1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bí quyết thành công của doanh nghiệp FDI tại VN

(Dân trí) - Trong cuộc toạ đàm về thành công của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đã có nhưng ý kiến đúc kết, gợi mở quý báu rất đáng lưu tâm.

Dân trí xin trích đăng nội dung ý kiến tham luận của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:

Kinh nghiệm đầu tiên mà tôi rút ra được là các nhà đầu tư thành công đã xác định rõ thị trường, nhu cầu của thị trường và thường xuyên gợi ra nhu cầu mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Những doanh nghiệp thành công đều chuẩn bị kỹ càng về nghiên cứu thị trường trong nước, quốc gia mà họ định xuất khẩu, thường xuyên phân tích đánh giá đối thủ cạnh tranh.

"Hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vốn thực hiện là 33 tỉ USD, DN nước ngoài chiếm 13,8% tổng sản phẩm xã hội đóng góp vào xuất khẩu: trừ dầu thô là 33%, cộng cả dầu thô lên đến 53%. Riêng xuất khẩu các sản phẩm chế tác chất lượng cao DN đầu tư nước ngoài chiếm tới trên 80%. DN đầu tư nước ngoài cũng có đóng góp quan trọng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Chính DN FDI đã giúp chúng ta thâm nhập vào thị trường các nước trên thế giới".

Tôi lấy ví dụ như công ty sản xuất xe máy Honda đã nghiên cứu kỹ càng nhu cầu của người VN, họ đã điều chỉnh thiết kế xe máy Honda để đáp ứng nhu cầu của người VN là thường đi hai người trên một xe chứ không phải một người một xe như các nước khác.

Họ cũng gia cố thêm để chuyển trọng lực ở vị trí khác hơn so với vị trí trước đây nên trong cuộc cạnh tranh với xe máy Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều, xe máy Honda vẫn trụ được. Chiến lược khách hàng của Honda cũng là điều mà chúng ta cũng phải học tập bởi sau khi bán hàng, họ giải quyết bất kỳ khiếu nại nào.

Hay tôi nêu lên nhu cầu của các ngân hàng thương mại. Tôi thấy các ngân hàng thương mại không chỉ đáp ứng nhu cầu rất lớn về vốn mà điều quan trọng hơn là đáp ứng nhu cầu rất lớn về thông tin, về thị trường, về khách hàng và đối tác. Tất cả các dịch vụ Citigroup đã làm với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài mà tôi được biết đều cho thấy, ngoài phần vốn, Citigroup đã giúp đỡ khách hàng rất nhiều trong việc tìm đối tác đầu tư, mua hàng, gợi ý những nhà cung cấp dịch vụ khác nữa... Đấy chính là điều mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp VN đang rất cần.

Thị trường dịch vụ của VN đang được mở ra và các nhà đầu tư đang đứng trước nhu cầu rất mới của người VN bởi vì ở nước VN hiện nay, bên cạnh nhu cầu bình thường đã xuất hiện các nhu cầu chất lượng cao như nhu cầu chữa bệnh chất lượng cao, nhu cầu giáo dục đào tạo, nhu cầu mỹ phẩm, điện thoại cao cấp...

Ở đây tôi cũng nêu lên rất nhiều doanh nghiệp tìm cách gợi mở những nhu cầu trước kia ở VN chưa có. Coca-Cola đã làm điều này rất giỏi. Trước đây người ta uống nước khác chứ không phải là Coca-Cola, nhưng khi Coca-Cola đến VN, họ đã nhanh chóng phát triển mạng lưới dịch vụ, đại lý rộng khắp và họ đã thành công. Hiện nay Coca-Cola đã trở thành thứ nước uống khá phổ biến sau thời gian rất ngắn xuất hiện tại VN.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp không đánh giá hết những thách thức trong việc cạnh tranh, thâm nhập thị trường nên gặp rất nhiều khó khăn.

Kinh nghiệm thứ hai mà tôi có thể gợi ý với các nhà đầu tư là tôi thấy tất cả các nhà đầu tư thành công đều xây dựng một mối quan hệ hợp tác tin cậy rất tốt đẹp với các cơ quan liên quan.

Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh tới mối quan hệ với chính quyền địa phương. Tôi thấy ngoài việc thiết lập mối quan hệ rất tốt đẹp với các Bộ, cơ quan trung ương như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan..., nhiều doanh nghiệp tạo mối quan hệ rất tốt với chính quyền cấp tỉnh, thậm chí là cấp huyện, cấp xã.

Ví dụ như nhà máy sản xuất đường Tate & Lyle ở Nghệ An: trong khi các nhà máy đường của các nhà đầu tư khác, thậm chí không cách xa Tate & Lyle bao xa, gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua đường của nông dân (mặc dù đã ký hợp đồng rồi) thì Tate & Lyle nhờ có quan hệ tốt với các xã nơi họ đã ký hợp đồng với nông dân nên việc thu mua diễn ra thuận lợi, thành công.

