Tổng Giám đốc Hiệp hội các Nhà nhập khẩu Hoa Kỳ (AIA):

“Bật mí”… bí quyết bán hàng sang Mỹ

Phong thái đầy tự tin, cách biểu đạt bằng những hình ảnh hóm hỉnh, ông “trùm” các nhà doanh nghiệp Mỹ Philip W.Byrd chẳng giấu giếm, trái lại còn “bật mí” khá nhiều “chiêu” bán hàng vào Mỹ rất hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, qua cuộc trao đổi với báo chí.

Mỹ là một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Thế nhưng, với các doanh nghiệp Việt Nam, bán hàng vào Mỹ sao khó khăn quá vậy?

 

Tôi muốn so sánh Việt Nam với Trung Quốc. Bởi Việt Nam đã vào WTO, trong tương lai, Trung Quốc sẽ là đối thủ đáng gờm với Việt Nam trong việc bán hàng vào Mỹ. Hàng Trung Quốc rất rẻ, nên bán rất mạnh vào thị trường Mỹ.

 

Sang Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng không thua kém Trung Quốc, nhưng tại sao khó chen chân vào Mỹ? Vấn đề tôi muốn các bạn quan tâm là cách thức bán hàng.

 

Thí dụ: Việt Nam có đồ gỗ rất tốt, nhưng nhược điểm là nặng nề quá. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng vào Mỹ, không thể bán hàng theo lối cổ truyền lâu nay như: Gửi tờ rơi, catalog quảng cáo từ xa…, rồi thôi. Người Mỹ không quen giao dịch như vậy. Các bạn phải qua tận nơi giới thiệu hàng cho chúng tôi, thậm chí, mang cả hàng qua Mỹ. Phải kiên nhẫn thì các bạn sẽ thành công.

 

Thị trường Mỹ tiêu thụ rất mạnh, rất đa dạng các loại hàng hoá; nhưng làm sao biết được cá tính tiêu dùng của người Mỹ, để qua đó, doanh nghiệp bán hàng vào Mỹ?

 

Nhưng khi viết thư chào hàng, các bạn nên nhớ, làm sao tóm gọn nội dung giới thiệu doanh nghiệp và mặt hàng trong lá thư ấy để một doanh nghiệp Mỹ đọc trong 7 giây 97% số thư gửi đến bị quăng vào sọt rác, nên bạn phải làm sao để thư chào hàng gửi tới chúng tôi nằm trong số 3% còn lại.

Người Mỹ đã tiêu tiền đúng thời điểm, thì tiêu rất mạnh tay. Muốn bán hàng vào Mỹ, các bạn phải biết chúng tôi là ai? Người Trung Quốc làm được điều này. Thí dụ: Ở Mỹ, khi người ta mua nhà, nghĩa là người đó sẽ đồng loạt thay tất tật các loại đồ dùng vải vóc trong căn nhà đó như: Rèm cửa, khăn phủ giường, nệm, gối, thảm trải nhà…

 

Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không nắm bắt điều này và bán mạnh các mặt hàng vải vào Mỹ? Tương tự, chúng tôi có rất nhiều ngày tặng quà cho nhau. Người Mỹ có thói quen tặng quà quanh năm. Quan trọng là quà các bạn bán qua phải chú ý từ chi tiết nhỏ như hộp đựng quà tặng.

 

Bởi chúng tôi rất bận rộn, mua quà tặng mà còn phải nặng đầu làm hộp, gói quà thì rắc rối lắm. Cho nên, các bạn có bán quà tặng sang Mỹ, nên kèm theo hộp đựng, rất đơn giản, tiện lợi. Bằng không, người Mỹ sẽ không mua hàng đâu.

 

Trong giao dịch mua bán, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ ưa chuộng lối giao dịch theo kiểu nào? Tiếp xúc trực tiếp? Qua điện thoại? Trao đổi bằng thư? Hay qua email?

 

Tiếp xúc trực tiếp thì còn gì bằng. Song thực tế, doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế bằng cách này. Các bạn nên gia tăng hơn nữa qua xúc tiến thương mại tại đất nước chúng tôi, tại các hội chợ thương mại. Đẩy mạnh tiếp thị tại các hội chợ sẽ rất hiệu quả. Nhưng tiếp thị xong, đừng hy vọng doanh nghiệp Mỹ sẽ mua hàng. Còn phải có thời gian tìm hiểu, thuyết phục nữa.

 

Tới đây, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải trao đổi thư từ với chúng tôi. Các nhà doanh nghiệp Mỹ có thói quen đọc thư, thư gồm 4 đoạn, họ chỉ đọc đoạn đầu và… đoạn cuối. Đoạn đầu xem các bạn là ai? Giới thiệu mặt hàng gì? Đoạn cuối xem địa chỉ liên lạc của bạn ở đâu. Xong.

 

Vì vậy, khi giao dịch với chúng tôi, các bạn nên chú ý điều này. Đừng quá ca ngợi mình, mà hãy nêu trực tiếp là giao dịch với các bạn, chúng tôi được lợi ích gì? Trong đoạn cuối, nhất thiết phải có địa chỉ trang web Cty, để ngay lập tức, chúng tôi quay sang máy vi tính lên mạng tìm hiểu Cty, sản phẩm của bạn… Chúng tôi tối kỵ giao dịch qua fax, hay giới thiệu hàng bằng những tập quảng cáo dày cộp. Tốn kém thời gian, lãng phí tiền bạc. Hãy qua email là tiện nhất. Nhưng địa chỉ email phải là địa chỉ email nghiêm túc.

 

Chúng tôi không bao giờ giao dịch thương mại với một doanh nghiệp bằng địa chỉ email miễn phí như: Yahoo, gmail, hotmail… Hãy chăm chút thật kỹ lưỡng trên mỗi lá thư khi giao dịch với chúng tôi. Vì đó là bộ mặt Cty của các bạn.

 

Xin cám ơn ông!

 

Theo C.N.Đông Anh

Báo Lao động