Bị phạt 150 triệu đồng vì mấy quả vịt lộn, du khách khóc dở giữa sân bay

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều nước quy định một số mặt hàng không được phép nhập cảnh. Hành khách cần đặc biệt tuân thủ, nếu không có thể bị phạt hàng trăm triệu tới cả tỷ đồng, thậm chí phải đi tù chỉ vì "món quà Việt".

Mang nem chua, trứng vịt lộn, ruốc vào Nhật bị phạt

Một nữ du học sinh Việt Nam tên H.T.P.L, 23 tuổi vừa bị Sở Cảnh sát Tokyo bắt giữ vì mang 360 quả trứng vịt lộn và 10 kg nem chua vào nước này. Sau khi kiểm tra, một phần thực phẩm nói trên bị phát hiện nhiễm virus tả lợn châu Phi.

Trước đó, đã có trường hợp người Việt Nam bị phạt 500-700 nghìn Yên Nhật (tương đương 100-140 triệu đồng) vì mang ruốc và trứng vịt lộn sang nước này.

L. khai lượng trứng vịt và nem chua này do mẹ cô làm và mang sang để ăn.

Tại Nhật Bản, hành khách mang thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, rau củ quả phải tuân thủ các thủ tục về kiểm dịch. Các loại thực phẩm, rau củ quả, thức ăn bị cấm bao gồm: trái cây tươi và khô dưới mọi hình thức, rau củ quả tươi sống như hành, tỏi, ớt,... thịt, thủy sản như ruốc, xúc xích, tôm, các loại sấy khô dưới mọi hình thức, tất cả các loại rau củ quả, hoa, chậu hoa tỉa cảnh hoặc cả chậu hoa có đất,... Một số loại hoa quả cũng bị cấm nhập cảnh vào Nhật.

Trường hợp vi phạm sẽ bị tịch thu đồ ngay tại sân bay, phạt tiền khoảng 210 triệu đồng. Trường hợp không đóng phạt buộc trả về nước tại sân bay, xử phạt tù đến 3 năm tùy mức độ vi phạm và cấm nhập cảnh Nhật Bản vĩnh viễn.

Mang bánh Tét đi Đài Loan, du khách Việt buộc phải hồi hương

Đầu 2019, một du khách đến từ Việt Nam đã bị từ chối nhập cảnh do mang bánh tét vào Đài Loan.

Kiểm tra tại sân bay Đài Trung, người phụ nữ 56 tuổi này đã mang bánh tét, loại bánh có chứa thịt lợn. Theo quy định, Đài Loan cấm các du khách nhập cảnh mang theo sản phẩm từ thịt lợn. Nếu vi phạm, du khách sẽ bị phạt lên tới 150 triệu đồng nếu không khai báo với hải quan.

Bị phạt 150 triệu đồng vì mấy quả vịt lộn, du khách khóc dở giữa sân bay - 1

Trong trường hợp này, người phụ nữ đã bị phạt 150 triệu đồng. Nhưng do không có tiền để nộp phạt, bà đã phải quay về nước.

Trước đó, Đài Loan đã thông báo kiểm tra tất cả hành lý kể cả xách tay của du khách đến từ Việt Nam sau khi một vị khách khởi hành từ TP.HCM bị phát hiện đem một chiếc bánh mỳ kẹp thịt lợn vào Đài Loan dương tính với bệnh cúm lợn châu Phi (ASF).

Khi nhập cảnh vào Đài Loan, hành khách mang thịt, các thực phẩm làm từ thịt có thể sẽ bị phạt từ 10.000 đến 1 triệu Đài tệ (tương đương khoảng 7,5 triệu đồng đến 750 triệu đồng).

Mang trứng vịt lộn vào Singapore bị phạt 150 triệu đồng

Một phụ nữ gốc Việt là bà Lê Thị Ứng (63 tuổi) bị phát hiện đã mang 490 trứng hột vịt lộn từ Việt Nam sang Singapore hồi tháng 9/2018, qua sân bay Changi. Vụ việc sau đó được chuyển sang Cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y Singapore (AVA) vì vi phạm luật cấm nhập khẩu thịt, cá từ những nguồn không được cho phép. 

