Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Mong các doanh nghiệp đến với TPHCM bằng khối óc và trái tim"
(Dân trí) - "Lãnh đạo thành phố rất mong các doanh nghiệp hãy đến với TPHCM bằng khối óc, tức là công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức là chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp để cùng với thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững".
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã nói như vậy trước các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TPHCM năm 2019” diễn ra sáng nay (8/5).
Tham dự Hội nghị có gần 700 đại biểu đến từ các sở, ngành, quận, huyện; các cơ quan ngoại giao; hiệp hội thương mại và văn phòng kinh tế các nước; hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Sau khi lắng nghe các bài trình bày về quy trình thủ tục tham gia đầu tư cũng như phát biểu của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sẽ đóng góp ý kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư cũng như nêu những thắc mắc, đề xuất trong quá trình tiếp cận các dự án đang kêu gọi đầu tư để cùng thành phố tiếp tục đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ yêu cầu đầu tư của doanh nghiệp.
"Lãnh đạo thành phố rất mong các doanh nghiệp hãy đến với TPHCM bằng khối óc, tức là công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức là chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp để cùng với thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị lãnh đạo UBND thành phố sẽ có những chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ngành nghiên cứu những câu hỏi, đề xuất của các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận các dự án đầu tư để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài với thành phố.
Phát biểu với các nhà đầu tư tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy cho biết năm 2019, thành phố đặt mục tiêu duy trì mức đóng góp ngân sách chiếm 27 - 28% cả nước, phấn đấu nâng mức tỷ trọng đóng góp tổng sản phẩm nội địa hiện tại từ 23% lên 25%, GRDP tăng từ 8,3% - 8,5% và phấn đấu liên tục thăng hạng trong các bảng tổng sắp về sức mạnh kinh tế và quản trị xã hội.
Để đạt được những mục tiêu đó, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh thành phố cần tiếp tục tăng cường quỹ đất cho công nghiệp, làm cơ sở để thu hút vốn đầu tư. Thành phố đã thành lập Tổ Công tác để thực hiện khảo sát làm rõ hiện trạng sử dụng đất, việc kết nối hạ tầng và tham mưu hướng xử lý đối với phần diện tích đất khoảng 1.000 ha dự kiến bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020.
Đồng thời, trong phương án mở rộng các khu công nghiệp cũng sẽ tính tới việc xây dựng khu công nghiệp mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ mới.
Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích các dự án có chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ nguồn và dự án có xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D); đầu tư phát triển hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội).
Với tinh thần này, Bí thư Nhân cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế thúc đẩy sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Hình thành các liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp có vốn FDI và đầu tư trong nước, từ đó tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay, TPHCM đang tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”. Bốn mục tiêu của đô thị thông minh là: đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; người dân và doanh nghiệp tham gia quản lý và giám sát chính quyền.
"Để phát triển hướng tới 4 mục tiêu này, thành phố tiếp tục tập trung triển khai 4 giải pháp, là: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh thông tin", Bí thư Nhân nói.
Thành phố còn cần thực hiện Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để đến năm 2020, thành phố phải có ít nhất 500.000 doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; tập trung triển khai 7 chương trình đột phá trong giai đoạn 2016 – 2020 và tiếp tục mời gọi đầu tư định hướng vào 9 nhóm ngành dịch vụ.
Một điểm mới của Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TPHCM năm 2019 là ngoài phần trao đổi chính thức, có hai phiên trao đổi trực tiếp giữa đơn vị chủ quản dự án và nhà đầu tư cụ thể theo các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại – dịch vụ, chỉnh trang đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa – thể thao, du lịch – giải trí, do ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND và ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì.
Công Quang