1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bí mật của ông trùm viễn thông Trung Quốc

Hiếm khi xuất hiện trước công chúng và trả lời báo chí, Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) ông chủ của tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei là một doanh nhân đặc biệt thành công trên thương trường.

Bị Mỹ từ chối

 

Trong những năm 90, chủ tịch tập đoàn Huawei (Hoa Vi) đã đến Mỹ vài lần với hy vọng tìm hiểu làm thế nào đưa được một doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc trở thành tập đoàn tầm cỡ thế giới. Trong một chuyến đi tới Mỹ năm 1992, Nhậm Chính Phi đã trả toàn bộ các hóa đơn bằng 30 000 USD tiền mặt giấu kỹ trong va li của mình (lúc đó Trung Quốc chưa lưu hành thẻ tín dụng).

 

16 năm sau, ông chủ của Hoa Vi, Nhậm Chính Phi lọt vào danh sách 400 trăm người giàu nhất Trung Quốc do tạp chí Forbes bình chọn, còn Hoa Vi đã trở thành tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Mặc dù đã là những khách hàng lớn của nhiều doanh nghiệp tại Mỹ như AT&T, Verizon và Sprint nhưng 200 triệu USD của Nhậm Chính Phi vẫn bị Mỹ phong tỏa và Hoa Vi vẫn bị Mỹ coi là những kẻ đứng ngoài những cuộc chơi lớn tại thị trường Mỹ. Bằng chứng mới đây nhất là đầu năm nay, Mỹ đã thẳng thừng từ chối cho Hoa Vi tham gia dự thầu cung cấp thiết bị 3Com cho các dự án nhạy cảm.

 

Theo một tài liệu do Wikileaks công bố, tháng 3.2008, Nhậm đã tới Tổng lãnh sự Mỹ ở Quảng Châu phàn nàn về việc Mỹ chỉ cấp cho ông loại visa vào Mỹ 1 lần và tức giận vì những nghi ngờ của Mỹ về mối quan hệ gần gũi của Hoa Vi với quân đội và chính phủ Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng cha mẹ ông cũng từng phải tới các trại lao động trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa và giải thích lý do duy nhất để ông được vào quân đội là do họ thiếu những kỹ sư có tay nghề.

 

Trong khi dư luận còn tranh cãi về mối liên hệ mật thiết của Nhậm với giới chức Trung Quốc vốn luôn gắn liền với sự bành trướng toàn cầu của tập đoàn này thì chính những thành công của Hoa Vi lại càng thể hiện rõ tính cách mạnh mẽ của Nhậm trong cuộc đối đầu với phần còn lại của thế giới.

 

Vị CEO này luôn giữ khoảng cách và vẻ bề ngoài bí hiểm với không chỉ công chúng và giới truyền thông mà ngay cả với 40 000 nhân viên của mình. Bên trong trụ sở của Hoa Vi tại Thâm Quyến chỉ có vài bức ảnh của vị Chủ tịch trên tường và phần lớn Nhậm tiếp xúc với nhân viên dưới quyền chủ yếu qua hệ thống công văn giấy tờ, email.
 
Bí mật của ông trùm viễn thông Trung Quốc

 

Bắt đầu cuộc chơi từ một người ngoài cuộc

 

Sinh ngày 25.10.1944 ở một thị trấn vùng núi xa xôi ở tỉnh Quý Châu, Nhậm là con cả trong một gia đình có 7 anh chị em, cuộc sống với ông khá khó khăn. Cha mẹ đều làm nghề giáo và mẹ ông thường phải mượn tiền để thanh toán những hóa đơn, ông viết như vậy trong một bài báo được đăng trên một tạp chí nội bộ của Hoa Vi. "Cho tới tận khi học cấp 3, tôi chưa từng có được một cái áo sơ mi thực sự", ông viết. Cha ông tham gia Quốc dân đảng đấu tranh chống Nhật trong những năm 1930 và sau đó mới gia Đảng Cộng sản. Do mác trí thức của mình, cha mẹ ông sau đó đều thuộc đối tượng đi "rèn luyện" trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

 

Năm 1963, Nhậm tốt nghiệp Học viện xây dựng và kiến trúc Trùng Khánh, đến năm 1974, ông gia nhập quân đội và được chuyển tới bộ phận kỹ thuật. Ông thuật lại sau đó rằng mình luôn bị loại khỏi những tổ chức nòng cốt thời bấy giờ. "Khi ở trường học, tôi không thể tham gia vào Đoàn thanh niên cộng sản và khi ở trong quân đội, tôi cũng không đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản", ông tâm sự trong một bức thư gửi nhân viên vào năm ngoái, "cuộc đời tôi đầy rẫy những nghịch cảnh và tôi trở nên cô độc".

 

Dẫu vậy, Nhậm đã hoàn thành các nhiệm vụ rất xuất sắc, ông được lên làm phó giám đốc, tương đương với chức trung đoàn phó và được mời vào Hội nghị khoa học quốc gia năm 1978, tới năm 1982, Nhậm là thành viên Quốc hội Trung Quốc. Con đường binh nghiệp của Nhậm chấm dứt với kế hoạch tinh giản biên chế của Đặng Tiểu Bình những năm sau đó.

 

Nhậm đã phải làm nhiều nghề để sống và những kiến thức về khoa học, kỹ thuật đã giúp Nhậm bắt kịp và nhìn ra với những thay đổi nhanh chóng trong ngành công nghệ. Chỉ với số vốn ít ỏi 21 000 NDT (tương đương 3 300 USD hiện nay), Nhậm cũng một vài người bạn đã lập ra Hoa Vi, bên thứ ba trong hoạt động cung cấp thiết bị viễn thông tại Thâm Quyến. Nhậm đã đưa Hoa Vi tăng nhanh và mạnh trong các năm sau đó, cạnh tranh mãnh liệt với sản phẩm của các công ty khác và tới đầu những năm 90, Hoa Vi đã có thể tự sản xuất ra thiết bị của mình.

 

Chiến thuật du kích

 

Mặc dù có những quan điểm cho rằng Nhậm đã lợi dụng các mối liên hệ của mình trong quân đội để kinh doanh nhưng theo giáo sư về chiến lược toàn cầu Mike W.Peng của Đại học Texas, hợp tác quân đội Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ các hợp đồng của Hoa Vi. Thay vào đó, điều lớn nhất mà quân đội trang bị cho Nhậm có lẽ chính là chiến thuật cạnh tranh của tập đoàn này: một lối đánh du kích với "tinh thần của sói". "Nếu các tập đoàn đa quốc gia là những con voi, Hoa Vi cần là chú chuột, do vậy cần có một cái mũi nhạy bén và bản năng sinh tồn mạnh mẽ, kết hợp với tinh thần tập thể và đức hy sinh", Nhậm nói.

 

Nhậm đã khôn ngoan hơn các đối thủ khi chọn vùng xa xôi làm chiến tuyến đầu trước khi "xâm lấn" ngược lại thị trấn và thành phố. Ông gọi những giám đốc chi nhánh địa phương là "những nhà chỉ huy du kích" và cho họ một sự độc lập lớn. Cách làm này đã tỏ ra có hiệu quả.

 

Hoa Vi giành giật các hợp đồng tại địa phương thông qua việc thiết lập các công ty liên doanh và chia sẻ lợi nhuận với giới chức chính quyền dưới hình thức những khoản lợi tức hàng năm. Năm 1996, Hoa Vi chiếm vị trí thứ 2 trong thị phần switch (bộ chuyển mạch) tại Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, Nhậm mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào các thị trường chưa bão hòa như châu Phi, Nga. Trong cuốn "Hành trình của Nữ hoàng đỏ" của hai học giả chuyên nghiên cứu về sự bành trướng của nền kinh tế Trung Quốc Dan Breznitz và Michael Murphree có viết rằng Hoa Vi thường cung cấp những khoản vay khá mềm cho những nước đang phát triển đang trong tình trạng túng quẫn. Chẳng hạn năm 2004, tập đoàn này đã sử dụng 10 tỷ USD tín dụng của Ngân hàng phát triển Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng, còn các sản phẩm thì luôn được bán với giá rẻ hơn đối thủ tới 70%.

 

Kể từ khi tấn công vào thị trường nông thôn của Trung Quốc, doanh thu hàng năm của Hoa Vi đã tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm, đạt 2 tỷ USD vào năm 2000, nhưng tương lai của tập đoàn này vẫn còn bấp bênh. Những tin xấu từ thị trường, nội bộ hãng và gia đình liên tiếp ập xuống. Li Yinan, một kỹ sư quang học mới 30 tuổi được Nhậm cất nhắc vào vị trí phó chủ tịch hãng đã rời bỏ Hoa Vi năm 2000 để thành lập công ty riêng. Cùng thời kỳ đó, làn sóng đầu tư mạng và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực viễn thông bùng nổ sau khi có những quy định pháp luật mới tại Trung Quốc.

 

"Hậu cung" của Hoa Vi

 

Đằng sau những thành công, Hoa Vi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất. Do tăng trưởng quá nhanh, Hoa Vi trở lên hỗn loạn do không thể tuyển dụng đủ nhân sự cần thiết. Nhậm đã phải làm việc căng thẳng trong nhiều tháng liên tiếp và ông thường xuyên bị stress, gặp ác mộng và từng bật khóc khi giật mình tỉnh dậy trong đêm. Trong giai đoạn 2000-2003, khủng hoảng lên cao độ khi chính Nhậm cũng phải cho rằng "Hoa Vi đang trên bờ vực phá sản", ông trở lên mệt mỏi, sụp đổ, mắc nhiều chứng bệnh và 2 lần phải đi phẫu thuật ung thư.

 

Cuối năm 2007, Hoa Vi sa thải 7000 công nhân, tệ hại hơn môi trường làm việc quá căng thẳng của hãng này đã khiến nhiều nhân viên của Hoa Vi tự tử. Ở khía cạnh gia đình, giới truyền thống Trung Quốc năm 2010 đưa tin ý định truyền ngôi cho người con trai không thành khi chính người con này từ chối ngồi vào chiếc ghế nóng.  Cuối năm ngoái, Nhậm cũng hé mở thêm về cấu trúc bên trong Hoa Vi, giải thích về việc vận hành tập đoàn và việc 8 nhà quản trị thay nhau làm Chủ tịch trong vòng 6 tháng.

 

Khó khăn chưa hết, mới đây nhất, tháng 3.2012, Úc đã không cho phép Hoa Vi tham gia đấu thầu để cung cấp thiết bị cho dự án băng thông rộng trị giá 39 tỷ USD, một trong những thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, do lo ngại về những cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc. Hoa Vi cũng đang đối mặt với những khó khăn tại một số thị trường như Mỹ, nơi các cơ quan tình báo lo ngại về sự vi phạm và hoạt động gián điệp của mạng lưới do tập đoàn cung cấp.

 

Theo A Vũ

VEF/Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm