BIDV duy trì hoạt động ổn định, an toàn, định hướng tăng trưởng "xanh"
(Dân trí) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II/2023, với hoạt động kinh doanh ổn định, an toàn.
Theo đại diện BIDV, hoạt động kinh doanh của ngân hàng tiếp tục được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả và bám sát lộ trình phân khai kế hoạch kinh doanh năm khi huy động vốn đảm bảo cân đối, tăng trưởng tín dụng khá so với bình quân toàn ngành ngân hàng, chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, các chỉ tiêu hiệu quả đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết quý II/2023, tổng tài sản hợp nhất cuối quý II của BIDV đạt trên 2,12 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường.
Huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 30/6, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,36% so với đầu năm. Huy động vốn ghi nhận tăng trưởng tốt ở phân khúc bán lẻ, góp phần gia tăng tính ổn định của nền vốn.
Hoạt động tín dụng ghi nhận mức tăng khá so với bình quân ngành ngân hàng, dư nợ tín dụng tăng 6,93% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 1,63 triệu tỷ đồng, tăng 7,02%, dư nợ tín dụng tăng trưởng đều ở cả phân khúc bán lẻ (6%) và bán buôn (7,5%), tăng trưởng tốt ở nhóm khách hàng FDI (36,6%), nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (7,1%).
Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 thời điểm 30/6 kiểm soát theo định hướng (≤1,4%). BIDV thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định. Các chỉ tiêu về an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định.
Hiệu quả kinh doanh 6 tháng ghi nhận kết quả tích cực, chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 23.582 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận thức được xu thế tất yếu của phát triển bền vững trong dài hạn, với vai trò là một định chế tài chính hàng đầu trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước, BIDV đã theo đuổi mục tiêu trở thành "ngân hàng xanh" trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030.
Theo đó, BIDV là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam công bố "Khung khoản vay bền vững", tạo tiền đề cung cấp tới khách hàng các sản phẩm tài chính bền vững theo chuẩn mực quốc tế.
BIDV cũng dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh, góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường. Đến 30/6, BIDV tài trợ tổng số 1.776 dự án/phương án, với dư nợ tín dụng đạt 66.176 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng của BIDV.
Ngân hàng đồng hành cùng nhiều diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa thông điệp phát triển bền vững tới khách hàng, đối tác, trong đó có Hội nghị năng lượng tái tạo 2023, Hội nghị cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, Tọa đàm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững…
Với những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, BIDV được các tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh với nhiều giải thưởng như top 2.000 "Doanh nghiệp lớn nhất thế giới" do Tạp chí Forbes bình chọn năm thứ 9 liên tiếp (BIDV tăng 524 bậc so với năm 2022, đứng thứ 1.081); chuỗi 4 giải thưởng cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ, gồm giải thưởng "Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam" hạng mục State-Owned Retail Bank và "Dịch vụ ngân hàng cao cấp Private Banking tốt nhất Việt Nam" cùng 2 giải thưởng đối với sản phẩm "Cho vay mua nhà" và "Thẻ tín dụng quốc tế tốt nhất Việt Nam" do tạp chí The Asian Banker bình chọn.
Ngân hàng cũng nhận giải thưởng "Sao Khuê 2023" với 9 sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó, ứng dụng căn cước công dân chip với giao dịch số tại BIDV được xếp hạng top 10 trong lĩnh vực công dân số. Ngoài ra, BIDV còn được trao giải "Ngân hàng Lưu ký - Giám sát tốt nhất Việt Nam năm 2023" (Best Custodian Bank in Vietnam 2023) lần thứ 3 liên tiếp do Tạp chí The Asian Banker bình chọn…
Trong thời gian tới, BIDV cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình hệ thống, điều hành hoạt động kinh doanh theo hướng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung gia tăng các nguồn thu phi lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, tối đa hóa các nguồn thu và kiểm soát chi phí.