Biến số kinh tế tác động ra sao tới ngành ngân hàng?

Thảo Thu

(Dân trí) - Các lãnh đạo ngân hàng chỉ ra nhiều khó khăn ngành này gặp phải trong bối cảnh kinh tế khó khăn như tín dụng tăng thấp, lợi nhuận sụt giảm, đối mặt với "rủi ro danh tiếng"...

Tại diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp cùng chuyên gia kinh tế thảo luận về những khó khăn của ngành ngân hàng hiện tại.

Sếp ngân hàng, đại diện doanh nghiệp nói về khó khăn của ngành

Ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT VietinBank - chỉ ra đến hết quý I/2023, tín dụng toàn ngành chỉ đạt 2,06%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022. "Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã chững lại", ông nói.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại; các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao; người dân cũng gặp khó khăn hơn so với trước… "Diễn biến trên tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng", vị này cho hay.

Theo đó, sau số liệu công bố của 27 ngân hàng, lợi nhuận quý đầu năm nay đã sụt giảm 4,1%. Hệ thống ngân hàng đối mặt nhiều rủi ro về thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, giá cả…

Ông còn chỉ ra "rủi ro danh tiếng" mà các ngân hàng đang gặp phải sau những lùm xùm quanh thị trường trái phiếu, bảo hiểm… Chưa kể, ngân hàng còn đối mặt với câu chuyện thoái lãi dự thu; rủi ro an ninh, gian lận nội bộ, tấn công mạng…

"Đặc thù hệ thống ngân hàng là nơi cung ứng vốn lớn của nền kinh tế, thu nhập từ lãi là trọng yếu, lợi nhuận giảm, phải trích lập rủi ro… trong khi phải giảm lãi vay đồng thời theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước", ông Tùng nói.

Biến số kinh tế tác động ra sao tới ngành ngân hàng? - 1

Ngân hàng thời gian quan gặp "rủi ro danh tiếng" (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ông Bùi Thành Trung - Phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh tiền tệ và đầu tư của OCB - thì cho rằng từ cuối năm 2022, nền kinh tế đã bộc lộ dấu hiệu khó khăn. Sang đến quý đầu năm nay, diễn biến này vẫn tiếp tục.

Lãnh đạo nhà băng này cho biết từ đầu năm nay cũng đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp. "Nếu doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng khó khăn và ngược lại", ông nói. Ông chỉ ra tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn cũng đã giảm xuống 34%, từ mức 37%.

Cơ quan điều hành: Khó khăn khi phải xử lý hài hòa nhiều mục tiêu

Về phía doanh nghiệp, ông Trương Văn Cầm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết dệt may là ngành sử dụng lao động lớn, lượng hàng xuất khẩu cũng lớn. Từ cuối quý IIII/2022, ngành này đứng trước nhiều khó khăn: đơn hàng giảm 15-20%, đơn giá giảm 20-30%, có những đơn giá giảm 40-50%... "Những điều này trước đây chưa từng xảy ra", ông bộc bạch. Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp ngành dệt may cũng lớn, lên tới 25-30%. Nhiều doanh nghiệp thời gian qua cũng đã phải cắt giảm nhân công.

Theo ông, bất kể những thách thức nào cho nền kinh tế thế giới cũng sẽ tác động trực tiếp đến ngành này.

Ông cũng cho rằng diễn biến khó khăn không chỉ xảy ra riêng với các doanh nghiệp ngành dệt may. Quý vừa rồi, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp giải thể, phá sản cao hơn đáng kể so với số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. "Hiếm có quý nào số liệu chênh lệch theo chiều hướng tiêu cực như vậy", ông nói.

Ông nhận định tình hình khó khăn có thể kéo dài đến hết quý III. Ông dự đoán phải đến đầu quý IV năm nay thị trường mới "ấm" trở lại.

Biến số kinh tế tác động ra sao tới ngành ngân hàng? - 2

Doanh nghiệp lo tình hình khó khăn có thể kéo dài sang đến hết quý III (Ảnh: Mạnh Quân).

Bà Hà Thị Kim Nga - cán bộ kinh tế cao cấp văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam - cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ còn lớn hơn và lâu hơn có thể tác động lan tỏa lớn đến châu Á.

Tuy nhiên, bà Nga cũng đánh giá áp lực tỷ giá đã dịu đi, và chính sách tiền tệ cũng đã được nới lỏng. "Lạm phát có thể đã tiệm cận đến điểm bước ngoặt", bà nói.

Bà Nga cảnh báo lạm phát cơ bản có thể còn dai dẳng trước khi giảm dần xuống dưới 4%.

Bà Nga khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá, đồng thời đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định cơ quan quản lý tiền tệ đang rất khó khăn trong việc điều hành. "Ngân hàng Nhà đang đi trên dây, vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất mà còn phải tăng trưởng kinh tế hiệu quả", ông nói.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng nhấn mạnh công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi phải xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.

"Điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến mục tiêu tổng thể, ổn định kinh tế vĩ mô. Mong muốn ổn định lãi suất là mong muốn chính đáng, ngành ngân hàng mong muốn lãi suất ổn định, lãi suất thấp, cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống tài chính ngân hàng", ông khẳng định.