Bình Định:
Bảo hiểm “sợ” lỗ, hàng chục tàu vỏ thép nằm bờ đến bao giờ?
(Dân trí) - 29 tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định có nguy cơ nằm bờ dài hạn do công ty bảo hiểm từ chối bán hiểm vì bị lỗ. Các chủ tàu “ôm” khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, trong khi chính quyền đang loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ thì các ngân hàng lo nợ xấu tăng.
Ngư dân “dài cổ” chờ mua bảo hiểm
Hôm qua (8/12), đại diện lãnh đạo Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO cho biết, đơn vị cùng với đoàn công tác Bộ Tài chính phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã làm việc các chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 để bàn bạc, giải quyết một số vướng mắc liên quan đến thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá.
Bỏ qua câu chuyện tàu vỏ thép bị hư hỏng do đơn vị đóng tàu gian dối, chủ tàu vỏ thép mang tên Lê Gia 01 của ngư dân Lê Văn Thãi (xã Cát Khánh) cho biết, đến nay đã đúng 5 tháng tàu cá của ông phải nằm bờ tại cảng Đề Gi vì công ty bảo hiểm dừng bán bảo hiểm tàu cá.
“Hai năm trước, tàu ra khơi đánh bắt cũng có lãi tôi trả nợ ngân hàng được gần 400 triệu đồng. Đến năm nay, việc làm ăn thua lỗ nên tiền trả nợ ngân hàng không có, đã vậy công ty bảo hiểm PJICO lại dừng bán bảo hiểm, tàu phải nằm bờ. Hiện, gia đình tôi đang nợ ngân hàng hơn 17 tỷ đồng. Ngư dân chúng tôi xác định đóng tàu để làm ăn, chứ không phải cho tàu nằm bờ để rồi ôm khoản nợ ngập đầu. Tôi mong công ty bảo hiểm sớm bán bảo hiểm để ngư dân sớm ra khơi đánh bắt, có tiền trả nợ ngân hàng”, ông Thãi nói.
47 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng 225 tỷ đồng
Tổng nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng trong hoạt động tín dụng vay vốn đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định theo Nghị định 67 hiện chiếm 225 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO, khẳng định không có chuyện đơn vị này chỉ đạo dừng bán bảo hiểm tàu cá mà chỉ tạm dừng để đánh giá lại. Bởi, tại tỉnh Bình Định có nhiều tàu 67 bị chìm khiến đơn vị tổn thất nặng.
“Chỉ riêng tháng 7/2019, có 7 tàu bị chìm, tổng thiệt hại hơn 40 tỷ đồng. Đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng đánh giá, xác định lại giá trị thực tế các con tàu để xác định giá trị bảo hiểm và sớm cấp đơn bán bảo hiểm cho các chủ tàu trong tháng 12/2019”, ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, hiện PJICO Bình Định nhận được 12 bộ hồ sơ yêu cầu cấp bảo hiểm cho các tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, PJICO đang đề nghị các chủ tàu cung cấp đầy đủ các hồ sơ theo quy định. Sau đó, đơn vị sẽ xem xét giá trị thực tế con tàu với giá trị thị trường để xác định giá trị bảo hiểm.
“Tùy theo điều kiện hoàn cảnh, PJICO sẽ phối hợp cùng với chủ tàu để thực hiện khảo sát tình hình thực tế của tàu. Bảo đảm con tàu được duy tu, bảo dưỡng các thiết bị máy móc, trang thiết bị hàng hải, vận hành tốt theo các quy định trước khi nộp đơn”, ông Hải nói.
Đại diện Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO cũng đưa kiến nghị: “Đối với các tàu bị tổn thất toàn bộ mà không xác định hoặc không rõ nguyên nhân thì PJICO có đề xuất có một chế tài để đảm bảo nâng cao ý thức bảo quản tài sản, cũng như hạn chế những tổn thất. Chúng tôi sẽ sớm thông báo cho 12 chủ tàu có đơn gửi PJICO để xem các hợp đồng cấp đơn bảo hiểm tàu, nếu đáp ứng đúng các điều kiện theo quy định”. Ngân hàng lo không thu hồi vốn
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện có 29 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đã hết hạn bảo hiểm, chưa mua được bảo hiểm. Các ngân hàng thương mại cho vay đề nghị không cho tàu đi hoạt động sản xuất, các tàu phải nằm bờ. Dự kiến, đến ngày 1/1/2020, có 37 tàu hết hạn bảo hiểm và đến tháng 7/2020 thì toàn bộ 57 tàu vỏ thép của Bình Định sẽ hết hạn bảo hiểm. Mặt khác, theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và quy định hiện hành, bảo hiểm thân tàu là không bắt buộc nên rất khó cho việc xử lý.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho rằng, việc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO không bán bảo hiểm cho các tàu cá đã nộp hồ sơ từ tháng 8/2019 đến nay và không có ý kiến chính thức về việc tiếp tục bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 đã làm các tàu phải nằm bờ, không sản xuất được. Các chủ tàu không có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống và trả nợ ngân hàng khiến ngư dân bức xúc.
Trong khi đó, về phía các ngân hàng thương mại cũng đang rất lo lắng trước việc đơn vị bảo hiểm dừng bán bảo hiểm, khiến ngư dân không thể ra khơi khai thác thủy sản. Điều này đồng nghĩa với việc ngư dân không có tiền trả nợ ngân hàng và nợ xấu ngân hàng tăng.
Ông Lê Bá Duy, Phó Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Phú Tài (Bình Định) cho biết: “Tàu cá không ra khơi đánh bắt thì ngư dân không có nguồn trả nợ ngân hàng, kể cả cuộc sống của họ cũng gặp khó khăn. Về phía ngân hàng đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn vì gây ra nợ quá hạn, đây là “gánh nặng” cho ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng mong muốn đơn vị bảo hiểm sớm bán bảo hiểm để ngư dân vươn khơi đánh bắt thủy sản, có nguồn thu vừa mưu sinh cuộc sống vừa trả nợ ngân hàng”.
Liên quan đến một số ý kiến cho rằng một số ngư dân khai thác có lời nhưng cố tình không chịu trả nợ cho ngân hàng, ông Duy cho biết thêm: “Chúng tôi mong muốn các sở, ngành, UBND tỉnh Bình Định có chỉ đạo cụ thể để ngư dân trách nhiệm trả nợ ngân hàng. Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân có thiện chí, còn chủ tàu không thiện chí thì phải kiên quyết để khởi kiện, thu hồi con tàu để xử lý. Tình hình này không phải ở ngân hàng BIDV mà các ngân hàng khác đều bị nợ xấu”.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Công thương (Vietinbank) - Chi nhánh Bình Định cho biết, ngân hàng này hợp đồng cho vay vốn đối với 2 khách hàng đóng tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67, nhưng đến nay cả 2 khách hàng này đã nợ quá hạn quá lâu.
“Chúng tôi đã khởi kiện 1 chủ tàu do nợ quá hạn đã lâu. Qua xét xử của các cấp, các bản án đã có hiệu lực thì ngân hàng đã tiến hành thi hành án. Hiện tại, 1 tàu đã thi hành án, còn 1 tàu nợ quá hạn thời gian quá dài, có lẽ sắp tới Vietinbank Bình Định sẽ thực hiện khởi kiện tàu còn lại”, vị đại diện ngân hàng này cho biết.
Đây cũng là nỗi lo của nhiều ngân hàng đang cho ngư dân Bình Định vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67.
Doãn Công