Bị giao nhà chậm: Chật vật đòi bồi thường
Người mua nhà nên thỏa thuận với chủ đầu tư và thể hiện thật cụ thể trong hợp đồng mức lãi suất bồi thường chậm giao nhà.
Theo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), chủ đầu tư giao nhà chậm phải bồi thường cho khách hàng một khoản tiền lãi tính theo lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại. Hiện nhiều chủ đầu tư dự án đang đứng trước áp lực phải bồi thường bởi bên mua đã thanh toán gần hết tiền nhưng bên bán giao nhà không đúng thời hạn. Tuy nhiên, do hợp đồng mua bán không nêu cụ thể về cơ sở để tính bồi thường nên hai bên gặp nhiều trở ngại trong thương lượng.
Trong ảnh: Một dự án căn hộ tại TPHCM sắp hoàn tất
Chủ đầu tư né tránh
Theo phản ánh của người dân mua căn hộ ở khu đô thị mới Dương Nội (Hà Nội), chủ đầu tư thông báo bàn giao nhà vào cuối tháng 4/3013. Thế nhưng, khi khách hàng đề nghị được xem nhà, rà soát lại các điều khoản của hợp đồng mua bán và yêu cầu bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao nhà thì họ không tiếp cận được chủ đầu tư.
Trong khi đó, một số người đã nhận nhà cho hay tình trạng của căn hộ chưa thật sự hoàn thiện. Một số hạng mục thi công cẩu thả, sơn tường loang lổ, cửa bị cong vênh… Từ đó, họ cho rằng chủ đầu tư thi công vội vã để sớm giao nhà nhằm “né” một phần số tiền bồi thường.
Người dân mua căn hộ một chung cư ở quận Tân Phú - TPHCM cũng nhiều lần phản ứng chủ đầu tư về việc chậm bàn giao nhà. Theo đó, chủ đầu tư cam kết giao nhà quý I/2012, rồi lại hẹn đến quý IV/2012… Thế nhưng, đến hết quý I/2013, chủ đầu tư vẫn chưa xây xong phần thô của dự án.
Nguyện vọng của người mua nhà tại dự án này là chủ đầu tư cần gặp gỡ khách hàng để rà soát điều khoản của hợp đồng mua bán, thương lượng bồi thường cho việc chậm giao nhà. Một số người tính toán chủ đầu tư dự án thu trước từ 70% đến 90% giá trị căn hộ, tương ứng 700 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng/căn. Với 442 căn hộ đã bán hết, tính ra người mua nhà đã ứng trước cho chủ đầu tư khoảng 500 tỉ đồng song dự án vẫn chưa hoàn thành...
Trong thực tế, không phải dự án nào chủ đầu tư cũng cam kết bồi thường khi giao nhà chậm. Hợp đồng mua bán của một số dự án cam kết thường chung chung, không thể hiện mức lãi suất cụ thể nên hai bên thường không thỏa thuận được số tiền bồi thường.
Có thể khởi kiện, đòi lại tiền
Luật sư Nguyễn Hoàng Linh, Văn phòng Luật sư Thùy Anh (TPHCM), cho biết người mua nhà có thể khởi kiện chủ đầu tư bởi Luật Kinh doanh BĐS quy định: Chủ đầu tư giao BĐS chậm thì phải trả cho khách hàng một khoản tiền lãi của phần tiền mà khách hàng đã ứng trước, tính theo lãi suất vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm giao BĐS.
Một giảng viên của Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng trường hợp bên bán nhà có giấy phép kinh doanh BĐS thì khi xảy ra khiếu kiện, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng Luật Kinh doanh BĐS để quyết định mức lãi suất bồi thường.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và Cộng sự), nếu hợp đồng mua bán nhà không nêu rõ mức lãi suất bồi thường thì thông thường, tòa án sẽ áp dụng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp hai bên cam kết bồi thường theo lãi suất cho vay của ngân hàng thì chủ đầu tư cần thực hiện đúng hợp đồng.
Đối với các chủ đầu tư đã nhiều lần trễ hẹn giao nhà và dự án hiện còn dở dang, luật sư Nguyễn Văn Hậu khuyến nghị người mua liên kết với nhau để khởi kiện, đòi lại số tiền đã nộp. Theo ông Hậu, các cơ quan chức năng có thể niêm phong dự án BĐS rồi tiến hành phân xử theo hướng sẽ bán dự án đó cho chủ đầu tư khác để trả tiền cho người mua nhà. Ông Hậu cũng khuyến cáo người mua nhà nên thỏa thuận với chủ đầu tư và thể hiện trong hợp đồng mức lãi suất bồi thường chậm giao nhà là 5%, 7% hay 10%/năm... nhằm tránh tranh chấp về giao dịch nhà ở.
Rối mù lãi suất bồi thường
Mới đây, bà Trương Thị Mỹ Loan (chung cư Phú Thạnh, quận Tân Phú - TPHCM) đã khởi kiện chủ đầu tư về việc giao nhà chậm. TAND quận Tân Phú tuyên xử chủ đầu tư bồi thường lãi suất 18%/năm. Thế nhưng, xét xử phúc thẩm, TAND TPHCM lại áp dụng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là 8%/năm. Vì hợp đồng mua bán giữa bà Loan với chủ đầu tư không ghi rõ mức lãi suất cụ thể nên tòa căn cứ vào Luật Dân sự để giải quyết.
Trước đó, năm 2012, ông Nguyễn Đức Như cũng khởi kiện một chủ đầu tư dự án nhưng TAND quận Tân Phú quyết định mức lãi suất bồi thường là 9%/năm. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm cho rằng tại thời điểm phát sinh tranh chấp (tháng 3/2010), lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là 8%/năm nên đã phân xử theo mức này. |
Theo Thy Thơ
NLĐ