"Bắt" xe công nghệ đeo mào, có hợp lý?
(Dân trí) - Sau nhiều lần đề xuất rồi gỡ, Bộ Giao thông Vận tải lại muốn tất cả taxi truyền thống và công nghệ gắn hộp đèn cố định trên nóc xe. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, việc đeo mào cho xe công nghệ không chỉ làm tăng phiền phức cho chủ phương tiện, khiến chủ xe ngần ngại không còn muốn tham gia vào nền tảng kết nối.
Theo một số nguồn tin, như RideSharing, trong một khảo sát được thực hiện tại Mỹ, có hơn 87% khách hàng và 74% tài xế cảm thấy không hài lòng với việc gắn mào taxi trên nóc xe công nghệ vì nhiều lý do. Ở nhiều nước khác nơi mà ride-sharing phát triển, tỷ lệ này cũng được giữ ở mức tương đương.
Gây mất thẩm mỹ, bị đánh đồng với các loại hình giao thông khác, làm mất động lực cạnh tranh của các công ty công nghệ và kéo ngành công nghiệp giao thông về xuất phát điểm ban đầu,... là những lý do không nước nào trên thế giới trừ Việt Nam có ý định gắn hộp đèn taxi lên nóc xe công nghệ.
Đông Nam Á, sân nhà của những startup
Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế mới nổi, của những công ty khởi nghiệp và của những công nghệ đến từ tương lai. Xe công nghệ là một trong nhiều thứ gắn kết các quốc gia này lại với nhau.
Indonesia là thị trường lớn nhất của dịch vụ chia sẻ chuyến đi tại Đông Nam Á. Ở đây, xe công nghệ được quy hoạch bởi Luật về Phương tiện giao thông, trong đó các phương tiện giao thông công cộng phải được sơn một màu sơn thống nhất và ghi rõ thông tin đăng kiểm, thời gian hoạt động,... nhưng xe công nghệ thì không.
Tại Singapore, ride-hailing được yêu cầu phải dán decal chống giả mạo ở một góc tại cửa kính trước và sau, miếng dán này nhỏ vừa đủ để có thể đọc được khi đứng ở khoảng cách gần. Ở vương quốc chùa tháp Thái Lan, chính phủ cũng đang trong quá trình thảo luận để ban hành một điều luật, nhưng giới quan sát cho thấy sẽ không nhập chung hai hình thức giao thông này lại với nhau.
Mỹ, nơi xe công nghệ áp đảo xe taxi
Ở New York, thủ phủ của những thương vụ kinh tế bạc tỷ, thị trường xe công nghệ đã phát triển lớn tới nỗi nó áp đảo hoàn toàn hình thức taxi truyền thống. Nhưng chính quyền thành phố không yêu cầu phải gắn hộp đèn để nhận diện cũng như không bị buộc phải sơn vàng-đen vốn đã tạo nên thương hiệu của những chiếc taxi New York.
Thành phố này chỉ yêu cầu các lái xe công nghệ gắn 3 nhãn dán của cơ quan có ủy quyền, một ở cửa mặt trước, hai ở cửa sổ hai bên để dễ dàng kiểm tra khi có yêu cầu. Những miếng dán này nhỏ vừa lòng bàn tay và có thể thêm một vài mẩu nhỏ khác để ghi vài thông tin về thuế, đăng kiểm,...
Theo một khảo sát được thực hiện trên một diễn đàn online ở Mỹ, hơn 87% người tham gia cho biết không thoải mái khi đặt được một cuốc xe công nghệ mà có gắn mào taxi trên đầu, tỷ lệ còn lại không quan tâm hoặc thấy không có vấn đề gì.
Ở một khảo sát khác được tạo trên diễn đàn dành cho lái xe Uber tại California, có đến hơn 74% tài xế chọn không bao giờ có ý định gắn hộp đèn lên nóc xe, 19% cho biết không gắn nhưng vẫn sẵn sàng chấp hành nếu có luật yêu cầu, số còn lại cho biết đã có trang bị vì muốn thể hiện tình yêu của mình với công ty công nghệ này hoặc vì mục đích quảng cáo, nhưng họ cho biết thường nghe khách hàng phàn nàn.
Tại phần thảo luận, người tham gia khảo sát cho biết họ đặt xe công nghệ vì tâm lý muốn được đi xe riêng như xe nhà nên không muốn sự xuất hiện của hộp đèn hay tấm quảng cáo thương hiệu ở hai bên xe. Một người dùng chia sẻ: “Nếu phải đi xe có gắn biển taxi trên nóc thì tôi đã ra đường vẫy vội một chiếc taxi chứ đâu cần phải đặt xe trên ứng dụng”.
Mỗi tiểu bang khác nhau ở Hoa Kỳ có các quy định khác nhau về cách nhận diện xe công nghệ, trong khi bang Alabama yêu cầu lái xe dán một miếng dán có kích thước tương đương smartphone 5 inch thì bang California đưa ra quy định phải dán logo của công ty công nghệ như Uber, Lyft tại kính chắn gió.
Quản lý cách nào?
Loại hình giao thông này ghi nhận những con số tăng trưởng đáng kể là bởi thực tế nó rất tiện lợi, dễ sử dụng và đáp ứng được nhiều mong muốn của người dùng cũng như tận dụng tối đa được nguồn lực sẵn có của công nghệ.
Khi xe công nghệ phát triển và đạt đến một con số ấn tượng nhất định, cũng là khi người ta bắt đầu chú ý đến nó nhiều hơn để so sánh loại hình với các kiểu phương tiện được cho là có sự tương đồng. Cơ quan nhà nước vì thế cũng đưa ra các quy định để quản lý chúng.
Theo một số chuyên gia, chính phủ các nước và chính quyền các thành phố lớn trên thế giới đã có nhiều quy định khác nhau nhằm quản lý được sự vận hành của những chiếc xe chạy bằng app.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Không gắn hộp đèn trên nóc xe công nghệ là hợp lý, bởi taxi công nghệ không phải là loại hình taxi truyền thống, xe công nghệ thuộc về sở hữu cá nhân và họ thực hiện chuyên chở hành khách thông qua liên kết ứng dụng công nghệ, đây là giao dịch giữa các cá nhân với nhau”.
Không phải ngẫu nhiên mà các nước trên thế giới tách bạch trong việc quản lý của hai loại hình giao thông này.
Trước mắt, thoạt nhìn trông có vẻ giống nhau nhưng cách vận hành của chúng là hoàn toàn khác nhau. Xe công nghệ không cần vận hành một tổng đài trung gian, không cần bến bãi và linh động trong việc đưa đón khách nên giảm được rất nhiều chi phí cho hành khách.
Ngoài ra, có nhiều địa điểm không cho phép hoặc hạn chế xe taxi như các sân bay hay trung tâm mua sắm. Nếu xe công nghệ gắn mào taxi, dịch vụ này sẽ khó đến được các nơi có nhu cầu và hành khách vì thế cũng khó bắt được xe để di chuyển.
Làn sóng công nghệ tân tiến không phải là thứ triệt đường sống của những công ty kinh doanh theo kiểu cũ, mà là đem lại những tiện nghi mới chưa từng xuất hiện trong lịch sử cho người dùng và tạo ra ý tưởng mới giúp các doanh nghiệp truyền thống dễ dàng thay đổi để thích nghi.