Bay TPHCM - Hà Nội với giá vé 1 USD?

Từ tháng 2/2007 tất cả các chuyến bay của Pacific Airlines (PA) đều có loại vé 1 USD. Nếu đề án chuyển PA thành hãng hàng không giá rẻ được thực hiện, thì đây là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam thực hiện phương thức kinh doanh mới này.

Nhân sự kiện này, ông Lương Hoài Nam, Giám đốc PA đã có cuộc trao đổi với báo chí về "địa vị" mới của PA và mức giá vé được cho là “sốc” thị trường.

Theo các chuyên gia hàng không, việc kinh doanh vận tải hàng không hiện nay không có lãi, đặc biệt là các đường bay trong nước. Vậy cơ sở nào để PA đưa ra chính sách giá rẻ như vậy?

Thành công của Tiger Airways và Air Asia trên các đường bay của họ vào Việt Nam chính là một trong những cơ sở thực tiễn cho mô hình của PA.

Các hãng hàng không truyền thống trên thế giới thường đi theo “Chiến lược Đại Dương Đỏ” (Red Ocean Strategy), tức là cạnh tranh quyết liệt để khai thác các đối tượng khách hàng truyền thống.

Còn các hãng giá rẻ lại áp dụng “Chiến lược Đại Dương Xanh” (Blue Ocean Strategy), tức là tạo ra một loại hình kinh doanh mới với các giá trị dịch vụ mới, phát triển các nguồn khách hàng mới và tổ chức khai thác có hiệu quả.

Nếu một hãng hàng không truyền thống đạt hệ số ghế trung bình 70% - 75%, tại sao lại không tìm một mô hình kinh doanh khác cho phép đạt 80% - 85%, thậm chí 90% bằng các nguồn khách mới mà giá vé máy bay rẻ có thể tạo ra?

Đó chính là “phát minh” của các hãng giá rẻ và nó mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng, xã hội và doanh nghiệp.

Như vậy, chính sách hàng không giá rẻ mà các ông dự định tung ra, mục đích lấp đầy phần gọi là ế, để tận thu? Mỗi chuyến bay liệu có bao nhiêu vé giá 1 USD?

Bay TPHCM - Hà Nội với giá vé 1 USD? - 1
  

Ông Lương Hoài Nam.

25% - 30% ghế trống của các hãng hàng không truyền thống trên thế giới không hẳn là phần “ế”, mà là thực tiễn kinh doanh của mô hình này. Nó giống như số phòng trống trong một khách sạn, số ghế trống trong một nhà hàng, trong rạp chiếu phim...

Các hãng giá rẻ đã tìm ra cách khai thác chúng một cách hiệu quả mà mô hình hàng không truyền thống không cho phép. Thực tiễn của Tiger Airways, Air Asia... cho thấy rất rõ: Nếu có giá máy bay đủ rẻ, hàng không sẽ có thêm số lượng khách hàng đáng kể. Bí quyết ở đây là ở chỗ giá vé rẻ phải được bán trước, bán sớm, chứ không phải giữ đến phút chót.

Tôi có thể bảo đảm rằng tất cả các chuyến bay của PA khi chuyển sang mô hình hàng không giá rẻ sẽ có tất cả các loại giá, từ 1 USD đến 90 USD giữa TPHCM và Hà Nội, mức thấp nhất và mức cao nhất đó sẽ có 5 - 7 loại giá khác nhau. Còn số chỗ dành cho từng loại giá cụ thể trên chuyến bay cụ thể phụ thuộc vào tính mùa vụ, quy luật cung - cầu.

Ông có lường trước khi PA thực hiện giá rẻ như vậy, ngay cả khách hàng truyền thống cũng chờ mua được vé giá rẻ, lúc đó hiệu quả kinh doanh sẽ thấp?

Hàng không giá rẻ có những quy tắc “bất di bất dịch”: càng mua vé xa ngày bay thì giá vé càng rẻ, càng gần ngày bay thì càng đắt, giá càng rẻ càng ít linh hoạt, giá càng cao càng nhiều linh hoạt khi đổi chuyến bay, ngày bay, hành trình bay, hoàn vé... Chờ hay không chờ là quyền của hành khách.

Chỉ với việc không phục vụ suất ăn trên máy bay thì làm sao giảm được nhiều chi phí?

Chi phí mua mỗi suất ăn chỉ khoảng 30.000 đồng, giá trị này không liên quan đến hàng không giá rẻ. Nhưng nó làm cho máy bay phải đậu trên mặt đất ít nhất 1 giờ để đưa đồ ăn cũ xuống, làm vệ sinh máy bay, đưa đồ ăn mới lên... làm cho một chiếc máy bay như Boeing 737-400, Airbus 320 chỉ bay được 7 - 8 giờ mỗi ngày.

Với việc không phục vụ suất ăn trên những đường bay ngắn, mỗi chiếc máy bay có thể bay 10 - 12 giờ mỗi ngày. Máy bay là phương tiện vận tải rất đắt tiền, các hãng giá rẻ phải tìm cách giảm “giờ chết”, tăng hoạt động bay sinh lời.

Hiện tại PA đang bay 8,5 giờ mỗi ngày, trong khi đó Air Asia đã đạt 12 giờ, GOL đạt kỷ lục 16 giờ mỗi ngày. Cách khai thác máy bay là yếu tố giảm giá thành chính, ngoài ra còn có các yếu tố giảm chi phí khác nữa.

Hiệu quả như vậy tại sao PA không áp dụng ngay mà phải chờ đến tháng 2/2007 mới thực hiện?

Các vé giá rẻ cũng phải được phân phối qua hệ thống điện tử để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực, đầu cơ. PA đã ký hợp đồng với Công ty Navitaire (Mỹ) để triển khai hệ thống bán vé điện tử này.

Tổ chức thẻ tín dụng quốc tế Master Card và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang triển khai giải pháp thanh toán online cho PA (đây là hệ thống thanh toán online đầu tiên ở Việt Nam).

Tháng 2/2007 chính là thời điểm chúng tôi thỏa thuận với các đối tác đưa các hệ thống bán vé điện tử và thanh toán online vào hoạt động.

Theo Hoàng Nhân
Báo Người lao động