BIDV: Giá mỗi cổ phần sẽ do thị trường quyết định
(Dân trí) - “Chỉ có điều vô lý, không bình thường xảy ra khi một số ngân hàng có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm cách đây 2 năm, mà nhờ những tin đồn thổi, thị giá cổ phiếu của ngân hàng đó lại tăng gấp 15- 20 lần. Điều này sẽ gây hại cho thị trường...."
Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà đã chia sẻ với báo chí tại buổi lễ kí kết hợp đồng dịch vụ tư vấn cổ phần hoá (CPH) với Morgan Stanley sáng hôm nay, ngày 11/7.
Ông đánh giá như thế nào về mức bỏ thầu tư vấn CPH BIDV của Morgan Stanley?
Mức 1,8 triệu USD là hợp lý. Đây là dự án đầu tiên tạo tiền đề cho quan hệ của hai phía.
Thời gian cụ thể để BIDV bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là bao giờ, thưa ông?
BIDV sẽ thực hiện IPO trong nước vào quý IV/2007. Tôi đề xuất lên Thủ tướng, khi có lượng cung lớn, chất lượng cao vào 6 tháng cuối năm, Chính phủ nên xem xét điều phối các DN này theo kế hoạch cho phù hợp. Còn quyết định cuối cùng là của Chính phủ.
BIDV không quan trọng lắm việc chạy đua thời gian để kịp IPO trong nước. Điều cốt yếu là mức giá làm sao hợp lý nhất đề đảm bảo lợi ích huy động vốn của Nhà nước và quyền lợi người lao động của BIDV có thể mua được cổ phiếu của DN mình đang lao động và cống hiến.
Ông có thể cho biết tỉ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài? Sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư chiến lược và họ sẽ được nắm giữ bao nhiêu cổ phần của BIDV?
Hiện tại, chúng tôi chưa nắm được bao nhiêu nhà đầu tư chiến lược đăng ký với BIDV. Đến ngày 15/8, sẽ có danh sách ngắn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Còn từ bây giờ BIDV và Morgan Stanley sẽ thảo luận tiêu chí, cơ sở lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Giá của mỗi cổ phần sẽ phải chờ thị trường quyết định. Nhưng tôi xin khẳng định, không thể có sự ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, giá bán cho đối tượng này thậm chí có thể bằng hoặc cao hơn cho nhà đầu tư trong nước.
Nhưng việc có cổ đông chiến lược là cần thiết, vì họ sẽ mang lại cho chúng tôi 4 yếu tố: trợ giúp kỹ năng giá trị ngân hàng, trợ giúp ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đào tạo và quản trị nguồn nhân lực. Nguồn tài chính và một phần thương hiệu toàn cầu của họ cũng là những yếu tố chúng tôi được hưởng thụ. Sự trợ giúp sẽ theo hướng phù hợp định hướng phát triển của BIDV.
Nhiều khả năng chúng tôi xem xét sẽ có nhiều hơn một nhà đầu tư chiến lược, và việc xem xét nhà đầu tư chiến lược dài hạn ổn định là quan trọng. Hiện có khoảng 15 tập đoàn là đối tác chiến lược của BIDV.
BIDV có lo ngại thời điểm IPO của mình sẽ chịu ảnh hưởng của sự điều chỉnh từ thị trường hiện nay không, thưa ông?
Năng lực tài chính của BIDV là tiền thật. Đó là điểm mấu chốt. Nhà đầu tư cần “tiền tươi thóc thật”. Chúng tôi cũng có lường đến những bất trắc xảy ra. Nhưng thị trường vẫn là nhân tố quyết định. Tôi sẽ không có bình luận gì thêm.
Ông nhận định thế nào về tương lai của cổ phiếu ngân hàng?
Bắt đầu từ năm ngoái, thông tin từ ngân hàng đưa ra với mức tăng trưởng cả tuyệt đối và tương đối lợi nhuận trước thuế khiến người người tranh nhau đầu tư. Khi có quyết định của Nhà nước (về điều kiện mở, tăng vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần, hay chỉ thị 03), lập tức cổ phiếu ngân hàng có điều chỉnh. Tôi xem đây là điều bình thường.
Chỉ có điều vô lý, không bình thường xảy ra khi một số ngân hàng có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm cách đây 2 năm, mà nhờ những tin đồn thổi, thị giá cổ phiếu của ngân hàng đó lại tăng gấp 15- 20 lần. Điều này sẽ gây hại cho thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hiền (ghi)