng.