1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bắt tay với “người khổng lồ” Amazon, cổ phiếu của đại gia ngân hàng vẫn không "nhúc nhích"

(Dân trí) - Mặc dù việc “người khổng lồ” Amazon đã ký hợp tác chiến lược với T&T với sự hỗ trợ của SHB gây chú ý, nhưng sau thông tin này giá cổ phiếu SHB vẫn không nhúc nhích.

Bầu Hiển bắt tay “người khổng lồ” Amazon

Trên sàn HNX, cổ phiếu SHB trong phiên 6/12 đứng giá 6.100 đồng với khối lượng giao dịch ở mức 1,9 triệu cổ phiếu.

Trước đó, tại hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam với hơn 2.000 người bán hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia diễn ra hôm 4/12, “người khổng lồ” Amazon đã ký hợp tác chiến lược với T&T với sự hỗ trợ của SHB.

Tuy nhiên, sau thông tin này, giá cổ phiếu SHB vẫn không nhúc nhích. Hay nói cách khác, nhà đầu tư vẫn chưa thể hiện rõ thái độ đối với sự khởi đầu này của phía bầu Hiển .

Bắt tay với “người khổng lồ” Amazon, cổ phiếu của đại gia ngân hàng vẫn không nhúc nhích - 1
Bầu Hiển

Thương vụ khủng cuối năm của đại gia Trịnh Văn Quyết

Phiên giao dịch 4/12, cổ phiếu ROS của FLC Faros gây chú với thanh khoản cao vọt so với mặt bằng chung. Mã này được khớp lệnh với khối lượng lên tới 33,54 triệu cổ phiếu và tổng khối lượng giao dịch đạt 43,14 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, diễn biến giá lại đi ngược thị trường, để mất 300 đồng/cổ phiếu tương ứng giảm 1,22% còn 24.200 đồng/cổ phiếu.

Giá ROS đang phản ứng tiêu cực sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) có thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ công ty đại chúng, trong đó cho hay, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros đã đăng ký bán tiếp 21 triệu cổ phiếu ROS của doanh nghiệp này.

Nếu giao dịch này thành công, sở hữu của ông Quyết tại FLC Faros sẽ giảm xuống còn hơn 291,2 triệu đơn vị, ứng với tỉ lệ 51,3%.

Tạm tính theo mức giá đóng cửa phiên 4/12 của ROS, dự tính ông Trịnh Văn Quyết có thể thu về 508,2 tỷ đồng “tiền tươi” từ hoạt động bán cổ phiếu.

Ông chủ Masan mất hàng nghìn tỷ đồng

Cổ phiếu MSN của Masan Group ngày 3/12 bất ngờ bị bán mạnh cuối phiên, giảm sàn tới 4.800 đồng mỗi cổ phiếu xuống 64.200 đồng.

Một yếu tố khiến giá cổ phiếu MSN sụt mạnh do áp lực bán từ khối nhà đầu tư ngoại. Trong khi mua vào 158,51 nghìn cổ phiếu MSN thì khối này bán ra tới 1,38 triệu đơn vị và ghi nhận bán ròng 1,22 triệu cổ phiếu MSN.

Bắt tay với “người khổng lồ” Amazon, cổ phiếu của đại gia ngân hàng vẫn không nhúc nhích - 2

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (trái) 

Dữ liệu thống kê cuối phiên cho thấy, phiên giảm sàn đã khiến vốn hoá thị trường của Masan Group bị “bốc hơi” 5.611 tỷ đồng xuống còn hơn 75.046 tỷ đồng.

Hiện tại, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu (cả trực tiếp và gián tiếp) gần 252,2 triệu cổ phiếu MSN, theo đó, tài sản của “ông chủ” Masan Group bị sụt giảm khoảng 1.210 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản cổ phiếu của ông Quang hiện khoảng 16.405 tỷ đồng.

“Trùm địa ốc” Novaland biệt đãi tướng

Cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) sáng 6/12 có lúc tăng lên hơn 57.000 đồng sau đó giảm xuống 56.400 đồng rồi đứng giá 56.500 đồng.