Tôi nghĩ rằng mối quan hệ hai bên cùng có lợi, đóng góp cho sự phát triển của địa phương là kinh nghiệm tốt.

Vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp ở miền Nam đã chứng kiến một số cuộc đình công. Thế nhưng công ty Puchen với 48.000 lao động lại không có đình công và tôi thấy rất may vì nếu điều đó xảy ra sẽ trở thành một vấn đề khá lớn. Thực tế công ty Puchen rất cởi mở thảo luận với đại diện công đoàn, người lao động để tìm ra sự thống nhất.

Tôi nghĩ các nhà đầu tư cố gắng tạo kênh đối thoại và không từ chối đối thoại với bất kỳ đối tác nào. Trong trường hợp đình công vừa qua, tôi biết không ít lần đại diện người lao động đã đề nghị gặp ban giám đốc nhưng ban giám đốc đã từ chối, dẫn tới đình công và thiệt hại mà theo tôi có thể tránh được.

Qua điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tôi thấy tỉnh Bình Dương nổi lên là địa phương có mối quan hệ rất tốt đẹp với các nhà đầu tư, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước cũng được các quan chức tỉnh hợp tác rất là cầu thị, họ có lịch làm việc với các doanh nghiệp nào có nhu cầu, vấn đề cần giải quyết. Họ không chú trọng việc tổ chức hàng tháng việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp mà nội dung giải quyết không nhiều.

Kinh nghiệm thứ ba tôi thấy là việc đầu tư vào nguồn nhân lực và triển khai mối quan hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương. Theo tôi một trong những vốn quý lớn nhất của VN là nguồn nhân lực, có đội ngũ lao động thông minh, học nhanh và khéo tay. Tất cả các doanh nghiệp nào đã đầu tư vào nguồn nhân lực của VN đều hài lòng, không chỉ thể hiện qua điều tra của Jetro - Nhật Bản, Kotra của Hàn Quốc mà còn của các nước doanh nghiệp khác của Hoa Kỳ...

Tuy vậy, trình độ chuyên môn của người lao động VN cần được tăng cường và vấn đề chảy máu chất xám mà điều mà các nhà đầu tư cần tính toán. Tôi hoan nghênh nhiều DN vốn đầu tư nước ngoài đã bổ nhiệm người VN vào hầu hết các vị trí chủ chốt như giám đốc điều hành, giám đốc khu vực, giám đốc nhân sự...

Điều này không chỉ giảm chi phí cho các nhà đầu tư mà còn tạo mối quan hệ với người lao động, với các cơ quan khác tốt đẹp hơn.

Tôi thấy công ty Honda VN đã phát triển mối quan hệ với rất nhiều đối tác ở địa phương, ký kết nhiều hợp đồng cung cấp phụ kiện cho xe máy Honda. Ở đây Honda đã có sự chuyển giao công nghệ và giúp đỡ các đối tác VN. Tôi hoan nghênh Metro đã có sáng kiến thu mua nông sản, giúp đỡ nông dân nâng cao chất lượng nông sản, chất lượng đóng gói, bảo quản, nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể đưa vào siêu thị, có thể xuất khẩu, thập chí cung ứng cho khách sạn.

Tôi được biết hiện nay các khách sạn ở Hà Nội và TPHCM đang nhập khẩu tới 70% nhu cầu thực phẩm của mình. Điều này hiện nay là có lý nhưng nên có đề tài để các nhà cung ứng VN có thể đáp ứng nhu cầu của các khách sạn.

Điều thứ tư tôi thấy cần nhấn mạnh là rất nhiều doanh nghiệp thành công đã thường xuyên có mối quan hệ với các viện nghiên cứu, thường xuyên đổi mới công nghệ , thay đổi kiểu dáng, đưa ra kiểu dáng mới. Tôi xin lưu ý thị trường VN, kể cả thị trường nội địa, đã trở thành một bộ phận của thị trường toàn cầu, nên hy vọng sử dụng những công nghệ cũ ở VN theo tôi rất không hiện thực.

Kinh nghiệm của các hãng ô tô cho thấy nhu cầu về mô hình mới, công nghệ mới ở VN là hoàn toàn có tính chất thời sự. Hoặc như xe máy Honda, mình chưa xài hết đồ cũ họ đã đưa ra xe mới chất lượng...

Điều cuối cùng tôi đề nghị các nhà đầu tư và đánh giá cao các nhà đầu tư là các bạn đã tham gia tích cực vào công cuộc đối thoại chính sách, đổi mới quản lý. Các bạn hãy tin rằng các nhà hoạch định chính sách của VN luôn lắng nghe ý kiến của các bạn, tiếp thu ý kiến và đáp ứng nhu cầu chính đáng của các bạn vì tất cả chúng ta đều cùng có lợi ích: các bạn có lợi nhuận thì sẽ nộp thuế, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước".

H.Thọ (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm