BaoVietBank: Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm vì sao?

(Dân trí) - Đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất nghìn tỷ nhưng ở cả lĩnh vực bảo hiểm lẫn lĩnh vực ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận của Bảo Việt chịu ảnh hưởng lớn do phải trích lập dự phòng rủi ro cao trong bối cảnh thị trường bất lợi.

BaoVietBank: Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm vì sao?

Tăng trưởng LNTT của Tập đoàn tăng trên 17% so năm 2010 (ảnh B.D).

Sáng nay (29/3), Tập đoàn Bảo Việt tổ chức họp báo công bố kết quả kinh doanh năm 2011. Theo đó, lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất năm 2011 của Tập đoàn đạt 1.521 tỷ đồng, tăng trưởng 17,31%. Doanh thu hợp nhất năm 2011 đạt 14.872 tỷ đồng, cao hơn 15,32% so với cùng kỳ năm 2010.

Tại lĩnh vực kinh doanh lõi của Bảo Việt là bảo hiểm, doanh thu năm 2011 của công ty mẹ tập đoàn Bảo Việt tăng 28,3% trong khi mức tăng trưởng lợi nhuận chỉ đạt 2,89%. Trong đó, LNTT đạt được ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trong năm 2011 đạt 606 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 608 tỷ đồng của năm 2010.

Nguyên nhân chính theo giải thích của ông Lê Hải Phong, Giám đốc Tài chính Tập đoàn, là do có ảnh hưởng lớn của thị trường chứng khoán, trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán cho năm sau cao.

Riêng tại mảng ngân hàng, lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank đạt 115,6 tỷ đồng, giảm 13,3% so với năm 2010.

Phần sụt giảm này được lý giải chủ yếu do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tăng cao. Theo đó, chi phí hoạt động năm 2011 đã tăng lên 240 tỷ đồng so con số năm 2010 chỉ là 148,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro cho vay khách hàng cũng tăng thêm 46 tỷ trong năm 2011 (lên 79 tỷ đồng so 33 tỷ đồng năm 2010).

Nợ xấu tăng mạnh vì sao?

Cũng trong năm này, nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn của BaoVietBank đã tăng lên gần 298 tỷ đồng. Tổng dư nợ năm 2011 tăng 19,6% song trong đó nợ xấu cũng cao hơn mức trung bình ngành là 4,54%.

Giải thích về điều này, đại diện BaoVietBank cho biết, ngân hàng có giấy phép năm 2008, nhưng 2009 mới bắt đầu hoạt động.

Do vậy, các khoản vay trung hạn và dài hạn mới bắt đầu, chưa hết kỳ hạn trả nợ và sau mỗi năm hoạt động có những tuổi nợ tăng so với khởi điểm ban đầu. “So tăng nợ của năm trước với năm sau và so tỉ lệ nợ xấu giữa các ngân hàng ở đây là chưa thể hiện đúng về bản chất sự việc” bởi  “đặc thù của mỗi ngân hàng khác nhau do xuất phát điểm kinh doanh không giống nhau”, đại diện này cho biết.

Ngoài ra, trong cơ cấu dư nợ của BaoVietBank thì khoản cho vay dài hạn tăng trong khi dư nợ cho vay ngắn hạn lại giảm so năm trước đó. Cụ thể, nếu như 2010, cho vay ngắn hạn chiếm 56,3% tổng dư nợ, còn dư nợ dài hạn chỉ chiếm 23,7% thì đến năm 2011, dư nợ cho vay ngắn hạn giảm xuống còn 42,23% và dư nợ cho vay dài hạn tăng lên 36,83%.

Bích Diệp