Bí quyết thành công của các tập đoàn lớn (kỳ 2)

Tư duy thiết kế hiện đại, không phải chỉ thay áo mới cho sản phẩm hay công ty mà còn là động lực thay đổi từ bên trong giúp một số tập đoàn lớn tạo ra những cuộc bứt phá thần kỳ.

Kỳ 2: Cú bứt phá của Samsung

“Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con” là câu nói bất hủ của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee, người dẫn dắt và có công lớn nhất trong việc thúc đẩy Samsung trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc và toàn cầu. Ông Lee Kun Hee giữ vị trí giàu nhất Hàn Quốc với tổng tài sản 9,2 tỉ đô la Mỹ theo thống kê của Forbes tính đến năm 2015. Ông cũng là người dẫn dắt và thay đổi vận mệnh của Samsung Electronics từ một công ty bị xem là kẻ chuyên gia công các linh kiện công nghệ cao cho các tập đoàn lớn, đã bước từ ranh giới của một công ty Châu Á gia nhập địa hạt các tập đoàn công nghệ toàn cầu và trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất toàn cầu (năm 2015) tính theo doanh thu và đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất toàn cầu của Fortune.


Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee, người dẫn dắt và có công lớn nhất trong việc thúc đẩy Samsung trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc và toàn cầu.

Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee, người dẫn dắt và có công lớn nhất trong việc thúc đẩy Samsung trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc và toàn cầu.

Năm 1993, Lee Kun Hee bước vào một tiệm điện tử ở Mỹ và nhìn thấy những chiếc ti vi hiệu Samsung được đặt ở kệ dưới cùng, trong góc, bám đầy bụi. Ông phát hiện ra rằng đối với người tiêu dùng Mỹ, Samsung là một nhãn hiệu rẻ tiền chỉ bán được ở các cửa hàng giảm giá. Và ông quyết định, phải làm mọi cách để các sản phẩm Samsung được trưng bày ở những vị trí đàng hoàng nhất, thu hút khách hàng nhất, hay thậm chí phải là sản phẩm được tìm mua nhiều nhất. Ngay sau đó, ông quyết định tập hơp toàn bộ các chuyên viên, giám đốc của tập đoàn tham dự cuộc họp chiến lược tại Frankfurt (Đức). Sau cuộc họp vị chủ tịch nhận định, để trở thành tập đoàn toàn cầu, Samsung cần phải đổi mới hướng đến chất lượng sản phẩm để chinh phục thị trường quốc tế. Ông đưa ra tuyên bố kinh doanh mới của Samsung với mục đích: Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng - một phát pháo hiệu mở ra cuộc đại cách mạng đổi mới toàn bộ tổ chức Samsung. Có thể nói, tuyên bố này chính là hồi chuông cảnh tỉnh những con người Samsung đang tự hài lòng với hiện tại, yên phận với vị trí số 1 của Samsung tại thị trường Hàn Quốc. "Chính sách quản lý mới" được coi như thánh kinh của Samsung, nhắc nhở nhân viên Samsung không bao giờ tự thỏa mãn và luôn khát khao hướng đến chất lượng sản phẩm để chinh phục thị trường quốc tế.

Khi bài toán chất lượng tìm được lời giải, Lee nghĩ đến một viễn cảnh xa hơn, nung nấu một khát vọng lớn lao hơn là Samsung phải trở thành một thương hiệu dẫn đầu toàn cầu, một biểu tượng và niềm tự hào của người Hàn Quốc. Để đạt được điều đó, Samsung không thể chỉ có chất lượng. Ông tin rằng chất lượng sản phẩm phải đi cùng với các cải tiến về mẫu mã thiết kế. Samsung quyết định chi mạnh tay cho các hoạt động R&D và các trung tâm thiết kế sáng tạo với sự thay đổi tư duy cho việc tạo ra các sản phẩm có thiết kế đột phá. Năm 1994, người đứng đầu này quyết định đầu tư 126 triệu đô la Mỹ để phát triển một chương trình thiết kế trên toàn cầu, thành lập trường dạy thiết kế riêng cho tập đoàn. Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bao gồm thiết kế, tiếp thị, kỹ sư đều được tham gia đào tạo sáu ngày một tuần, sau đó được chỉ định ở những vị trí quản lý cấp cao.

Năm 1996, Lee Kun Hee tuyên bố là năm “Cách mạng thiết kế”, không chỉ đổi mới mẫu mã mà mọi thiết kế của sản phẩm đều đặt người dùng làm trung tâm, tạo ra những giá trị mang dấu ấn văn hóa Samsung từ sự linh hoạt thay đổi và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Lúc này, Samsung thậm chí còn chưa góp tên trong danh sách 100 công ty công nghệ đáng chú ý của thế giới.

Mặc kệ, họ vẫn miệt mài. Năm 2002, Samsung tung ra thị trường dòng điện thoại SGH-T100 (nắp gập) màn hình màu đầu tiên trên thế giới. Sự thay đổi từ công nghệ hiển trị ma trận sang màn hình LCD mở ra một cuộc cách mạng về thiết kế mẫu mã mới trên toàn cầu đồng thời đưa T100 trở thành chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới cán mốc 10 triệu chiếc bán ra chỉ trong năm đó.


Samsung SGH-T100.

Samsung SGH-T100.

Không chỉ tập trung phát triển mảng điện thoại di động, Lee Kun Hee cũng đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ cho việc nghiên cứu, sản xuất hàng loạt chip điện tử, màn hình tinh thể lỏng (LCD) và các sản phẩm kỹ thuật số khác.

Đặc biệt, kể từ mẫu tivi Bordeaux màn hình LCD siêu mỏng với thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ ly rượu vang sóng sánh, Samsung vươn lên trở thành cái tên luôn đi đầu trong công nghệ tivi. Năm 2009, họ giới thiệu thế hệ tivi LED đầu tiên. Một năm sau là công nghệ truyền hình 3D. Tiếp đến là Smart TV, 4K TV và màn hình cong Curved TV.

Đặt hoạt động nghiên cứu và thiết kế làm tâm điểm, Samsung xây dựng 42 viện nghiên cứu toàn cầu, chiếm một phần tư nhân viên (42 ngàn người). "Các kế hoạch của chúng ta phải tạo ra tương lai chứ không phải để đối phó với tương lai", Chủ tịch Lee Kun Hee đã tuyên bố với nhân viên dưới quyền như vậy khi nói về định hướng cho kế hoạch phát triển của Samsung.

Nhận định “Thiết kế mẫu mã sẽ là tài sản quý báu của doanh nghiệp và cũng chính là yếu tố quyết định thành bại trong kinh doanh hiện đại”, Samsung tạo ra các nhóm đa ngành gồm các nhà thiết kế, kỹ sư, tiếp thị, nhà dân tộc học, nhạc sĩ, nhà văn để tiến hành nghiên cứu hành vi, sở thích và nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng từ đó tạo ra các sản phẩm thiết kế đón đầu xu hướng về văn hóa, kinh tế và công nghệ.

Triết lý này mang lại quả ngọt đều đặn cho Samsung, nhất là sau cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn cầu năm 2008, nhiều công ty đau đầu trong nỗ lực hãm phanh xuống dốc thì Samsung tuyên bố doanh thu tăng 13,4%, lợi nhuận tăng khoảng 60% vào năm 2010. Ngay cả trong năm 2011 với khủng hoảng tài chính Châu Âu và sự đình trệ kinh tế toàn cầu, tuy lãi thực của Samsung có phần giảm sút nhưng doanh thu vẫn tăng thêm 10 tỉ đô la Mỹ, đạt 164 tỉ.

Dưới sự dẫn dắt của Lee Kun Hee, Samsung đã nhận được nhiều giải thưởng hơn bất kỳ công ty nào trong những năm gần đây. Từ năm 1996 đến năm 2010, Samsung nhận được tổng cộng 502 giải thưởng thiết kế uy tín tầm cỡ quốc tế như IDEA, CLION, iF…

Tại triển lãm CES 2016, Samsung Electronics, dành được 100 giải thưởng ở các hạng mục gồm thiết bị gia dụng, điện tử, di động. Bên cạnh đó, Samsung là tập đoàn đón đầu xu hướng IoT (Internet of Things), tạo ra một hệ sinh thái với các thiết bị điện tử thông minh như ti vi, tủ lạnh, lò vi sóng có thể giao tiếp với nhau, tạo nên những ngôi nhà thông minh giúp thay đổi hoàn toàn cách sống của con người.

Tú Anh