1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bị tố dùng “mệnh lệnh hành chính” ép doanh nghiệp, cứu nhà máy ngàn tỷ, PVN nói gì?

(Dân trí) - Thỏa thuận cho phép An Phát Holdings mua tối thiểu 35% lượng PP của BSR bị coi là cách Tập đoàn Dầu khí (PVN) dùng "mệnh lệnh hành chính" để buộc BSR bán hàng và pphá vỡ hợp đồng với đối tác đã ký trước đó với các doanh nghiệp khác. Về việc này, PVN nói gì?

Dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thu lỗ hơn 1.472 tỷ đồng.
Dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thu lỗ hơn 1.472 tỷ đồng.

PVN bị tố dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp hợp đồng

Năm 2017, Tổng công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã ký hợp đồng có thời hạn 3 năm (2018 - 2021) bán hạt nhựa PP cho 5 khách hàng là Công ty OPEC, công ty CP hóa chất nhựa Đà Nẵng, Công ty CP thương mại dịch vụ dầu khí miền Trung, Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC), Công ty Cổ phần nhà và thương mại dầu khí.

Tuy nhiên đến 7/2018, BRS bất ngờ tổ chức cuộc họp với 5 khách hàng trên để thông báo về việc sẽ cắt giảm 35% khối lượng đã ký (tương đương 4.500 tấn/tháng) để bán lại cho Công ty An Phát Holding (APH).

Đại diện BSR cho biết việc này nhằm thực hiện chỉ đạo của PVN trong việc khởi động lại nhà máy PVtex vốn đã thua lỗ nhiều năm và cần giải cứu. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều đối tác của BSR lên tiếng phản đối.

Trong thông cáo vừa phát đi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định việc thực hiện hợp đồng phân phối sản phẩm nhựa PP của BSR trong quá trình xử lý dự án chưa hiệu quả PVTEX chỉ là một trong rất nhiều công cụ nhằm triển khai các giải pháp của PVN.

Theo PVN, chuyện các đối tác khi đàm phán hợp tác tận dụng lợi thế, vị thế của nhau trong hoạt động kinh doanh là bình thường và phù hợp với các quy định pháp luật.

Lãnh đạo PVN cũng cho hay, về thông tin Opec cho rằng để thực hiện việc hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH, BSR sẽ thực hiện cắt giảm 35% khối lượng sản phẩm nhựa PP theo hợp đồng đã ký với khách hàng để cung cấp cho An Phát Holdings theo “mệnh lệnh hành chính” (của PVN) là không đúng bản chất.

“Ở đây, theo các quy định phát luật hiện hành, PVN với vai trò là cổ đông tại các doanh nghiệp chỉ đưa ra định hướng người đại diện vốn tại doanh nghiệp dựa trên lợi ích tổng thể và không phương hại đến lợi ích của bên thứ 3. Và tính đến nay, BSR vẫn đang đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng sản phẩm nhựa PP cho Opec theo đúng hợp đồng đã ký”, PVN khẳng định.

Có hay không việc khuất tất trong vụ phân phối sản phẩm nhựa PP của BSR?

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề hợp tác giữa PVTEX và APH ngày 2/11, ông Đinh Văn Sơn – Thành viên HĐTV PVN khẳng định: Việc lựa chọn Tổ hợp APH là đối tác vận hành lại Nhà máy Xơ sợi Polyestes Đình Vũ đã được tiến hành một cách công khai, rộng rãi, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo trong xử lý dự án chưa hiệu quả.

Về vấn đề sản phẩm nhựa PP của BSR, ông Đinh Văn Sơn cũng khẳng định, trong quá trình đàm phán, trao đổi hợp tác, chuyện các đối tác khi đàm phán hợp tác tận dụng lợi thế, vị thế của nhau trong hoạt động kinh doanh là bình thường và phù hợp với các quy định pháp luật.

“Ở đây, xin nhấn mạnh là PVN không can thiệp vào bất kỳ hợp đồng kinh tế nào, mà ở đây, PVN chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm được quy định theo pháp luật (Luật Doanh nghiệp, Điều lệ) để yêu cầu Người đại diện vốn của Tập đoàn tại đơn vị triển khai nhiệm vụ để đạt được mục tiêu mà Đảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã đề ra là đưa nhà máy PVTEX Đình Vũ vào vận hanh toàn bộ, có hiệu quả”, ông Sơn nói.

Theo PVN, để xử lý nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex), Ban chỉ đạo của Chính phủ đã quyết định phương án xử lý là ưu tiên hợp tác với các nhà đầu tư để khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn…

Sau quá trình mời thầu, chào thầu công khai, PVTEX đã có công văn báo cáo các cổ đông về quá trình lựa chọn đối tác hợp tác vận hành nhà máy. Tại báo cáo này, PVTEX đánh giá An Phát Holdings là đối tác có kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp và có năng lực về tài chính, đơn vị này sẽ đứng đầu tổ hợp và cung cấp tài chính để vận hành lại nhà máy.

Để triển khai thực hiện các hỗ trợ tài chính nêu trên, trong phương án hợp tác, Tổ hợp APH có đưa một số điều kiện tiên quyết về pháp lý, thuế, khấu hao, cổ phần hóa, tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu, trong đó có việc mua tối thiểu 35% lượng PP của BSR với các điều kiện mua bán tương tự như BSR đang áp dụng với các công ty khác.

“Có thể nói, việc lựa chọn đối tác hợp tác là công khai và rộng rãi, đề xuất tiêu thụ sản phẩm PP sẽ là đòn bẩy tài chính để cân đối dòng tiền và thu hồi số tiền mà APH đã bỏ ra trong giai đoạn đầu hợp tác”, lãnh đạo PVN nhấn mạnh.

Trước đó, việc yêu cầu dừng mua sản lượng đột ngột ảnh hưởng đến một loạt công ty. Công ty CP nhựa OPEC ngay sau đó đã phải gửi công văn kiến nghị PVN không dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào các hợp đồng kinh tế. Trong văn bản này, Opec nêu rõ việc này tạo hình ảnh xấu tới môi trường kinh doanh đầu tư ở Việt Nam.

Công ty Cổ phần hóa chất Nhựa Đà Nẵng cũng nêu quan điểm: “Việc cắt bớt sản lượng đã ký kết để chuyển giao cho đơn vị khác là tiềm ẩn rủi ro về tính hiệu quả, cả về mặt pháp lý cũng cần để các bên xem xét toàn diện. Đây là điều mà công ty chúng tôi không đồng thuận bởi đây là bước lùi trong kế hoạch kinh doanh đã xây dựng”.

Nguyễn Khánh

Bị tố dùng “mệnh lệnh hành chính” ép doanh nghiệp, cứu nhà máy ngàn tỷ, PVN nói gì? - 2