Bất lực nhìn giá sữa vì… tên gọi

Theo đại diện cục Quản lý giá bộ Tài chính, tình trạng loạn giá sữa là do các doanh nghiệp đã lách bằng cách không đăng ký là “sữa” mà thay vào đó là “sản phẩm dinh dưỡng bổ sung”.

Ngày 15/9, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá cho biết: từ đầu năm nay không hề thấy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa đăng ký giá bán sữa với cục Quản lý giá nữa.

 

Bất lực nhìn giá sữa vì… tên gọi
Theo đại diện cục Quản lý giá bộ Tài chính, tình trạng loạn giá sữa là do các doanh nghiệp đã lách bằng cách không đăng ký là “sữa” mà thay vào đó là “sản phẩm dinh dưỡng bổ sung”.

 

Sau khi cục yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo thì trong báo cáo tình hình sản xuất có hai cột: cột sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi và cột các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm khác. Cột sữa thì trắng tinh, còn lại đều nằm ở cột các sản phẩm dinh dưỡng. Họ phân chia thế là do sự sắp xếp lại tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm sữa. Nếu sản phẩm có hàm lượng độ đạm trên 34% thì được gọi là sữa, dưới 34% thì chỉ là sản phẩm dinh dưỡng. Chính vì thế, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển toàn bộ sản phẩm với tên gọi cũ là sữa đó sang sản phẩm dinh dưỡng. Và theo Luật giá mới được thông qua năm 2012 thì cơ quan quản lý giá không có quyền yêu cầu các doanh nghiệp này phải đăng ký giá bán. Cơ quan chức năng cũng không thực hiện bình ổn giá với mặt hàng này.

 

Tức là doanh nghiệp lách luật để tăng giá hay bản chất là sản phẩm không đủ độ đạm 34%?

 

Cái này thuộc thẩm quyền cơ quan khác, nhưng theo tôi, bản thân các sản phẩm này trước đây đã có hàm lượng độ đạm thấp hơn 34%.

 

Nhiều ý kiến đề xuất rằng, nên có phương pháp đối chiếu giá nguyên liệu nhập khẩu đối với các nước lân cận?

 

Đây là điều mong muốn của cơ quan quản lý từ lâu, nhưng không dễ làm. Muốn đối chiếu giá cũng phải có độ tương thích, vì mỗi quốc gia có một dòng sữa khác nhau, hàm lượng dinh dưỡng các dòng sữa cũng khác nhau, đặc biệt là thị hiếu khách hàng mỗi quốc gia cũng khác nhau. Cái nữa là mỗi quốc gia lại có cách tiếp cận, gọi sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, để khai thác các dữ liệu về chất lượng, giá, thuế tại các công ty mẹ là rất khó.

 

Nhưng thưa ông, các hãng sữa ngoại nhập mua 1 và bán gấp 5 – 6 thì liệu có vi phạm Luật giá?

 

Thông tin các hãng sữa mua 1 bán 6 này chưa chính xác. Số liệu tổng cục Hải quan cung cấp chưa đầy đủ, vì đó chỉ mới là giá CIF, chưa có thuế, chưa có các chi phí khác. Giá đó là giá khai với hải quan, còn từ hải quan tới kho, rồi tới tay khách hàng chưa được tính vào. Chẳng hạn: thuế nhập khẩu là 15%, thuế VAT là 10%, lãi vay... những chi phí này doanh nghiệp không thể tự bỏ ra, mà họ phải tính vào giá.

 

Nhưng đây là mặt hàng có tác động rất lớn nên dù “sữa” hay “sản phẩm dinh dưỡng” thì cũng nên được bình ổn?

 

Nếu sản phẩm dinh dưỡng này thực chất là sữa bột ngày xưa thì có hai việc cần phải tính. Một là tên gọi như thế đã đúng chưa? Hai là nếu tên gọi đúng rồi, thì cơ quan chức năng, đặc biệt là các đơn vị cấp giấy phép phải đánh giá rất kỹ lại và kết luận bản chất là sữa bột nhưng do sắp xếp lại nên đổi tên gọi. Nếu mặt hàng sản phẩm dinh dưỡng nào đang bị chi phối, áp đặt về giá thì các bộ ngành cứ kiến nghị với bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ phối hợp và cùng thống nhất đưa ra cách quản lý.

 

Như vậy, trước mắt vẫn chưa thể quản lý giá sữa – “thực phẩm dinh dưỡng”?

 

Đúng thế. Tóm lại, phải chuẩn hoá tên gọi thì bộ Tài chính mới có cách quản lý. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào bộ Y tế.

 

Sự vênh nhau, mã gọi khác nhau giữa các ngành đang gây khó cho người tiêu dùng.

 

Theo Chí Hiếu ghi

SGTT