“Bí kíp” kiếm 50 tỷ đồng từ 10 triệu đồng trên sàn chứng khoán

(Dân trí) - Một nhà đầu tư nếu may mắn làm theo đúng kịch bản như sẽ trình bày sau đây thì năm vừa qua có thể đã “đút túi” 50 tỷ đồng từ con số khởi đầu chỉ là 10 triệu đồng.

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2015 với mức giảm nhẹ 0,42 điểm, tương ứng 0,07% của VN-Index khiến chỉ số lùi về 579 điểm.

Bạn đọc có thắc mắc hay cần tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, hãy gửi đến cho chúng tôi: kinhdoanh@dantri.com.vn

Mặc dù đã có chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp từ 24/12 đến 30/12 song thanh khoản thị trường vẫn ảm đạm. Đây cũng là hiệu ứng thường thấy của thị trường trước thềm những kỳ nghỉ lễ.

So với thời điểm cuối năm 2014, chỉ số VN-Index tăng 33,43 điểm (6,13%). Đây là mức tương đối song còn một khoảng cách xa so với kỳ vọng của nhà đầu tư, bởi có lúc chỉ số đã vượt mốc 600 điểm.

Trên một diễn đàn chứng khoán, để giải tỏa căng thẳng cho các nhà đầu tư giữa lúc tài khoản đang “âm”, thông tin thị trường bão hòa vào những ngày cuối năm, một thành viên đã chia sẻ câu chuyện vui về hành trình kiếm 50 tỷ đồng từ vỏn vẹn 10 triệu đồng trên thị trường chứng khoán trong vòng 1 năm.

Theo tác giả của “bí kíp” này, đây có thể coi là dịp để mọi người nhìn lại những “siêu cổ phiếu” của năm cũng như những cổ phiếu bất thình lình “lăn ra đột tử”.

Mặc dù mang tính góp vui, song hành trình được thành viên này chia sẻ rất chi tiết và hợp lý.

Bằng việc nương theo những đợt “sóng” của năm như sóng ngân hàng, sóng mía đường, câu chuyện nới “room”, cổ phiếu hưởng lợi từ TPP, kế hoạch thoái vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp lớn của SCIC...., nếu nhà đầu tư nào thực hiện theo đúng tuần tự, đúng thời điểm với những mã cổ phiếu được lựa chọn thì sẽ thắng đậm và “10 triệu biến thành 50 tỷ” là hoàn toàn khả thi.

Dưới đây xin giới thiệu lại với độc giả về câu chuyện thú vị trên:

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hành trình biến 10 triệu đồng thành 50 tỷ đồng:

1. Ngày 5/1/2015: Dùng margin (MG) tỷ lệ 3/7, tôi mua được 2.800 cổ phiếu BID giá 11.6 (lệnh ATC), tổng giá trị tài sản là 32,5 triệu đồng (vay 22,5 triệu đồng)

Ngày 28/1: Tôi bán 2.800 cổ phiếu BID giá 16.8 (ATC), thu về 47 triệu đồng. Trừ đi số tiền vay 22,5 triệu đồng, tôi còn 24,5 triệu đồng. Như vậy, chưa đầy 1 tháng tôi đã lãi được 14,5 triệu đồng.

2. Biết dòng ngân hàng là “game” của cả năm nay, sau khi bán BID, tôi quay sang mua CTG.

Ngày 3/2: Dùng MG 3/7, tôi mua được 5.400 cổ phiếu CTG giá 15.1 (thấp nhất 15.0), tổng giá trị tài sản là 82 triệu đồng (vay 59,5 triệu đồng).

Ngày 27/2: Tôi bán lệnh ATO 5.400 cổ phiếu CTG giá 18.6, thu về hơn 100 triệu đồng. Trừ đi số tiền vay và phí giao dịch, tôi còn 40 triệu đồng.

3. Với 40 triệu đồng trong tay, tôi liên hệ với 1 số kho hàng để mượn cổ phiếu HAG trong 2 tháng. Với tỷ lệ đặt cọc 20%, tôi mượn được 200 triệu tiền hàng.

Ngày 4/3: Tôi bán ATO 8.600 cổ phiếu HAG giá 23.0, tổng giá trị bán là 198 triệu đồng.

Ngày 6/4: Tôi mua ATC 8.600 cổ phiếu HAG giá 20.0, tổng giá trị mua là 172 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi ròng 20 triệu đồng, cộng với 40 triệu tiền cọc, tôi có 60 triệu đồng.

4. Ngày 7/4: Dùng MG 1/1 tôi mua được 48.000 cổ phiếu SHN giá 2.5. Cổ phiếu này đã có chuỗi ngày tăng trần liên tục.

Ngày 9/6: Tôi bán toàn bộ 48.000 cổ phiếu SHN với mức giá trần 19.0, thu về 912 triệu đồng. Trừ đi các loại chi phí, tôi có 900 triệu đồng.

Như vậy, sau nửa năm lăn lộn, tài khoản của tôi tăng 90 lần.

5. Không ngủ quên trong chiến thắng, tôi quyết định muợn cổ phiếu JVC để bán. Với 900 triệu đồng tiền cọc, tôi mượn được 4,5 tỷ tiền hàng.

Ngay trong ngày 9/6: Tôi bán 200.000 cổ phiếu JVC với giá bình quân 21.5, tổng giá trị bán là 4,3 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng tiêu cực từ doanh nghiệp, giá cổ phiếu JVC sụt giảm nghiêm trọng.

