Thu hồi loạt dự án ôm đất vàng rồi bỏ hoang: Nhiều chủ đầu tư không hợp tác

(Dân trí) - Theo UBND TP. Hà Nội, phần lớn các đối tượng sử dụng đất bị thu hồi không hợp tác với các cơ quan chức năng, đơn vị được giao đất trong công tác kê khai kiểm đếm, đo vẽ hiện trạng, không phối hợp cung cấp tài liệu hồ sơ, không bàn giao đất và nhà xưởng.


Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm rồi bỏ hoang.

Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm rồi bỏ hoang.

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP tại Báo cáo kết quả giám sát và Thông báo kết luận của Thường trực HĐND Thành phố về phiên giải trình tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Trong báo cáo này, lãnh đạo Thành phố đã nêu ra một loạt những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các quyết định thu hồi đất vi phạm.

Cụ thể, theo quy định của Luật đất đai 2003, đối với các trường hợp thu hồi đất vi phạm được bồi thường về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi. Tuy nhiên theo Luật đất đai 2013, các trường hợp này thì không bồi thường về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, không được tái định cư nên công tác thu hồi đất vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đó, phần lớn các đối tượng sử dụng đất bị thu hồi không hợp tác với các cơ quan chức năng, đơn vị được giao đất trong công tác kê khai kiểm đếm, đo vẽ hiện trạng, không phối hợp cung cấp tài liệu hồ sơ, không bàn giao đất và nhà xưởng.

Bên cạnh đó, một số UBND cấp huyện chậm ban hành quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quyết định thành lập tổ công tác làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với các tài sản, công trình trên đất bị thu hồi.

Việc xác định chủ sử dụng tài sản trên đất vi phạm gặp nhiều khó khăn do các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng buông lỏng quản lý, bị các tổ chức cá nhân khác lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trên đất thuê, cho thuê, góp vốn hợp tác đầu tư trái quy định; cho các hộ giai đình, cá nhân sử dụng cơ sở nhà đất để ở. Khi Thành phố thu hồi đất vi phạm, các tổ chức cá nhân đó không bàn giao mặt bằng và còn đề nghị được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, tổ chức sử dụng đất vi phạm cũng yêu cầu bồi thường, hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản đã đầu tư vào đất khi Thành phố thu hồi theo quy định (thường khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính).

Khẩn trương thu hồi đất ngoài thực địa với 18 dự án

Trong thời gian tới, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai các đoàn liên ngành để tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với từng dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật để kết luận chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng; tiếp tục kiểm tra rà soát và hoàn thiện hồ sơ thu hồi các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, có vi phạm theo quy định.

Đối với 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở ngành, UBND quận huyện, thị xã liên quan tiến hành phân loại các dự án, xác định cụ thể dự án phải thanh tra, kiểm tra.

Đối với 88 dự án chậm triển khai chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP tại kế hoạch số 173. Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ tiếp tục tăng cường công tác giám sát đầu tư, rà soát các dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành các thủ tục để đề xuất xử lý thu hồi dự án theo quy định.

UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc UBND các quận huyện khẩn trương thu hồi đất ngoài thực địa với 18 dự án, báo cáo kết quả trước 7/2019.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã chính thức công bố danh mục 16 dự án đã thực hiện chấm dứt hoạt động do dừng triển khai, chậm triển khai như: Dự án Xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng do Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng tòa nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê tại 53E phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV sổ số Thủ đô làm chủ đầu tư;

Dự án Xây dựng Bệnh viện đa khoa Quang Trung tại Khu đồng Đế Mơ, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, Hoàng Mai do Công ty CP bệnh viện đa khoa Quang Trung làm chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị Monaco Garden - phần ô CC1, CC3, N4 tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai do Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại hệ thống Quốc tế Nettra làm chủ đầu tư...

Trong danh sách mới đây của Hà Nội tiếp tục hé lộ nhiều dự án đã có quyết định thu hồi đất. Trong đó, nhiều dự án là khu đô thị như Dự án khu đô thị mới Vinalines (Công ty CP bất động sản Vinaline – Vĩnh Phúc); Dự án khu đô thị mới Việt Á (Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á) và khu đô thị mới BMC Thăng Long (Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại – Bộ Công Thương); Dự án khu đô thị mới Prime Group (Công ty CP Prime Group)…

Nguyễn Khánh

Thu hồi loạt dự án ôm đất vàng rồi bỏ hoang: Nhiều chủ đầu tư không hợp tác - 2