Trong một diễn biến mới đây, doanh nghiệp của ông trùm địa ốc Bùi Thành Nhơn đã thông báo phân phối hơn 18,6 triệu cổ phiếu tương ứng 2% số cổ phần đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động công ty (ESOP).

Với giá cổ phiếu ESOP phát hành là 10.000 đồng (tức chưa bằng 1/5 giá giao dịch của NVL trên thị trường hiện tại), Novaland dự kiến thu về khoảng 186 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Novaland tăng lên gần 9.560 tỷ đồng.

Ông chủ Seven.AM lên tiếng giải thích 2 điểm “khó hiểu”

Ông Đặng Quốc Anh , Giám đốc Công ty MHA cho biết, do thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự nên từ tháng 2/2018, ông Nguyễn Vũ Hải Anh không còn là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần MHA và thương hiệu Seven.AM.

Từ 15/12/2018, tức là cách đây gần 1 năm, ông Hải Anh đã không còn là cổ đông của công ty nên hiện nay, ông Hải Anh không phải là đại diện phát ngôn của Công ty Cổ phần MHA và thương hiệu Seven.AM”, ông Đặng Quốc Anh nói.

Bắt tay với “người khổng lồ” Amazon, cổ phiếu của đại gia ngân hàng vẫn không nhúc nhích - 3

Ông chủ Seven.AM lên tiếng giải thích 2 điểm “khó hiểu”

“Trong lúc hoảng hốt, rối loạn khi có mấy chục phóng viên báo chí hỏi về sự việc, ông cũng đã trả lời lại đúng theo nội dung thông tin của bên cung ứng”, ông Đặng Quốc Anh khẳng định: Đó chỉ là ý kiến cá nhân của ông Hải Anh, không đại diện cho Công ty Cổ phần MHA và thương hiệu Seven.AM.

Liên quan đến thông tin“Seven.AM chỉ mở rất ít tờ khai hải quan nhập khẩu trong khi lượng hàng lớn”, ông Đặng Quốc Anh phản hồi: Phần lớn sản phẩm Seven.AM được sản xuất trong nước. 9.035 sản phẩm mà cơ quan Quản lý thị trường niêm phong đã được chúng tôi xuất trình giấy tờ và hoá đơn đầy đủ.

“Công ty chỉ nhập khẩu một số lượng nhỏ phụ kiện (sản phẩm phụ kiện như túi, ví… nhập khẩu từ Trung Quốc) để bán kèm. Dòng hàng này số lượng rất ít lại bán chậm, do vậy Công ty chỉ mở ít tờ khai hải quan nhập khẩu”, ông Đặng Quốc Anh nói.

Đại gia ô tô Trần Bá Dương mạnh tay đầu tư vào công ty bầu Đức

Theo thông báo vừa được Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) công bố, doanh nghiệp của tỷ phú USD Trần Bá Dương đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông Nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Thông báo này nêu rõ, mục đích mua thêm cổ phiếu HNG của Thaco là đầu tư tài chính.

Đại gia Dương Ngọc Minh tính “ra tay” thương vụ cuối năm

Diễn biến cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Thuỷ sản Hùng Vương đã có chuyển biến tích cực hơn vào cuối phiên chiều 6/12. Mã này tăng nhẹ 0,12% lên 8.700 đồng và đạt được mức tăng hơn 56% trong vòng 1 tháng giao dịch. Trước đó, mã này đã đạt đỉnh 8.770 đồng trong ngày 4/12 trước khi để mất 0,91% phiên 5/12.

Một thông tin gây chú ý đối với cổ phiếu HVG của đại gia Dương Ngọc Minh thời gian này đó là kế hoạch bán cổ phiếu quỹ. Tập đoàn này dự kiến đưa toàn bộ 5 triệu cổ phiếu quỹ ra bán nhằm tăng lượng cổ phiếu lưu hành, bổ sung nguồn vốn kinh doanh của công ty.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm