Bi kịch dự án giao thông phá sản vì “cha chung không ai khóc”!

(Dân trí) - Dự án BOT có nhiều ngân hàng tham gia tài trợ vốn tín dụng tưởng chừng là tốt nhưng thực tế đã có dự án phá sản vì rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận được coi là những điển hình.

Bế tắc vì “đói”… vốn

Cách đây 2 năm, nhiều nhà thầu làm Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã phải phân trần trong nước mắt vì lo tới ngày phải “tự tử” khi hàng ngàn công nhân đứng trước nguy cơ mất việc, nhiều tỉ đồng sẽ mất trắng. Tại sao lại như vậy?

Tháng 7/2015, dự án được khởi công, 3 ngân hàng cam kết giải ngân 8.700 tỷ đồng cho dự án, gồm: BIDV (5.000 tỷ đồng), Agribank (3.000 tỷ đồng) và TPbank (700 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến đến tháng 5/2017 nhà đầu tư vẫn không thể nào vay được vốn để thực hiện dự án.

Về mặt lý thuyết, tưởng như khi có tới 3 ngân hàng hợp vốn, thì nhà đầu tư chỉ việc chú tâm giải quyết những phần việc còn lại. Nhưng chỉ cần một trong 3 ngân hàng chậm trễ, thay đổi quan điểm, thay đổi kế hoạch kinh doanh, hoặc không đồng thuận với 2 ngân hàng còn lại thì lập tức dự án rơi vào bế tắc.

Từ năm 2015 - 2017, Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn dậm chân tại chỗ vì không có vốn
Từ năm 2015 - 2017, Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn dậm chân tại chỗ vì không có vốn

“Bi kịch” đã xảy ra khi đầu năm 2016 BIDV đã có văn bản xin rút cam kết tài trợ vốn, khi đó hai ngân hàng còn lại là Agribank và TPbank không thể đáp ứng được nguồn vốn nên dự án bế tắc trầm trọng.

Các nhà thầu đã ứng trước chi phí để thi công nhưng nhà đầu tư không có tiền để thanh toán, đều đứng bên bờ vực phá sản nếu dự án không thể tiếp tục. Đó là lý do khiến họ phải tìm gặp một nhà đầu tư BOT uy tín và tiến độ thực hiện dự án.

Do năng lực yếu kém của nhà đầu tư, không vay được vốn tín dụng cho dự án, liên tục vi phạm hợp đồng nên đến cuối tháng 5/2017 Bộ GTVT đã kêu gọi Công ty BOT Đèo Cả mua lại cổ phần của Công ty CP Đầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ) để tiếp tục dự án.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, sau khi đổi chủ đầu tư, vướng mắc về vốn tín dụng của dự án cũng được tháo gỡ khi ngân hàng Vietinbank tài trợ hơn 7.000 tỷ đồng cho dự án. Đến nay, dự án đã chuyển biến rất tích cực, đảm bảo tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng vào năm 2019.

Sau chiến dịch giải cứu, dự án được đảm bảo tiến độ và thi công nhanh chóng, sẽ hoàn thành vào năm 2019
Sau chiến dịch "giải cứu", dự án được đảm bảo tiến độ và thi công nhanh chóng, sẽ hoàn thành vào năm 2019

Cha chung không ai khóc?

Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là hợp phần của tuyến đường cao tốc nối TPHCM với Cần Thơ khởi động từ tháng 2/2015 được đặt kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TPHCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển KT-XH các tỉnh Tây Nam bộ, giảm tải cho QL1. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, dự án vẫn còn ngổn ngang và phải lùi mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2020.

Theo Tổng công ty Cửu Long (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền), khối lượng của dự án hiện nay chủ yếu đến từ công tác giải phóng mặt bằng, còn lại khối lượng thi công trên hiện trường mới đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dự án ì ạch, chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu xuất phát chủ yếu từ năng lực tài chính của nhà đầu tư và chủ trương hợp nhất tài trợ vốn tín dụng của các ngân hàng.

Ngày 15/6 vừa qua, nhà đầu tư của dự án này mới ký được hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng: Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank, giá trị 6.850 tỷ đồng, trong đó Vietinbank tài trợ 2.300 tỷ đồng để dự án tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, điều kiện giải ngân và cách thức tham gia vốn của các ngân hàng đối với nhà đầu tư dự án này rất khác thường, đó là ngân hàng yêu cầu giải ngân xong phần vốn chủ sở hữu hơn 2.500 tỷ thì ngân hàng mới tham gia vốn tín dụng.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công nhiều lần nhưng không tìm kiếm được vốn, tháng 6/2018 mới ký được hợp đồng tín dụng.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công nhiều lần nhưng không tìm kiếm được vốn, tháng 6/2018 mới ký được hợp đồng tín dụng.

Theo các chuyên gia tài chính, việc một dự án BOT giao thông có nhiều tài trợ vốn tín dụng là bất cập. Bởi, mỗi ngân hàng có một cách thức hoạt động, chiến lược kinh doanh khác nhau, nên sẽ gặp rất nhiều rắc rối khi đồng trợ tín dụng cho một dự án.

Một chuyên gia phân tích, trong quá trình dự án đang triển khai, một ngân hàng gặp sự cố trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không tiếp tục giải ngân cho dự án. Quy trình thủ tục tài trợ vốn phải làm lại mất rất nhiều thời gian, dẫn tới thời gian thi công kéo dài, làm giảm hiệu quả của dự án, đồng nghĩa với rủi ro cho các nhà tài trợ vốn và nhà đầu tư sẽ xảy ra ngay lập tức. Do vậy, mỗi dự án BOT giao thông chỉ nên có một nhà trợ vốn tín dụng đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo hiệu quả cho dự án.

Trong khi đó, đại diện một ngân hàng TMCP cho biết, có một số nhà đầu tư thiếu năng lực, muốn kéo dài thời gian hấp hối, hoặc muốn né tránh trách nhiệm, cũng tìm cách mời nhiều ngân hàng hợp vốn cho dự án đang bê bết của mình, để về sau đổ tội cho ngân hàng nào đó. Lí do vì các ngân hàng không đồng thuận nên không thể hoàn thành dự án.

Trên thực tế, cũng có một số ngân hàng thiếu lành mạnh, trì hoãn việc cấp tín dụng nhằm kéo dài thời gian và gây sách nhiễu. Bởi vậy, việc nhiều ngân hàng hợp vốn cho một dự án lớn có thể gây ra những rủi ro...

Châu Như Quỳnh

Bi kịch dự án giao thông phá sản vì “cha chung không ai khóc”! - 4