Bất động sản VN vẫn “hút” mạnh các nhà đầu tư
Dù nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng lạm phát cao nhưng các chuyên gia và nhà đầu tư bất động sản (BĐS) quốc tế vẫn cho rằng hiện đang là thời cơ rất tốt để đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam.
Khái niệm "bong bóng" hay “vỡ thị trường”… hoàn toàn không phù hợp bởi nhu cầu về nhà ở hoặc các loại hình BĐS khác vẫn còn rất lớn, thậm chí bây giờ mới là thời điểm khởi động cho BĐS ở các đô thị Việt Nam… – một chuyên gia BĐS quốc tế lạc quan nhận định.
Theo Công ty quản lý và tiếp thị bất động sản CBRE Vietnam, thị trường văn phòng, trung tâm thương mại (TTTM), khách sạn và nhà ở cao cấp… tại các đô thị của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường, từ nay đến 2010 là rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển. “Điểm chính của thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là về văn phòng, TTTM, khách sạn và nhà ở cao cấp những năm tới là nhu cầu vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung vẫn hạn chế. Do vậy giá đất, giá cho thuê văn phòng, khách sạn và căn hộ ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa” – ông Marc Townsend, chuyên gia CBRE khẳng định.
Chính vì những lý do trên (bên cạnh việc cải cách và cởi mở trong chính sách kêu gọi đầu tư của Nhà nước) mà làn sóng đầu tư vào BĐS, đặc biệt là BĐS cao cấp ở VN vẫn sẽ tiếp tục không ngừng. Các loại hình BĐS cao cấp vẫn tiếp tục "sốt" cả về giá lẫn nhu cầu. Sự hấp dẫn này đang thu hút hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước vào cuộc với những dự án quy mô hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, năm 2008, dự kiến sẽ có khoảng 20 tỉ USD đổ vào thị trường bất động sản; tính hết quý I/2008, riêng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường này khoảng 4,6 tỉ USD, chiếm 89,9% trong tổng số 5,4 tỉ USD FDI.
Ở lĩnh vực BĐS du lịch, mới đây nhất là dự án xây dựng khu du lịch tại Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư gần 5 tỉ USD của Tập đoàn Oaktree (Hoa Kỳ). Oaktree dự kiến xây một quần thể du lịch bao gồm chuỗi khách sạn, khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, sân golf... Bên cạnh đó, còn hàng loạt các dự án lớn khác như: Dự án của Công ty TNHH Good Choice USA – Việt Nam của Tập đoàn Good Choice (Hoa Kỳ) đầu tư 1,299 tỉ USD xây dựng khách sạn 5 sao, tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn Magnum Investment Group sẽ đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao tại Hải Phòng... Trước đó, Công ty Cattigara One Limited của Singapore đã được cấp phép đầu tư 102 triệu USD để xây dựng khu nghỉ dưỡng tại Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế.
