Bất thường chuyện hộ dân không bán được điện áp mái vì thiếu tấm lợp
(Dân trí) - Mặc dù cơ quan nhà nước tuyên bố: Khuyến khích người dân phát triển điện áp mái, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những trường hợp người dân có dấu hiệu bị gây khó khăn khi muốn làm việc này.
Đáng chú ý, mới đây, ngày 27/10, một hộ dân là ông Nguyễn Văn Tiến chủ Trang trại Nông nghiệp Hữu Cơ Tiên Tiến đã có văn bản kêu cứu gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công Thương về việc mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao của ông kết hợp với năng lượng mặt trời áp mái bị Bộ Công Thương không công nhận vì “thiếu tấm lợp”.
Sao phải cần thêm tấm lợp?
Được biết, ngày 26/10, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế phát triển điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Ninh Thuận và Đắk Lắk về tình hình chấp hành các quy định của pháp luật trong phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đối với các đơn vị điện lực và chủ đầu tư.
Tại cuộc họp này, đáng chú ý, đại diện Công ty Điện lực Ninh Thuận cho rằng: “Hiện nay, một số trường hợp hệ thống điện mặt trời chủ đầu tư dùng các tấm pin quang điện lắp trên hệ thống khung giá đỡ bằng thép và phía dưới dùng màn lưới nông nghiệp (lưới chắn côn trùng) làm mái".
Theo đại diện Công ty này, có ý kiến của khách hàng việc làm mái bằng màn lưới là để phù hợp với công năng và mục đích sản xuất nông nghiệp của trang trại (theo điểm a mục 2 của Văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 của Bộ Công Thương)….Yêu cầu đất trang trại phù hợp với quy định về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, trong đó đất làm trang trại là đất nông nghiệp khác; Trang trại nông nghiệp công nghệ cao Tiên Tiến cần thực hiện đúng quy định về hệ thống ĐMTMN”.
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng khẳng định, EVN được thực hiện ký hợp đồng mua bán điện nếu ĐMTMN phù hợp với quy định về hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và Thông tư 18/2020/TT-BCT.
Tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Văn Tiến- Chủ trang trại nông nghiệp Hữu cơ Tiên Tiến cho biết- Đoàn kiểm tra không hề đến kiểm tra thực tế tại mô hình trang trại của chúng tôi để thấy 10 dự án ĐMTMN hiện nay của chúng tôi đang vướng đều được lắp đặt lên toàn mái nhà xưởng, văn phòng, nhà ở, chuồng chăn nuôi bò, trùn quế, gà , heo và toàn mái nhà lưới hở trên khắp các cánh đồng nông sản.
Ông Tiến cũng trích dẫn- Theo văn bản 7088/ BCT – ĐL hướng dẫn thì hệ thống ĐMTMN trên mái công trình chăn nuôi, trồng trọt….. trên cơ sở quy định tại thông tư 02/2020/ TT – BNNPTNT …. Việc đảm bảo trang trại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất….. công trình xây dựng trang trại phải có mái, mái nhà phải phù hợp với công năng, loại hình trang trại. Như vậy, hệ thống nhà lưới hở có mái là lưới nông nghiệp hoàn toàn phù hợp công năng của công trình, phù hợp quy định của văn bản 7088.
Bên cạnh đó trong buổi làm việc ngày26/10/2020 tại Công ty Điện lực Ninh Thuận, lãnh đạo Cục Điện lực và NLTT đã nêu: “ Điện mặt trời mái nhà là khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời lên công trình xây dựng, thì công năng chính của công trình xây dựng vẫn đảm bảo mà còn có thể phát sinh công năng phụ là sản xuất điện, thì đó là điện mái nhà”.
Cũng theo ông Tiến, thực tế tại các hệ thống nhà lưới hở, công năng chính là sản xuất, canh tác nông nghiệp, bên trong nhà lưới hở chúng tôi canh tác các loại cây dược liệu quý thu hoạch củ, ưa bóng mát. Mùa mưa: Hệ thống nhà lưới được phủ lưới phía trên của khung nhà thép nhằm tránh lượng nước mưa lớn gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến chất lượng củ của cây trồng. Mùa Gió: Lưới sẽ được căng theo cột dọc khung cột thép, vị trí lắp đặt lưới sát mặt đất. Thời điểm này, lượng gió thổi mạnh có thể làm gãy cây trồng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản. Bên trên chúng tôi lắp đặt những tấm quang năng giúp giảm bức xạ ánh nắng trực tiếp đến cây trồng, giúp cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Với kết quả hoạt động của trang trại trong năm 2019, ngoài việc mang nguồn doanh thu hơn 10 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động người Chăm tại địa phương, Trang trại còn giúp hơn 200 hộ dân trong khu vực có nguồn điện phục vụ sản xuất, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà đáng lý ra đây là trách nhiệm của EVN địa phương, nhưng trong thời gian qua EVN đã không làm được.
Trước những lợi ích mà mô hình nông nghiệp công nghệ cao do Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến mang lại liệu Bộ Công Thương có cần thêm “mái” thì mới ký hợp đồng mua điện, trong khi chỉ vì “thêm mái” mà hủy hoại đi một mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã và đang mang lại hiệu quả về kinh tế- xã hội- môi trường, tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Làm thật sẽ thiệt thòi?
Dẫn câu "thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt", ông Tiến nói: “Câu nói trên quả là đúng với chúng tôi”, làm đúng làm thật thì gặp vướng mắc, trong khi nhiều mô hình trang trại nông nghiệp chưa hề có doanh thu, chỉ trồng vài cây, nuôi thả vải con cừu, gà … đất dưới tấm quang năng để trống…. chỉ cần thêm tấm lợp thành điện mặt trời áp mái trong khi chúng tôi với mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế “đa tầng” thì gặp vướng.
Ông Tiến cho hay, ngay từ khi đầu tư, trang trại Tiên Tiến đã tuân thủ theo Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
"Đến nay, Trang trại đã trở thành điểm đến tham quan của nhiều Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, tổ chức địa phương và được đánh giá là mô hình nông nghiệp đa tầng – tuần hoàn điểm của tỉnh Ninh Thuận, mô hình cần được nhân rộng ra các tỉnh thành khác trong cả nước", ông này nói.
Cũng theo ông Tiến, hiện nay, “EVN địa phương yêu cầu ông lợp tole lên toàn bộ diện tích nhà lưới hở thay cho mái lưới nông nghiệp". "Yêu cầu có phù hợp với công năng của công trình xây dựng trong ngành nông nghiệp hay không? Có phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh Ninh Thuận đề ra hay không?", ông Tiến nêu câu hỏi.
Ông Tiến cho rằng, việc EVN chỉ ký kết hợp đồng đối với dự án nông nghiệp đã lợp “ tole” sẽ dẫn đến hàng chục ha canh tác nông nghiệp sẽ hư hại do cây trồng thiếu ánh sáng; thừa, thiếu nước dẫn đến cây trồng không phát triển ….các dự án nông nghiệp này chỉ tồn tại là một con số ảo trên giấy, chỉ còn duy nhất một chức năng là sản xuất điện hoàn toàn trái với chức năng ban đầu của dự án. Hàng trăm lao động sẽ mất việc, đời sống bà con bị ảnh hưởng ; Chưa kể đến việc lợp tole dưới tấm quang năng sẽ làm giảm tuổi thọ tấm quang năng và giảm công suất phát của hệ thống điện mặt trời”, ông Tiến nêu rõ.
"Việc buộc các dự án nông nghiệp phải lợp tole là hành vi tiếp tay cho việc làm tăng xung đột giữa tỷ lệ đất canh tác nông nghiệp và đất sản xuất điện năng lượng, làm ảnh hưởng đến cán cân đối cung – cầu nguồn lương thực trong nước….Ngược lại, nếu không lợp tole trên các dự án nông nghiệp kết hợp điện mặt trời thì chúng ta có thể vừa sản xuất nông nghiệp vừa sản xuất điện mà vẫn đảm bảo nguồn tài nguyên đất", ông Tiến nêu ý kiến.
Ông Tiến nhấn mạnh: "Thực tế việc phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời trên những trang trại nông nghiệp đã mang lại những lợi ích lớn cho cả nhà đầu tư và phù hợp chủ trương phát triển năng lượng sạch bền vững của Chính phủ. Tránh tình trạng cấm một cách đại trà không qua kiểm tra sàn lọc thực tế làm ảnh hưởng đến sự tồn tại phát triển của những dự án nông nghiệp bài bản, những nhà đầu tư chân chính".
Do đó, ông Tiến mong Bộ Công Thương xem xét và sớm giải quyết các vấn đề trên, từ đó giúp các nhà đầu tư yên tâm và tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án khác tại tỉnh Ninh Thuận, tiếp tục cống hiến đưa những tiến bộ khoa học vào quá trình xây dựng đưa Ninh Thuận từ vùng đất nghèo đói bao đời nay thành một thành phố đáng sống của Việt Nam về mọi lĩnh vực không riêng ngành năng lượng tái tạo.