Biến số lãi dự thu trong lợi nhuận ngân hàng

Việt Đức

(Dân trí) - Trong nhóm ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận 6 tháng đầu năm, nhiều nhà băng có mức lãi dự thu tăng mạnh như SHB, VietinBank.

Thống kê của Dân trí cho thấy sau 6 tháng đầu năm, có 15 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận lợi nhuận trước thuế từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Trong đó, quán quân lợi nhuận vẫn là Vietcombank (13.570 tỷ đồng) và đứng thứ 15 là LienVietPostBank (2.037 tỷ đồng).

Về thu nhập lãi thuần hay lợi nhuận, các ngân hàng cùng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Nhưng có một tiêu chí chứng kiến xu hướng khác biệt giữa các nhà băng là các khoản lãi, phí phải thu hay lãi dự thu. 

Biến số lãi dự thu trong lợi nhuận ngân hàng - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Biến động lãi dự thu của các ngân hàng nhóm đầu

Trong nhóm các ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận, SHB có mức tăng lãi dự thu mạnh nhất lên tới 41% từ 7.561 tỷ đồng vào cuối năm 2020 lên 10.677 tỷ đồng sau 6 tháng.

Một ngân hàng khác tăng mạnh lãi dự thu là VietinBank. Tại thời điểm ngày 30/6, các khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng này là 9.695 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2020. 

MB cũng tăng mạnh lãi dự thu 20% từ 3.782 tỷ đồng lên 4.554 tỷ đồng sau 6 tháng.

Khoản mục này trên báo cáo tài chính của HDBank tăng 17% từ 3.091 tỷ đồng lên 3.602 tỷ đồng, của Techcombank tăng 11% từ 5.185 tỷ đồng lên 5.737 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng giảm đáng kể số lãi dự thu. Các khoản lãi, phí phải thu tại ACB giảm 25% từ 3.638 tỷ đồng còn 2.722 tỷ đồng. Lãi dự thu của Sacombank giảm 20% từ 17.500 tỷ đồng xuống còn 14.051 tỷ đồng. 

Những nhà băng khác cũng chứng kiến lãi dự thu tại thời điểm ngày 30/6 thấp hơn so với cuối năm 2020 gồm OCB (giảm 9% từ 1.519 tỷ đồng còn 1.383 tỷ đồng), Vietcombank (giảm 7% từ 6.669 tỷ đồng còn 6.188 tỷ đồng), VIB (giảm 4% từ 1.798 tỷ đồng còn 1.735 tỷ đồng).   

Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là những con số tuyệt đối. Nếu lấy tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản để làm tham chiếu, Sacombank đứng đầu trong nhóm với mức 2,8%. Hai ngân hàng khác ghi nhận tỷ lệ các khoản lãi, phí phải thu trên tổng tài sản cao hơn 2% gồm LienVietPostBank (2,6%), SHB (2,3%). 

4 ngân hàng khác có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản từ 1% trở lên gồm MSB (1,5%), Techcombank, VPBank, HDBank cùng ở mức 1,1%. 8 nhà băng còn lại trong top 15 về lợi nhuận có tỷ lệ này dưới 1%. 

Biến số lãi dự thu trong lợi nhuận ngân hàng - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Lãi dự thu ảnh hưởng gì đến lợi nhuận?

Theo nguyên tắc kế toán, lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi, bao gồm cho vay khách hàng. Ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, tuy nhiên khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận.

Trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nêu quan điểm thận trọng về vấn đề này. Theo đó, lãi dự thu cao có thể bóp méo lợi nhuận.

"Một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao có thể làm lợi nhuận của họ bị sai lệch, đồng thời tăng rủi ro tiềm ẩn nếu ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Các ngân hàng buộc phải ghi giảm doanh thu nếu không thu được lãi trong cùng kỳ kế toán hoặc sẽ phải ghi tăng chi phí nếu nó xảy ra ở khác kỳ kế toán", chuyên gia của YSVN nêu ý kiến.

Theo chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này, trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm ngân hàng sụt giảm lợi nhuận. Do đó, các nhà đầu tư nên chú ý đến chỉ số này như một thước đo chất lượng thu nhập của các ngân hàng. YSVN lưu ý các ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản từ 1,5%.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, Giám đốc Phân tích của Công ty chứng khoán VIS Nguyễn Hồng Khanh lại đưa ra quan điểm lãi dự thu chỉ là một trong rất nhiều tiêu chí để đánh giá các ngân hàng, không phải yếu tố mang tính trọng yếu.  

Theo ông Khanh, sự biến động lãi dự thu sau một vài quý chưa thể hiện nhiều ý nghĩa. Nhà đầu tư cần nhìn vào sự thay đổi của chỉ số trên trong 3 - 4 năm để có sự đánh giá chính xác. Việc nhìn nhận tốt xấu của mức lãi dự thu cao hay thấp còn phụ thuộc thời điểm, tính chất hoạt động của từng ngân hàng.

Ông Khanh cho rằng nhà đầu tư nên dành nhiều sự quan tâm hơn đến các chỉ số khác như tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ tăng trích lập dự phòng, cơ cấu cho vay theo lĩnh vực của ngân hàng, khả năng chuyển nhóm nợ, chi phí hoạt động trên tổng thu nhập để đánh giá mức độ rủi ro.