Ngày 2/7: Tôi quyết định mua vào 100.000 cổ phiếu JVC giá 7.1. Ngay lập tức lệnh mua được ồ ạt tung vào, khiến các lệnh bán sàn hết veo trong chốc lát, nhưng tôi đã kịp mua thêm 100.000 cổ phiếu JVC nữa.

Tổng kết lại thương vụ này, tôi lãi được 2,7 tỷ đồng. Cộng với 900 triệu đồng tiền cọc, tôi có 3,6 tỷ đồng!

6. Khi có nhiều tiền, người ta lại càng tham lam.

Tháng 7 đánh dấu một sự kiện trọng đại trong sự nghiệp quan hệ của Việt Nam với Mỹ. Biết đây là tin tức tác động rất lớn tới thị trường, tôi vắt óc tìm xem dòng nào sẽ dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tiếp theo, và “bảo hiểm” đã lọt vào tầm ngắm bởi dòng này chưa tăng mấy và nhiều công ty chứng khoán cho MG 3/7.

Với 3,6 tỷ đồng, MG 3/7 lên thành 12 tỷ đồng, ngày 2/7 tôi mua 200.000 cổ phiếu BVH với giá 43.0, tổng giá trị mua là 8,6 tỷ đồng.

Ngày 7/7: Tôi mua 200.000 cổ phiếu BMI giá 17.0, tổng giá trị mua là 3,4 tỷ đồng.

Sau 2 tuần tăng nóng của dòng bảo hiểm, tôi quyết định chốt lời.

Ngày 14/7: Tôi bán 200.000 cổ phiếu BVH ở mức giá trần 66.0, thu về 13,2 tỷ đồng.

Ngày 17/7: Tôi bán ATC 200.000 cổ phiếu BMI giá 23.7, thu về 4,74 tỷ đồng.

Cắt ra 40 triệu đồng tiền phí, tôi còn 17,9 tỷ đồng. Trừ đi 8,4 tỷ đồng tiền vay, tôi có 9,5 tỷ đồng.

7. Sau khi tôi chốt lời xong dòng bảo hiểm, tôi quyết định mạo hiểm với canh bạc mang tên TTF – một cổ phiếu hưởng lợi từ TPP và cách phát âm cũng láy như TPP.

Ngày 20/7: Tôi dùng MG 4/6 mua 1,8 triệu cổ phiếu TTF giá 13.0, tổng giá trị mua là 23,4 tỷ đồng (vay 13,9 tỷ đồng).

Trong 2 ngày 17/8 và 18/8, tôi bán hết TTF giá bình quân 17.0, thu về 30,6 tỷ đồng. Trừ đi 100 triệu đồng tiền vay và chi phí, tôi bỏ túi 16,6 tỷ đồng.

8. Sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ trong 4 ngày liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thị trường toàn cầu chao đảo. Nhiều cổ phiếu lúc này giá rẻ như cho, tôi quyết định đặt niềm tin vào VNM – “Vina Money!”

Ngày 25/8: Dùng MG 3/7, tôi mua 580.000 cổ phiếu VNM quanh giá 95.0, hết hơn 55 tỷ đồng, trong đó vay tới 38,5 tỷ đồng.

Ít lâu sau, với thông tin SCIC thoái vốn, giá cổ phiếu VNM tăng vọt. Nhận thấy cơ hội chốt lời đã tới, trong 3 phiên 13, 16 và 17/11, tôi bán một mạch hết 580.000 cổ phiếu VNM với giá bình quân 138.0, thu về 80 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi khoản vay 38,5 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng tiền phí và lãi vay trong 3 tháng, tôi có 40 tỷ đồng.

9. Thắng đậm vụ đầu tư VNM, để bảo vệ thành quả, tôi quyết định bỏ ra 5 tỷ đồng để mua trái phiếu với lãi suất 8%/năm, còn 35 tỷ đồng tạm thời để trong tài khoản ngân hàng.

Vào một ngày đẹp trời, khi vào siêu thị mua sắm, tình cờ thấy hai gian sữa và đường gần nhau, tôi bất chợt nảy ra suy nghĩ “Đã có hộp sữa thì phải có cân đường”.

Ngày 23/11: Tôi quyết định dùng toàn bộ 35 tỷ đồng của mình để mua hết 2 triệu cổ phiếu SBT giá 17.5.

Ngày 23/12, tức sau đúng 1 tháng, SBT đã tăng lên tới 22.0. Ngày 24/12, tôi quyết định bán hết 2 triệu cổ phiếu SBT giá bình quân 22.7. Trừ đi tiền phí mua bán và thuế, tôi thu về 45 tỷ đồng.

Cộng với 5 tỷ đồng mua trái phiếu (mà tôi có thể đáo hạn bất kỳ lúc nào), tôi có tổng cộng 50 tỷ đồng

10. Với 50 tỷ tôi mua một căn biệt thự và một em Phantom Rồng là hết. Ngoài nhà để ở và xe để đi thì tôi chẳng có gì hơn các bạn, thậm chí còn không bằng vì sau khi tiêu tốn hết tiền vào nhà và xe, tôi chính thức trở thành đại gia không xu dính túi...”

Như vậy, trong khi toàn thị trường chỉ tăng 6,13% thì tài khoản của nhà “siêu đầu tư” này đã tăng lên gấp 5 triệu lần! Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, mọi điều đều có thể xảy ra, nhất là nếu nhà đầu tư có tài cộng với “siêu may mắn”!

Bích Diệp

“Bí kíp” kiếm 50 tỷ đồng từ 10 triệu đồng trên sàn chứng khoán - 2