Biệt thự hoang trong rừng: Chuyện lạ Hà Nội sau 100 năm
Nửa đầu thế kỷ 20, đã có hàng loạt biệt thự Pháp cổ bỏ hoang thành phế tích giữa núi rừng. Nhưng, chuyện như thế lại đang lặp lại ở ven Hà Nội sau gần 100 năm với mức độ phổ biến và quy mô hơn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Doanh nghiệp lo ngắn, quên dài |
Đào thoát khỏi giấc mơ
Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ven đô đã được không ít các chủ đầu tư mạnh miệng cho rằng không chịu ảnh hưởng của thị trường, bởi khách hàng là người mua thực ít có đầu cơ. Thời điểm đó, theo các chủ đầu tư, các dự án của họ vẫn có tiềm năng phát triển và là một xu thế của cuộc sống hiện đại khi nhu cầu về nghỉ dưỡng xanh càng ngày lên ngôi. Tuy nhiên, thực tế đã không đẹp như vậy.
Hình ảnh hoang tàn không hiếm trong các khu rừng ven Hà Nội. |
Khảo sát các điểm nóng một thời của BĐS nghỉ dưỡng ven đô như Ba Vì, Lương Sơn (Hòa Bình) hay Vĩnh Phúc, hầu hết các dự án đang trong tình trạng san ủi dở dang, chưa có điện, nước, thậm chí nhiều dự án còn chưa có đường vào. Tình trạng phân lô bán nền cỏ khiến cho hàng nghìn m2 đất bỏ hoang mọc um tùm, chưa biết đến bao giờ mới cho ra được những sản phẩm phục vụ du lịch thực sự.
Nhiều dự án bỏ hoang giữa rừng không. |
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến như khu quần thể villas sinh thái Top Hills (Lương Sơn), dự án The Queen Villas (Ba Vì) của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch và Thương mại Hải Linh; dự án Tản Viên Resort (Ba Vì), dự án Lâm Sơn Resort (Lương Sơn) của Tập đoàn Archi; dự án Khu nhà ở cao cấp dầu khí Hoà Bình (Lương Sơn) của Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí (Petrowaco)...
Tại Hòa Bình, nhiều dự án bất động sản kết hợp du lịch sinh thái tại tỉnh Hòa Bình sau gần chục năm triển khai vẫn chỉ là khu đất hoang. Riêng xã Tân Vinh huyện Lương Sơn đã có gần chục dự án đắp chiếu, bỏ hoang đất... Hầu hết các dự án này mới chỉ lo "ôm đất" lập dự án chứ chưa biết đến bao giờ mới mang lại những sản phẩm du lịch thực sự, xây dựng được những khu đô thị du lịch sinh thái đúng nghĩa.
Các hoạt động xây dựng cũng như giao dịch gần như đóng băng. Kèm theo đó là hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư bị "chôn" vào đất, mà không tạo nên bất cứ giá trị gia tăng nào cho xã hội.
Từ năm 2011, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã chững lại và đến năm 2013, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tung hàng ra bán gần đây cũng chỉ rao 1-2 tỷ đồng/căn, thay vì loại sản phẩm trên 5 tỷ đồng/căn như trước. Thậm chí, có những căn biệt thự được cho là nghỉ dưỡng trên núi giá chỉ vài trăm triệu đồng.
Trong khi đó, những biệt thự nhà vườn, nay phải tính kế đưa ra những chiêu trò mới để hút khách, tìm cách cải thiện phần nào như mở dịch vụ lưu trú, bơi lội, câu cá, tổ chức các giải đấu tennis...
Cái chết báo trước
Không đủ sức để tồn tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đã âm thầm rời bỏ thị trường. Những cái tên như INT hay Archi, một thời đình đám trên thị trường, nay đã lui dần vào quá khứ.
Sở hữu dự án đẹp như mơ Ngọc Viên Islands (Sơn Tây, Hà Nội) và nhiều dự án đình đám khác, nhưng công ty Cổ phần Sỹ Ngàn hiện đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Toà án nhân dân TP Hà Nội cũng đã có quyết định về việc mở thủ tục phá sản với chủ đầu tư này. Đây là lần đầu tiên, thị trường bất động sản chứng kiến một công ty bị buộc phải tuyên bố phá sản và dự án mang tên Ngọc Viên sẽ chỉ còn đẹp lung linh trên tranh vẽ, kéo theo đó là hệ lụy của nhiều nhà đầu tư khi trót bỏ vốn vào dự án này.
Nhiều dự án rao bán với giá rẻ. |
Khi BĐS bắt đầu ngấm đòn của thắt chặt lãi suất thì nhiều người đã đặt nghi vấn, sau chung cư cao cấp thì đến lượt BĐS nghỉ dưỡng sẽ "chết đầu nước" vì lệch với nhu cầu. Các công ty BĐS nghỉ dưỡng ven đô chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu vốn, phát triển dự án manh mún và chưa có đầu tư bài bản, đã khiến cho thị trường này sẽ mãi chỉ là tiềm năng.
Theo các chuyên gia, biệt thự sinh thái tại các dự án chỉ có hiệu quả khi chủ đầu tư có phương thức quản lý tốt. Đó là mỗi năm, chủ nhà sẽ nghỉ ngơi trong biệt thự của mình từ 1-3 tháng, thời gian còn lại, chủ dự án sẽ thuê một Công ty có kinh nghiệm đứng ra kinh doanh, quản lý, cho khách thuê lại, lợi nhuận sẽ chia theo thoả thuận. Với tiêu chuẩn đó thì có lẽ ở Hà Nội hiện nay, chưa có dự án nào thực hiện được điều này.
Nhận định về thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, phân khúc nghỉ dưỡng ven đô vẫn còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, với thực lực của các chủ đầu tư như hiện nay, điều này khó có thể trở thành hiện thực một sớm một chiều.