1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bị các nước "tẩy chay", Trung Quốc tập trung vào kinh tế hướng nội

Thùy Dung

(Dân trí) - Những người ủng hộ cải cách của Trung Quốc đang hy vọng mô hình kinh tế mới do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước và giải quyết các vấn đề về kinh tế.

Bị các nước tẩy chay, Trung Quốc tập trung vào kinh tế hướng nội - 1

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.

Những người trong cuộc cho biết, mô hình phát triển mới sẽ được thảo luận tại một cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 tới, nơi các chính sách dự kiến ​​sẽ được xây dựng thành lộ trình 5 năm tới cho nền kinh tế.

Ông Tập hồi tháng 5 đã đề xuất một chiến lược “lưu thông kép” cho giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo, trong đó Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa vào “lưu thông nội địa” - một chu trình nội bộ của sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Điều đó sẽ được hỗ trợ bởi “lưu thông quốc tế”, trong đó Trung Quốc hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu, mở cửa với nhiều hàng hóa, vốn và đầu tư nước ngoài hơn.

Khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng, khả năng tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ dẫn đến những rủi ro đáng kể, viễn cảnh này đang củng cố quyết tâm của Trung Quốc trong việc chuyển sự phụ thuộc vào thị trường nội địa rộng lớn của chính họ, những người trong cuộc cho biết.

“Chiến lược này sẽ là trục xoay của kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Chắc chắn sẽ có những khó khăn khi đi vào hoạt động”, một người trong cuộc nói.

Hiện đang có rất ít thông tin chi tiết về kế hoạch này, nhưng các nhà kinh tế và các tổ chức tư vấn đang đề xuất nhiều cải cách khác nhau mà họ cho là quan trọng để định hướng một nền kinh tế tự chủ hơn và xây dựng các động lực tăng trưởng dài hạn.

Các cố vấn chính phủ nước này đã kêu gọi cải cách nhanh hơn hệ thống đất đai của Trung Quốc - những trở ngại chính đối với mục tiêu xây dựng nền kinh tế đô thị hóa cao, dựa vào người tiêu dùng - và giải quyết khoảng cách giàu nghèo đang đè nặng lên chi tiêu.

Họ lập luận rằng, việc đại tu các công ty nhà nước khổng lồ sẽ giúp giải quyết các biến dạng kinh tế sâu xa và giúp tạo sân chơi cho các công ty tư nhân đang gặp khó khăn.

Một cố vấn chính phủ giấu tên cho biết: “Lưu thông trong nước sẽ không tăng trưởng nếu chúng ta không thể làm tốt công việc cải cách.”

Tại cuộc gặp với các nhà kinh tế Trung Quốc vào ngày 24/8, ông Tập cam kết thực hiện nhiều biện pháp hơn để phá bỏ “các rào cản thể chế sâu sắc”, đồng thời tái khẳng định cam kết để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực.

Vào tháng 4, nội các Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về việc cải thiện phân bổ “các yếu tố sản xuất" dựa trên thị trường, bao gồm đất đai, lao động, công nghệ và vốn, nhằm cải thiện sâu sắc các cải cách theo định hướng thị trường.

Chắc chắn, tái cân bằng nền kinh tế để dựa nhiều hơn vào chi tiêu của người tiêu dùng và ít hơn vào đầu tư kém hiệu quả và xuất khẩu biến động là mục tiêu chính sách quan trọng trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, nhiều cố vấn và nhà kinh tế Trung Quốc thất vọng về tốc độ cải cách trong những năm gần đây, khi một chính phủ bị ám ảnh bởi sự ổn định và trì hoãn những cải cách bắt buộc nhưng sẽ gây “đau đớn” nhất định với nền kinh tế

Việc đảng nước này tăng cường kiểm soát đối với tất cả các khía cạnh của xã hội đã làm dấy lên nghi ngờ về những thay đổi nhanh hơn.

“Nếu chúng ta muốn dựa vào lưu thông trong nước, chúng ta phải thúc đẩy cải cách để giải phóng tiềm năng tăng trưởng”, Jia Kang, người đứng đầu Học viện Kinh tế phía nguồn cung mới Trung Quốc cho biết.

Ba thập kỷ trước, Trung Quốc đã tận dụng nguồn nhân công giá rẻ dồi dào, nhập khẩu các bộ phận và linh kiện trước khi tái xuất thành phẩm. Trong những năm gần đây, nước này đã hướng tới tăng trưởng dựa trên tiêu dùng.

Năm ngoái, tổng xuất khẩu và nhập khẩu chiếm 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm từ mức cao nhất là 64% vào năm 2006. Tiêu dùng tính theo tỷ trọng GDP đã tăng lên 55,4% vào năm ngoái từ 49,3% trong năm 2010, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 70-80% ở các nền kinh tế phát triển.

Trong khi tái cân bằng đã đạt được một số lực kéo, các nhà kinh tế cho biết cần phải chuyển đổi nhiều hơn nữa để giúp Trung Quốc thoát khỏi cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”, một tình huống mà nền kinh tế trì trệ ở mức thu nhập trung bình.

Những trở ngại chính là sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước có công nghệ tiên tiến, cũng như các nền kinh tế có chi phí lao động thấp hơn.

Những người trong cuộc cho biết nền kinh tế Trung Quốc phải tăng trưởng 5% hàng năm trong 5 năm tới để giúp nước này trở thành một quốc gia có thu nhập cao.

Nhưng tăng trưởng trong năm nay, bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng virus corona đã bị chậm lại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm