1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bất động sản Việt vẫn là "cần câu cơm" của đại gia ngoại dù TPP trắc trở

(Dân trí) - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư ngoại trong quý I/2017 vẫn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, bất chấp nhiều tín hiệu kinh tế thế giới không mấy tốt đẹp. Trong khi đó, thị trường bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đang được xem là thời “ăn nên làm ra” ở nhiều phân khúc khác nhau.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hết quý I/2017, lĩnh vực BĐS thu hút được 41 dự án đầu tư trực tiếp và số lượt góp vốn mua cổ phần của các đại gia ngoại, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.

Bất động sản vẫn là kênh hút vốn mạnh các nhà đầu tư quốc tế
Bất động sản vẫn là kênh hút vốn mạnh các nhà đầu tư quốc tế

Số vốn ước tính đạt khoảng 343 triệu USD, trung bình 8,4 triệu USD (190 tỷ đồng)/mỗi dự án. Lũy kế đến hết ngày 20/3, lĩnh vực BĐS đang thu hút hơn 599 dự án FDI, số vốn hơn 52,5 tỷ USD, đứng thứ 2 trong 19 ngành và lĩnh vực đầu tư mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn vào Việt Nam, chỉ sau chế biến, chế tạo; vượt rất xa về số vốn so với các ngành như sản xuất phân phối điện, dịch vụ lưu trú, xây dựng, buôn bán ô tô, khai khoáng...

Về địa phương, theo cơ cấu phân khúc BĐS có sự khác biệt lớn. Hiện các nhà đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Anh hướng đến xây dựng các khu resort, nghỉ dưỡng ven biển hoặc các chung cư cao cấp, khu đô thị phức hợp tại các thành phố ven biển và hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM.

Trong khi đó, phân khúc nhà ở thương mại, biệt thự liền kề hiện vốn ngoại bình quân đã giảm gần 8%/mỗi năm. Điều này minh chứng cho thấy phân khúc này không còn thu hút được niềm tin nhà đầu tư và có tỷ suất lợi nhuận thấp, dịch vụ đi kèm (nghỉ dưỡng, lưu trú....) không đạt được kỳ vọng.

Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến sự ra đời, chào thuê của nhiều mặt bằng bán lẻ, cho thuê của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, đa số phân khúc mặt bằng cho thuê nằm ở hạng B và C (giá tiền thuê vừa phải).

Mới đây, Hãng tư vấn CBRE cho biết, dù nằm trong bối cảnh quốc tế bất lợi như TPP không được thông qua, khiến kỳ vọng mở rộng đầu tư của Mỹ và các nước vào Việt Nam trong tương lai giảm sút. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần tăng giá đồng USD khiến lãi suất vay của VND có nguy cơ tăng, gây bất lợi cho doanh nghiệp, người vay tiền mua BĐS. Tuy nhiên, lĩnh vực BĐS vẫn đang là ngành đầu tư ưa thích của đối tác ngoại và có tỷ suất lợi nhuận cao, nhanh nhất hiện nay.

Nhận định riêng về thị trường BĐS Hà Nội, CBRE cho biết quý I/2017, 3 tháng qua đã có khoảng 35 dự án nhà ở thương mại mở bán với gần 9.400 căn hộ được đưa ra thị trường. Mức giá thị trường căn hộ trung cấp đã giảm nhẹ 1,4% theo quý và 0,5% theo năm. Trong khi đó, biệt thự liền kề khá sôi động, trong quý có khoảng hơn 700 căn biệt thự, 300 liền kề và 200 nhà phố được mở bán ra thị trường. Đặc biệt, về thị trường văn phòng cho thuê, hết quý I/2017 Hà Nội được bổ sung thêm 1,2 triệu m2, trong đó phân khúc hạng B (giá trung bình) chiếm hơn 66%.

Điều đáng nói là thị trường văn phòng cho thuê tại cả Hà Nội và TP.HCM ngay từ đầu năm 2017 đã có sự tăng mạnh mẽ. Theo dữ liệu báo cáo Phân bổ lợi suất văn phòng thế giới vừa được Savills công bố: Hà Nội đang dẫn đầu mới mức lợi suất là 8,75%, theo sau là thành phố Hồ Chí Minh với 8,5% lợi suất. Đài Bắc xếp cuối bảng với mức lợi suất văn phòng thấp nhất, gần 2%, sát đó là Hồng Kông với 2,5%.

Đây là kết quả dựa trên dữ liệu từ tất cả 54 thành phố trên khắp châu Á, châu Âu, Mỹ và Úc. Điều đáng mừng là lợi suất cho thuê văn phòng Hà Nội tăng mạnh trong bối cảnh lợi suất thuê văn phòng toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt khi các nhà đầu tư tìm kiếm môi trường đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế và chính trị bất ổn.

Hiện, mức giảm trung bình của lợi suất trên 11 thành phố cửa ngõ là 95 điểm. San Francisco (Mỹ) chứng kiến mức giảm đáng kể (32%) từ gần 7% xuống 4,64%. Sydney (Úc) dẫn đầu với mức lợi suất hấp dẫn nhất, 5,37%.

Theo Savills, việc gia tăng tỷ suất lợi nhuận cho thuê văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng FDI và BĐS là lĩnh vực nhận được nhiều kỳ vọng về đầu tư và sinh lời. Xu hướng chuyển vốn FDI về các nước phát triển dựa trên chính sách "hồi hương" của chính phủ Mỹ không hoặc chưa thể ảnh hưởng tới Việt Nam.

Nguyễn Tuyền