Bắt taxi ngày cận Tết: Vẫy “mỏi tay” chẳng xe nào dừng!
(Dân trí) - Những ngày cận Tết, gọi taxi thực sự trở thành “nỗi sợ” của nhiều người, khiến không ít thượng đế phải "dở khóc dở cười” khi rơi vào cảnh: chờ hàng tiếng đồng hồ không có xe đón, ra tận đường vẫy mà không có xe nào chịu dừng...
Trong những ngày cuối năm, nhu cầu di chuyển của người dân Thủ đô tăng mạnh khiến mọi nẻo đường đều trở lên đông đúc, tắc nghẽn. Thêm vào đó, thời tiết lạnh với nền nhiệt có ngày xuống dưới 10 độ C kèm mưa phùn khiến nhu cầu sử dụng taxi càng tăng cao.
Tuy nhiên, không đơn giản như ngày thường, gọi taxi ngày cận Tết thực sự trở thành “nỗi sợ” của nhiều người, khiến không ít thượng đế "dở khóc dở cười”.
Vẫy “mỏi cánh"
Sau cuộc họp giao ban tại cơ quan chiều cuối tuần, chị Phạm Ngọc Linh - nhân viên văn phòng tại một công ty có trụ sở trên đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) mất gần 2 tiếng đồng hồ mà không gọi được taxi để về nhà. Chị đã thử gọi tới 10 hãng taxi quen, thậm chí ra hẳn đường đứng vẫy nhưng vẫn không có chiếc taxi nào chịu dừng lại đón.
“Khổ thật, vẫy taxi “mỏi cánh” mà chẳng xe nào đỗ lại. Có xe đỗ hỏi đi đâu thì bảo về nhà cách 3km họ liền từ chối. Mà cũng không phải một mình mình, riêng chỗ tôi đứng có khoảng 5 tốp chung cảnh ngộ. Trời mưa lạnh lại muộn nên cuối cùng tôi đành phải gọi người nhà ra đón”, chị Linh than thở.
Chung cảnh ngộ, chị Phương Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay: “Tầm này gọi taxi cũng khó, sáng nay đi làm, tôi phải gọi gần chục số mới có 1 cái để đi. Hôm qua đứng bắt ở Lò Đúc thì gần 1 tiếng đồng hồ không được. Gọi thì tổng đài báo hết xe, có chỗ tổng đài báo xe đang đến mà càng đợi càng “mất hút”. Ra hẳn ngoài đường vẫy thì xe nào cũng có người hoặc vội vã như đang đi đón khách”.
Theo anh Nguyễn Đình Long - lái xe của một hãng xe taxi tại Hà Nội: “Những ngày này nhiều người tranh thủ đi mua sắm Tết, gặp gỡ đối tác, bạn bè hoặc về quê nên taxi cũng trở lên “đắt hàng” hơn. Do mưa lạnh nên nhiều người cũng lựa chọn phương án sử dụng taxi để đi làm và cho con cái đi học”.
Anh Long cũng cho biết, ngày thường, một ngày anh chỉ chạy chưa tới chục chuyến thì trong những ngày này, thời gian chở khách phải tăng gấp 2, gấp 3 lần. “Lúc nào trên xe cũng có khách, cứ người này mở cửa xuống thì lại có người khác lên thế chỗ”, anh nói.
"Thừa nước đục thả câu"?
Tranh thủ thời điểm này, cánh lái xe taxi “chặt chém” người tiêu dùng. Anh Đỗ Văn Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, do ăn tiệc với khách uống hơi quá chén nên anh đành phải gọi một chiếc taxi để về nhà. Tuy nhiên, với quãng đường hàng ngày đi chỉ mất khoảng 60 nghìn đồng thì lái xe đòi trả 100 nghìn đồng bởi lý do tắc đường khó di chuyển.
Nhiều người, do phải chờ đợi taxi quá lâu, lại vội vì có lịch hẹn từ trước nhưng đành chấp nhận gọi “xe dù” dù biết sẽ mất thêm tiền.
“Ngồi một chỗ đợi taxi hãng tới đón thì nóng ruột, hàng tiếng đồng hồ gọi không được nên tôi đành ra đường gọi tạm một chiếc bất kỳ. Biết là mất gấp đôi so với thường ngày nhưng thà như vậy còn hơn phải chờ đợi, vừa bực bội lại vừa muộn hẹn”, chị Trần Mai Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) nói.
Đối với các ứng dụng gọi taxi vốn được nhiều người dùng “chuộng” như Uber, Grab cũng liên tục bị phàn nàn vì mức cước “đội” lên quá cao hoặc liên tục xin lỗi vì không xe. Do giá tính cước bao gồm cả thời gian di chuyển và cả nhu cầu của khách hàng nên có thời điểm giá cước Uber nhân hệ số lên tới 5 lần so với khi áp các điều kiện thông thường.
Mới đây, trên instgram của ca sĩ Tóc Tiên có đăng tải bức ảnh cho biết, cô di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội ra sân bay Nội Bài mà phải chịu mức cước lên tới gần 800 nghìn đồng, gấp gần 4 lần so với cước taxi truyền thống. Ca sĩ Tóc Tiên ví von đây là “chuyến đi mắc nhất trong lịch sử di chuyển”.
Chung cảnh ngộ, chị Đinh Thị Thu Hương (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho hay: “Sáng ra, mưa lạnh mở Uber gọi xe đi làm, nhìn giá cước bị dội lên tới x 4,8 lần trong khi bình thường đi chỉ mất khoảng 50 nghìn đồng. Tới công ty, tôi đọc báo thấy khu vực nội thành còn bị x 5,1 lần cơ. Tăng như vậy thì kinh khủng quá”.
Phương Dung