Bị phạt 150 triệu đồng vì mấy quả vịt lộn, du khách khóc dở giữa sân bay - 2
Bị phạt 150 triệu đồng vì mấy quả vịt lộn, du khách khóc dở giữa sân bay - 3

Số trứng của bà Ứng bị hải quan Singapore thu giữ.

Bà Ứng phải nộp phạt 7.000 USD (tương đương 150 triệu đồng).

Theo quy định của AVA, du khách được mang theo các loại thực phẩm tươi sống như gia súc, gia cầm, hải sản ở mức tối đa 5kg (cua tôm đông lạnh tối đa 2kg), các loại trứng (gà, vịt,... ), rau củ quả chỉ được mang một ít để dùng, đồ khô tối đa 5kg, tổ yến tối đa 1kg, mật ong tối đa 5 lít (chia nhỏ ra mỗi chai 1 lít), không được đưa vào các loại động vật nuôi (pet): chim, mèo, cá, chuột lang,... động vật hoang dã: rắn, kỳ đà, nhện,...

Theo đó, bất cứ ai nhập khẩu bất hợp pháp các sản phẩm thịt, trứng,... từ các nguồn không được chấp thuận có thể bị phạt tới 50.000 USD và bị bỏ tù 2 năm. Nếu tái phạm sẽ bị phạt 100.000 USD và có thể ngồi tù 3 năm.

Mang thịt lợn vào Australia có thể bị phạt tới 7 tỷ đồng

Liên quan đến dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam và một số nước, Australia yêu cầu hành khách khi nhập cảnh phải hoàn thành khai báo hàng hóa có nguy cơ rủi ro.

Phiếu hành khách Nhập cảnh (Incoming Passenger Card) để khai báo hàng hóa có nguy cơ rủi ro bao gồm: Các thực phẩm, nguyên liệu thực vật và các sản phẩm từ động vật dù là một lượng nhỏ đồ ăn nhẹ hay các nguyên liệu để nấu ăn.

Nếu không kê khai hoặc kê khai sai trên phiếu, khách sẽ có thể bị bắt giam và chịu hình phạt dân sự lên tới 420 nghìn AUD (tương đương khoảng 7 tỷ đồng).

Đến Mỹ, cấm mang theo thực phẩm làm sẵn

Ở Mỹ, một số thực phẩm làm sẵn có thịt như thịt heo, thịt vịt, thịt gà, trứng, tổ yến, nước súp, canh,... không được mang vào nước này dưới bất kỳ hình thức nào. Tất cả các loại trái cây, rau, hạt và đất đều bị cấm mang vào Mỹ vì có thể có một số vi khuẩn làm ảnh hưởng sức khỏe công cộng.

Ngoài ra, luật Mỹ còn cấm hành khách mang theo các loại đồ uống được chiết xuất từ cây Ngải Chi vì có thể gây ảo giác.

Vũ khí, cá và động vật hoang dã, các sản phẩm sinh học, các sản phẩm làm từ lông chó mèo, một số loại rau quả, lúa gạo, thuốc trong thành phần chứa ma túy hoặc chứa các khả năng gây nghiện và lạm dụng cao đều bị cấm, đồng thời có những hình phạt nghiêm trọng khi hành khách cố tình tìm cách mang đến Mỹ.

Mang thịt lợn trái phép sang Hàn Quốc bị phạt gần 200 triệu đồng

Theo thông tin từ Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD), để phòng tránh nhập dịch tả lợn châu Phi vào Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc sửa đổi Thông tư Luật phòng tránh bệnh truyền nhiễm của gia súc, tăng mức tiền phạt đối với trường hợp mang các loại sản phẩm, gồm cả thịt lợn được gia công, sản xuất vào Hàn Quốc trái phép.

Theo đó, sẽ có 3 mức xử phạt tiền nếu bị phát hiện mang thực phẩm trái phép là 5 triệu won (gần 100 triệu đồng), 7,5 triệu won (gần 150 triệu đồng) và 10 triệu won (gần 200 triệu đồng).

Do đó, để tránh tình trạng người lao động bị phạt vì vi phạm các quy định trên, Trung tâm Lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc không mang theo các loại thực phẩm sai quy định, đặc biệt là thịt lợn được chế biến.

Theo Hạnh Nguyên

VietnamNet