Nguyên Tổng Giám đốc WTO:

Bảo vệ "chủ quyền kinh tế của quốc gia" từ lợi thế con người

(Dân trí) - Ông Pascal Lamy nhấn mạnh, Việt Nam không thể phát triển kinh tế dựa trên khai thác, tận dụng tài nguyên thiên nhiên mà phải trông cậy ở lợi thế con người. Và trong dài hạn, chính sách thương mại tốt nhất chính là đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Ông Pascal Lamy (phải) - nguyên Tổng giám đốc WTO (ảnh: BD).
Ông Pascal Lamy (phải) - nguyên Tổng giám đốc WTO (ảnh: BD).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Thanh long đổ đầy đường

* Trung tâm thương mại cao cấp đìu hiu, lời cảnh báo cho Lotte
* Ấn Độ muốn Chủ tịch TQ hoãn thăm
* Thanh lý váy hàng hiệu 5.000 USD, ai mua?
* Đủ 21 tuổi, người Việt được chơi casino?

Trong khuôn khổ chuyến làm việc tham dự Hội nghị bàn về chính sách đối thoại đa phương, chiều 11/8, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy đã có cuộc đối thoại với doanh nghiệp về thương mại toàn cầu tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trò chuyện với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lamy cho rằng, thế giới ngày hôm nay đã vận động và khác so với trước. Nếu như trong quá khứ, các Hiệp định thương mại đều chủ yếu hướng đến bảo vệ nhà sản xuất thì xu hướng hiện nay, những điều khoản đã nghiêng dần về phía bảo vệ người tiêu dùng.

Bản thân rào cản thương mại giữa các quốc gia không còn là thuế quan như trước, mà chính là chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đây cũng là xu thế tương lai mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức và thấy được: "hàng rào phi thuế quan chính là cách mà các quốc gia bảo vệ người tiêu dùng trong nước, cũng chính là bảo vệ được nhà sản xuất nội địa và bảo vệ công ăn việc làm".

"Khi người ta thoát được nghèo thì điều mà họ quan tâm chính là sức khỏe lâu dài và chất lượng sống. Mối quan tâm này có xu hướng bảo vệ thái quá, thận trọng thái quá - nhưng đó là một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận và đối mặt" - nguyên Tổng giám đốc WTO lưu ý.

Đề cập đến lợi thế cạnh tranh quốc gia và "chủ quyền kinh tế", ông Lamy nhấn mạnh, Việt Nam không thể phát triển dựa trên khai thác, tận dụng tài nguyên thiên nhiên. "Cũng giống như Nhật Bản, châu Âu hay Trung Quốc, lợi thế so sánh của các bạn nằm ở con người - đó là một lợi thế rất mạnh: không giới hạn, luôn sáng tạo và có thể nâng cao năng lực hơn nữa. Vấn đề là các bản phải có một hệ thống giáo dục tốt hơn".

Lấy ví dụ ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, theo ông Lamy, "vấn đề không phải là đánh được bao nhiêu cá mà quan trọng là chất lượng cá, hàng hóa đánh bắt, nuôi trồng được ra sao, chế biến như thế nào?". Do vậy, trong dài hạn, chính sách thương mại tốt nhất của một quốc gia chính là đầu tư vào giáo dục và đào tạo, như vậy mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.

Ông Lamy cũng nhấn mạnh, trong thương mại toàn cầu, khi tham gia vào bất cứ Hiệp định thương mại nào thì các doanh nghiệp cũng phải ý thức được rằng, "thành công không phải là chơi xấu hay có những mánh khóe để đạt lợi ích cho riêng mình, mà đó là một trò chơi mà cả hai bên cùng thắng".

"Vấn đề hiện nay không phải là quốc gia của mình nhập khẩu được bao nhiêu hay xuất khẩu được bao nhiêu, mà điều quan trọng là chúng ta tạo ra được bao nhiêu giá trị gia tăng cho đất nước khi tham gia vào hội nhập quốc tế?" - ông Lamy nói. "Trước đây các quốc gia thường đong đếm xem có bao nhiêu hàng hóa đi qua biên giới của mình, nhưng sự tăng trưởng đó chỉ là giả tạo nếu như không mang lại giá trị gia tăng nào cho đất nước".

Vì vậy, trong cuộc chơi toàn cầu, với những hàng rào, rào cản thương mại trở nên ngày càng tinh vi hơn, doanh nghiệp không có cách nào khác là phải dự báo được thương lai, dự báo viễn cảnh nền kinh tế trong 5 năm, 10 năm tới, khi quyền lợi và phúc lợi cho người dân gia tăng. Các quốc gia sẽ phải chuyển dần thái độ từ bảo vệ nhà sản xuất nội địa sang bảo vệ người tiêu dùng, do vậy, tự bản thân các doanh nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất và năng lực sản xuất của mình để phù hợp với cuộc chơi mới.

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước