“Bất động sản phân khúc bình dân đang ấm dần”

(Dân trí) - Đây là khẳng định trong báo cáo kết quả thực hiện lời hứa sau lần đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa gửi tới đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2012), sau hơn 1 năm ở cương vị người đứng đầu ngành xây dựng. Nửa năm qua, ông Dũng báo cáo, đã tập trung điều hành để giải quyết tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu, có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp.
 
“Bất động sản phân khúc bình dân đang ấm dần”
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng là khách mời tham dự phiên thảo luận về kinh tế xã hội trong kỳ họp này (ảnh: Việt Hưng).

Cụ thể, trước tình trạng “đóng băng” những tháng cuối năm 2012, Bộ Xây dựng đã tích cực chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 2196 về kiểm tra tình hình thực hiện các dự án BĐS tại 11 tỉnh thành trọng điểm. Trong tháng 12, Bộ đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ về mức độ cũng như chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường.

Từ đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định: “Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải khắc phục được sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người mua”.

Theo kết quả rà soát, hiện tổng số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên phạm vi cả nước lên tới hơn 3.700 dự án. Tổng diện tích đất là trên 90.00 ha với 33.400 ha diện tích đất xây nhà ở. Trong đó, chỉ 2.300ha dành để xây dựng nhà ở xã hội với xấp xỉ 2.800 căn hộ, tương đương 410.00 m2 sàn (Hà Nội 82.000m2, TPHCM 79.000 m2). Tổng mức đầu tư ước tính 3,5 triệu tỷ đồng.

Quan điểm tháo gỡ khó khăn đưa ra sau đó là gắn nhiệm vụ này với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ này, trong đó có vấn đề điều chỉnh cơ cấu dự án BĐS; giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; ưu đãi, giảm thuế…

Những việc cụ thể đã làm được Bộ trưởng Xây dựng liệt kê như ban hành Thông tư 02 đầu tháng 3/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ.

Bộ cũng “điều đình” được với NHNN để cho ra quy định về đối tượng, điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội và  nhà ở thương mại có diện tích sàn nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đồng thời, chủ đầu tư cũng được vay tiền để triển khai các dự án nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi nhà thương mại sang làm nhà ở xã hội.

Giá nhà giảm 50%

Việc triển khai thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, Bộ đã xác định, đề xuất chính sách hướng vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của 8 đối tượng cần được hỗ trợ. Theo kết quả rà soát, từ nay đến 2015, trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1,74 triệu người có khó khăn về nhà ở và 1,71 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở.

Điểm qua tình hình ở các thành phố lớn nhất cả nước, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Hà Nội đang cần 111.000 căn hộ, TPHCM cần 134.000 căn, Đà Nẵng cần 16.000 căn, Đồng Nai cần 95.000 căn, Bình Dương cần 100.000 căn hộ kiểu này.

Chỉ riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ, công chức 25 bộ, ngành tại khu vực Hà Nội đã cần khoảng 30.000 căn hộ. Trong đó, Hà Nội đưa ra chỉ tiêu đến 2015 phấn đấu xây dựng tối thiểu 4,7 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 100.000 căn hộ. TPHCM cũng cần ít nhất 2,7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 67.000 căn hộ.

“Trên cơ sở đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng” - báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng nêu rõ.

Về việc hỗ trợ DN thực hiện tái cơ cấu, chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tập trung phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khái quát, Bộ đang chỉ đạo các DNNN thuộc Bộ thực hiện việc này. Tính đến nay, đã có 56 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô 33.000 căn. Trong đó, Hà Nội có 27 dự án với 14.900 căn hộ. UBND thành phố đã thống nhất chủ trương đối với 4 dự án nhà thương mại. Các dự án khác đang được thẩm tra. TPHCM có 23 dự án với quy mô 14.500 căn hộ.

Đánh giá chung tình hình thực hiện mục tiêu phá băng, giải cứu BĐS, người đứng đầu ngành Xây dựng khẳng định hướng tiến triển thuận lợi. Nhiều DN BĐS đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện nội để giảm giá thành, bán hạ giá nhà để cắt lỗ, hỗ trợ người mua nhà bằng nhiều hình thức…

“Thị trường BĐS đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Giá nhà đã giảm nhiều so với giai đoạn sốt giá 2008-2010, nhiều dự án giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP. HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên” – ông Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng cũng giải thích thêm, thị trường BĐS rộng lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều loại thị trường khác nên để tháo gỡ khó khăn cần sự quyết tâm và nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các ngành các cấp các địa phương. Chính sách điều tiết thị trường cũng cần có thời gian để có thể đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
 

Về nhiệm vụ quản lý chất lượng công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, Bộ trưởng Xây dựng nêu bất cập vừa qua, do quá coi trọng yếu tố thị trường, không phân biệt nguồn vốn công – tư với mỗi dự án để có biện pháp quản lý phù hợp nên đã giao quá nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư, làm mờ nhạt vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Đây là một nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Bộ trưởng Xây dựng khẳng định “lỗi” này sẽ được khắc phục trong Luật Xây dựng sửa đổi Bộ này đang soạn thảo.

Vấn đề chất lượng công trình thủy điện, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thông qua Hội đồng nghiệm thu quốc gia. Các công trình có tầm quan trọng quốc gia, mức độ ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng như thủy điện Sơn La đã thuê tư vấn độc lập quốc tế đánh giá chất lượng trước khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Diễn biến phức tạp của động đất và sự cố thấm nước thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Xây dựng đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, chỉ đạo khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn công trình và cuộc sống người dân, chỉ đạo thuê tư vấn Thụy Sĩ đánh giá chất lượng an toàn đập và tư vấn Nhật Bản đánh giá toàn diện tình hình động đất trước khi xem xét việc cho phép tích nước trở lại.

 P.Thảo