Bất ngờ: "Thường dân" Pháp chiếm đa số trong hồ sơ Panama

(Dân trí) - Trong khi hầu hết mọi sự chú ý đều dồn vào các nhân vật VIPs và các chính khách trong vụ rò rỉ tài liệu mật tại một công ty luật của Panama thì phần lớn những người đang có hành vi che giấu tài sản, gian lận thuế và rửa tiền hóa ra lại là những “thường dân”.


Một góc phố buôn bán tại Pháp. Những thường dân cũng bất ngờ nằm trong hồ sơ Panama. Ảnh: Fineartamerica

Một góc phố buôn bán tại Pháp. Những thường dân cũng bất ngờ nằm trong hồ sơ Panama. Ảnh: Fineartamerica

Khoảng 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của công luật Mossack Fonseca - nơi chuyên cung cấp ngầm các dịch vụ rửa tiền, trốn thuế tại Panama xuất hiện tên của các nguyên thủ quốc gia, các tỷ phú, những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thể thao và showbiz.

Tuy nhiên, những tài liệu này còn tiết lộ rằng phần lớn những cái tên trong danh sách này hoàn toàn xa lạ đối với mọi người. Họ là những “thường dân” trốn thuế. Trong khi các tập tin của hồ sơ Panama mà tờ Le Monde tham khảo được không hoàn toàn chỉ ra cụ thể số tiền đã được chuyển cho các “công ty vỏ bọc” được đặt ở nước ngoài, một số lượng lớn các email liên lạc, các văn bản công ty chính thức và bản photo hộ chiếu đã vẽ lên bức chân dung chi tiết về những khách hàng thường xuyên của công ty Mossack Fonseca. Song những cái tên đã bị thay đổi.

Trong số hàng ngàn công dân Pháp hoặc thậm chí nhiều hơn xuất hiện trong hồ sơ Panama, có tới 95% là “thường dân” – những người mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được có liên đới trong việc trốn thuế và các khoản đầu tư tài chính ở nước ngoài.

Tay cờ bạc, người bán thịt và ca sỹ opera có tên trong hồ sơ Panama

Họ không phải là những người giàu cũng không cần thiết phải làm quen với các hoạt động bên trong của ngành ngân hàng lại càng không quyết tâm để gian lận.

Nhìn tổng thể, hồ sơ Panama vẽ một bức tranh khá phù hợp với những điều tra của Pháp trước đó về hành vi trốn thuế: Có nhiều người tham gia từ trong hoặc xung quanh Paris, miền Nam nước Pháp và dọc theo biên giới của nước này với Thụy Sĩ. Nghề nghiệp của họ có thể là các CEO, lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư, bác sĩ – phần lớn trùng với những người được thấy trong các báo cáo trước đây về khách hàng từ ngân hàng HSBC hay UBS.

Tuy nhiên, trong số những công dân Pháp – ngoài những người thành lập các doanh nghiệp ở nước ngoài thì trong hồ sơ này cũng có một số có nghề nghiệp ít liên quan tới các vụ bê bối thuế như người chăn ngựa, tay cờ bạc, người bán thịt, ca sĩ opera ... thậm chí là một người trồng dưa đỏ. Ngoài ra còn có các công chức.

Một số người mới chỉ bước vào tuổi trưởng thành, những người vẫn còn say sưa chụp ảnh với bạn bè và đăng trên mạng xã hội. Một số khác mới tốt nghiệp tú tài. Đây là những đứa trẻ mà cha mẹ chúng muốn cho chúng một phần thừa kế của mình.

Sợ thuế thừa kế và biệt xứ

Đa số những người có công ty ở nước ngoài đang cố gắng né tránh thuế thừa kế, cho dù cho chính mình hoặc cho con cái của họ. Đôi khi điều đó là hoàn toàn hợp pháp: Pierre M., một người về hưu sống ở Mauritius, chỉ định con trai ông đang sống tại Pháp được thừa hưởng gia tài của mình. "Nếu con tôi sống ở Mauritius, nó sẽ không phải trả bất kỳ khoản thuế thừa kế nào. Nếu nó ở Pháp và không muốn trả bất kỳ khoản thuế, nó chỉ có cách từ chối trở thành người thừa kế", Pierre cho biết.

Những tài sản gia đình đôi lúc lại là mối lo hơn là hạnh phúc, đặc biệt khi quyết định này liên quan tới nhiều người. Camille D., một công chức thừa nhận rằng ban đầu cô đồng ý với kế hoạch của các chị em mình để chuyển khoản tiền này ra nước ngoài. Tuy nhiên, cô đã không làm vì muốn có sự bình yên trong tâm hồn và tuân theo luật pháp. Quyết định này đã khiến cô mâu thuẫn với gia đình mình.

Tuy nhiên, vẫn có một số CEO thực sự muốn dựa vào các công ty nước ngoài để mở rộng hoạt động trên toàn cầu. Đó là trường hợp của Matthieu B. Ông muốn lập công ty của mình ở châu Á và cảm thấy rằng đó là điều quan trọng để có được chỗ đứng ở đó. Vì vậy, ông đã thành lập công ty tại quần đảo British Virgin qua chi nhánh của Mossack Fonseca tại Singapore.

“Tại thời điểm đó, tôi có kế hoạch tự mình vận động. Có một công ty giúp bạn đẩy nhanh giai đoạn thiết lập, đó không phải là phi pháp. Tôi thậm chí còn nói rằng điều đó là cần thiết để đưa doanh nghiệp bạn tới châu Á một cách thành công”, Matthieu B cho biết.

Hồ sơ Panama, những tài liệu của công ty Mossack Fonseca không cho biết bất cứ điều gì về tài sản của khách hàng. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo của chúng tôi, tổng tài sản có thể lên tới hàng trăm triệu euro. Mức phí chung để mở một công ty ở nước ngoài dạng này là khoảng 50.000 USD.

Hoa Vũ
Theo Le Monde

Bất ngờ: "Thường dân" Pháp chiếm đa số trong hồ sơ Panama - 2