Bất động sản "ngại" tiêu chuẩn xanh vì sợ... tăng chi phí
(Dân trí) - Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại công trình xanh có chi phí đầu tư ban đầu tăng vọt. Nếu chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, nhìn ngắn hạn sẽ đẩy chi phí cho khách hàng.
Lạm dụng... "khái niệm xanh"
Tại hội thảo chuyên ngành với chủ đề “Phát triển công trình xanh trong bối cảnh biển đổi khí hậu ở Việt Nam”, diễn ra ngày 9/9, tại TPHCM, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, khái niệm "công trình Xanh" tại Việt Nam đang bị hiểu sai, lạm dụng không đúng cách.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu chiếm tới 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên gây ra.
Hành động của chúng ta sẽ góp phần quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước phải tiên phong trong việc phát triển công trình xanh. Các công trình nhà nước phải gương mẫu để đi theo hướng công trình xanh, còn các công trình tư nhân phải quy định quy mô bao nhiêu căn hộ trở lên phải làm công trình xanh.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình xanh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho hay, trên thế giới, phong trào công trình xanh đã cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
“Ở Mỹ đã có 5.000 công trình được chứng nhận xanh sau 10 năm triển khai, góp phần tiết kiệm 30%-50% lượng nước và năng lượng tiêu thụ. Ở Đài Loan, tổng năng lượng điện tiết kiệm được sau 7 năm theo đổi công trình xanh là 432 triệu kWh điện, giảm 285 tấn CO2…”, bà Diệp nói.
Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, liên quan đến biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ký cam kết để giảm gây hiệu ứng nhà kính. Việt Nam cũng kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ để xây dựng các công trình xanh.
Mặc dù khái niệm "công trình xanh" đã khá quen thuộc tại các dự án bất động sản nhưng tại Việt Nam, phần lớn chủ đầu tư, người mua nhà, các sàn giao dịch đang hiểu sai lệch khái niệm này.
Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Capital House cho rằng, nhiều người chỉ nghĩ đơn giản công trình xanh là nhiều cây xanh. Cách hiểu này không phải sai, nhưng nó chỉ là một trong những yếu tố góp phần xanh hoá công trình.
Tai hại hơn, nhiều người nghĩ công trình xanh "cao giá" và chỉ có những toà nhà hạng sang mới có khả năng đạt chuẩn công trình xanh. Rất nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng công trình xanh sẽ có mức chi phí cao hơn 10 - 30% công trình thường. Điều này là một rào cản không nhỏ cho việc xanh hoá các công trình tại Việt Nam.
"Do hiểu chưa đúng, công trình xanh ở Việt Nam nói chung đang phát triển hết sức chậm chạp, không tương xứng với tiềm năng của ngành xây dựng", ông Bách nói.
"Ông trùm” xây dựng Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Coteccons Group cho biết, cách đây 15 năm, Coteccons đã sử dụng công nghệ mới trong xây dựng nên rất ít xà bần. Phía trước là mặt kính chỉ gắn silicon là hoàn thiện nên tiết kiệm năng lượng, nhân công. Công trình xanh quan trọng nhất là chủ đầu tư có dám làm, dám hy sinh cho cộng đồng.
Theo ông Dương, khi thực hiện công trình xanh sẽ phát sinh thêm chi phí nên nhiều doanh nghiệp làm công trình xanh nhưng không đăng ký.
Lo ngại chi phí tăng
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia quan ngại, công trình xanh có chi phí đầu tư ban đầu sẽ tăng, nếu chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, nhìn ngắn hạn sẽ đẩy chi phí cho khách hàng.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang cho rằng, phát triển công trình xanh không nên giới hạn tư duy ở một đơn nguyên nhà ở hay một công trình cao tầng đơn độc.
"Trái lại, hãy xem công trình xanh như một cá thể, thì việc phát triển đồng bộ những ngôi nhà xanh, căn hộ xanh này cùng với một không gian sống xanh, chúng ta sẽ có được những đô thị xanh, những cộng đồng xanh… Lúc bấy giờ, giá trị xanh sẽ gia tăng theo cấp số nhân và hiệu ứng lan tỏa về ý thức “sống xanh” đến số đông và thị trường cũng thật mạnh mẽ", bà Mẫu nói.
Để công trình xanh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc GreenViet đề xuất cần có nguồn vốn ngân sách cho các công trình xanh, có cơ chế đặc thù cho các dự án và khu vực đặc biệt (như khu Thủ Thiêm). Đặc biệt, các chủ đầu tư lớn có đại diện trong hội đồng công trình xanh, hiệp hội.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình xanh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, cái lợi của công trình xanh là mang lại chi phí cải tạo, vận hành và bảo dưỡng thấp; khả năng hoàn vốn nhanh; phí giao dịch thấp hơn; giảm diện tích trống; giảm thời gian ngưng trệ…
Công Quang