TPHCM:
Bí thư Thăng: Hợp tác kinh tế phải thiết thực, không ký kết cho có phong trào
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng băn khoăn về số vốn đầu tư của TPHCM vào tỉnh Gia Lai chỉ gần 1.800 tỷ đồng, trong khi tỉnh đầu tư ở chiều ngược lại gấp gần 10 lần. “Chúng ta hãy suy nghĩ về số vốn đầu tư và làm thế nào để khắc phục. Hợp tác phải thiết thực chứ không phải cho vui vẻ, cho có phong trào, gặp nhau mời rượu xong rồi về”, ông Thăng nói.
Ngày 18/4, tại hội nghị tổng kết hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Gia Lai, bà Trần Thị Bình Minh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM – cho biết từ năm 2006 đến nay đã có 23 doanh nghiệp của TPHCM và tỉnh Gia Lai triển khai 35 dự án đầu tư trên địa bàn của 2 địa phương. Tổng vốn đăng ký lên đến gần 18.000 tỷ đồng, đầu tư chủ yếu vào bất động sản, nông - lâm nghiệp, thủy điện, khu dân cư, cao ốc, văn phòng, khu bán lẻ, khai thác khoáng sản…
Trong đó, TPHCM đang triển khai 21 dự án vào Gia Lai với tổng số vốn khoảng 1.740 tỷ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, bán lẻ, thủy điện…
Theo bà Minh, hai bên cũng chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng thế mạnh của nhau. Việc hợp tác mới chỉ triển khai tốt giai đoạn đầu (2003-2009), giai đoạn sau (2009- 2016) tiến triển chậm. Các dự án đầu tư của TPHCM vào Gia Lai chưa có định hướng của tỉnh, nên ngành nghề đầu tư còn dàn trải, chưa có sức lan tỏa, ảnh hưởng chưa nhiều đến phát triển kinh tế của tỉnh.
Sau hơn 10 năm hợp tác, số vốn đầu tư của TPHCM vào Gia Lai chỉ gần 1.800 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh này đầu tư ngược lại TPHCM gấp gần 10 lần. Điều này khiến Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng băn khoăn và cho rằng nguồn vốn đang “chảy ngược” lại TPHCM. “Làm cách nào để tạo cần câu, câu được nhiều cá? Chất lượng đầu tư phải ngược lại Gia Lai. Vậy mới hiệu quả, còn “chảy ngược” như thế thì chưa hợp lý”, ông Thăng nói.
Ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư TPHCM – cho biết, con số doanh nghiệp Gia Lai đầu tư vào TPHCM chủ yếu là lĩnh vực bất động sản nên nguồn vốn lớn. Còn ngược lại, doanh nghiệp của TPHCM đầu tư vào Gia Lai chủ yếu là nông – lâm nghiệp. Ông Hòa cho rằng, kết quả hợp tác phải là cả hai cùng thắng và quan trọng nhất là thắng hàng ngoại vào thị trường Việt Nam. Ông cho biết sẽ sớm tổ chức xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp 2 địa phương.
Ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai – cho biết địa phương có thế mạnh là đất đai phì nhiêu, màu mỡ phù hợp với cây cao su, tiêu, cà phê. Đồng thời, tiềm năng phát triển du lịch cũng rất lớn.
Song ông Trang nhìn nhận tỉnh Gia Lai chưa có nông nghiệp công nghệ cao. Nông sản thì chủ yếu xuất thô. Ông đề nghị TPHCM hỗ trợ, giúp đỡ Gia Lai phát triển những lĩnh vực này.
“Gia Lai có thế mạnh du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử. Gia Lai có nhiều thác nước rất đẹp, còn hoang sơ, chỉ một xã mà có đến 12 thác; có văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, có 34 dân tộc anh em sinh sống; có khu Tây Sơn thượng đạo hơn hẳn hạ đạo ở Bình Định...” – ông Trang cho rằng tiềm năng du lịch của tỉnh không thua gì Đà Lạt. Ông mong muốn TPHCM hỗ trợ Gia Lai đầu tư, khai thác thế mạnh du lịch mà không phải tỉnh nào của Tây Nguyên cũng có được.
Ông Đinh La Thăng cho rằng, hiệu quả hợp tác kinh tế giữa 2 địa phương là chưa tương xứng với tiềm năng. Ông đề nghị các đơn vị liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách đầu tư của tỉnh Gia Lai đã thật sự thông thoáng, cởi mở? Song song đó, TPHCM với vai trò đầu tàu kinh tế đã hỗ trợ cho các tỉnh, vùng Tây Nguyên hay chưa hay để tỉnh “tự bơi”?
“Các sở, ngành phải tìm hiểu thế mạnh để hợp tác có chiều sâu, thiết thực. Chúng ta phải suy nghĩ về số vốn đầu tư và làm thế nào để khắc phục. Hợp tác phải thiết thực chứ không phải cho vui vẻ, cho có phong trào, gặp nhau mời rượu xong rồi về. Mấy năm sau gặp nhau thì nói: tiềm năng thế mạnh nhiều nhưng vẫn chưa khai thác được, phải thế nọ, thế kia…”, ông Thăng nói. Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị 2 địa phương sớm phối hợp tổ chức xúc tiến đầu tư tại Gia Lai đồng thời, kết nối cả vùng Tây Nguyên.
Quốc Anh