Ở các lĩnh vực khác, Tập đoàn Vinacapital cũng sẽ xây dựng khu phức hợp thương mại tại Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án Công ty TNHH Trung tâm Tài chính VN của Tập đoàn Beriaya Leisure (Malaysia) với vốn đầu tư 930 triệu USD... Bên cạnh đó là những “dự án triệu đô” của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản tại Hà Nội như: Hanoi Landmark Tower, Pride Tower, Crown Complex, The Landmark, Ciputra Mall, Gamuda Yen So, Hanoi Hotel Plaza, Hanoi Indochina Plaza…
Không thua kém các nhà đầu tư nước ngoài, các “đại gia” trong nước như Hoàng Anh Gia Lai, Bitexco, Địa ốc Sài Gòn, Hòa Bình… cũng tiếp tục chạy đua đầu tư nhiều dự án trọng điểm mới, sau thành công của những dự án đã làm…
Một lực lượng các nhà đầu tư khác cũng có những tiềm lực mạnh không kém, mà theo đánh giá của các chuyên gia, sẽ là một đối trọng lớn trong việc đầu tư BĐS tại Việt Nam đó là các nhà đầu tư người Việt ở nước ngoài đầu tư về nước mà chủ yếu là những nhà đầu tư đã thành danh ở Nga và các nước thuộc SNG. Ngoài gương mặt đã quá quen thuộc với thị trường BĐS Việt Nam là Vincom với hậu thuẫn là những người lãnh đạo Tập đoàn Technocom (một tập đoàn của người Việt tại Ucraina). Công ty này, sau thành công của Tòa nhà Vincom City Towers, đầu năm 2008, họ đã tiếp tục cho khởi công tòa tháp HH1 (gồm TTTM và nhà ở cao cấp) ngay cạnh Vincom City Towers với tổng diện tích sàn xây dựng 34,823m2, cao 25 tầng…
Cùng với Vincom là T&M Trans nổi danh với thương hiệu Mê Linh Plaza và Eurowindow cũng đang xúc tiến đầu tư mạnh mẽ vào BĐS, đặc biệt là BĐS du lịch; Mới đây họ đã công bố một dự án khu du lịch quốc tế lớn tại Vân Phong – Khánh Hòa với tổng vốn lên đến hơn 200 triệu USD…
Gương mặt mới nhất của những nhà đầu tư người Việt từ nước ngoài về là Sun Group (một tập đoàn cũng tại Ucraina). Hiện chỉ với một dự án cao ốc văn phòng – TTTM hạng B tại trung tâm Hà Nội (phố Hai Bà Trưng) là Sun City, cao 12 tầng, với khoảng hơn 7000 m2 sàn và có tổng vốn đầu tư khoảng 400.000 USD sẽ được khai trương vào cuối tháng 5 này… Sun Group là một tập đoàn khá mạnh tại Ucraina, có nhiều thành công trong việc đầu tư kinh doanh địa ốc, đặc biệt là các TTTM. Lê Viết Lam, Trần Minh Sơn… những ông chủ của Tập đoàn này trước đây cũng là thành viên lãnh đạo của Technocom nhưng hiện đã tách ra để “lập nghiệp” riêng. Trước những thành công của Technocom trong việc đầu tư vào lĩnh vực BĐS về Việt Nam; dường như Sun Group cũng không muốn chậm chân để tuột mất cơ hội tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này tại quê nhà. Chắc chắn, trong thời gian tới, giới BĐS tại Việt Nam sẽ được đón nhận nhiều thông tin dự án “đình đám” từ gương mặt mới này…
Nói về làn sóng đầu tư vào BĐS vẫn tấp nập ngay cả khi nền kinh tế Việt Nam gặp khó vì lạm phát và một số nguyên nhân khác, ông Richard Leech, Giám đốc CBRE Vietnam, cho rằng: Những khó khăn chỉ là nhất thời, còn nhà đầu tư BĐS cần có tầm nhìn xa hơn. Nền kinh tế hội nhập của Việt Nam chắc chắn vẫn phát triển lạc quan trong thời gian tới và thực tế nguồn cung BĐS hiện tại thực sự mới chỉ ở giai đoạn đầu, vì thế đầu tư vào BĐS tại Việt Nam vẫn là một cơ hội tốt. Những nguy cơ với thị trường BĐS nói chung và mảng đầu tư cao ốc, khách sạn cao cấp tại Việt Nam sẽ khó xảy ra… Xu hướng đầu tư đa cực, từ nhiều nguồn sẽ khiến thị trường BĐS Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn, đưa đến một tương lai chuyên nghiệp và minh bạch hơn.
Tuy nhiên “sự quá chênh lệch giữa cung và cầu như hiện nay sẽ kéo dài không quá năm 2010; khi đó, sẽ không có chuyện nhà đầu tư “làm thế nào cũng thắng”… Do đó, để có thể đứng vững trên thị trường BĐS Việt Nam, ngay từ bây giờ, các nhà đầu tư cần có một cách làm thực sự bài bản, bền vững và chuyên nghiệp…” – ông Richard Leech cảnh báo.
Theo L.H
Hà Nội Mới