Bảo hiểm nhân thọ có nên mua hay không?

(Dân trí) - Bảo hiểm nhân thọ là một giải pháp dự phòng tài chính và bảo vệ cuộc sống đã có hàng trăm năm trước tại các quốc gia phát triển. Tại Việt Nam, dù tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trường gần 30% mỗi năm, vẫn còn có nhiều người e ngại.

 

Bảo hiểm nhân thọ không chỉ có lợi khi rủi ro xảy ra, cung cấp một khoản tài chính lớn cho cuộc sống khi mất đi khả năng lao động hoặc mất đi người trụ cột trong gia đinh; đồng thời cũng là giải pháp để quản lý tài chính, chuẩn bị cho các kế hoạch và mục tiêu tương lai khi không xảy ra rủi ro trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, người tham gia cần lưu ý tuân thủ các quy định trong hợp đồng cũng như Luật Bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho chính mình và sự công bằng đối với toàn bộ những người tham gia bảo hiểm nói chung, tránh những sự việc đáng tiếc dẫn đến tranh chấp.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một video của một khách hàng tại Nghệ An, cho rằng đã bị công ty bảo hiểm nhân thọ chi trả chưa chi trả hợp lý số tiền. Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm (BMBH) là bà NTT*, tham gia bảo hiểm cho ông N.V.V* là chồng bà từ năm 2015, với số tiền bảo hiểm 200 triệu đồng.

Tại giấy yêu cầu bảo hiểm và Hồ sơ kiểm tra sức khỏe khi yêu cầu tham gia bảo hiểm, cả 2 ông bà đều trả lời "Không" tất cả các câu hỏi về tiền sử sức khỏe, trong đó xác nhận không bị bệnh lý nào, trong 1 năm qua không khám bệnh hay làm xét nghiệm nào, chưa từng nằm viện điều trị... Sau đó, ông bà đã được chấp nhận bảo hiểm với mức phí chuẩn, với kê khai như trên.

shutterstock_318631223_huge.jpg

 

Ngày 10/8/2018, người được bảo hiểm (NĐBH) là ông NVV tử vong do bệnh. Ngày 12/9/2018, bà NTT yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, Công ty bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho bà NTT là hơn 124 triệu đồng.

Tại thời điểm xảy ra rủi ro tử vong, ông bà đã đóng tổng phí bảo hiểm là hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, bà NTT sau khi đã nhận chi trả, không đồng ý với số tiền chi trả và đã đưa video lên mạng xã hội.

Theo thông tin thu thập, người được bảo hiểm là ông N.V.V đã từng điều trị bệnh tại bệnh viện cuối năm 2014 trước khi thời gian tham gia bảo hiểm là năm 2015 và có tiền sử điều trị bệnh trước đó, nhưng không kê khai trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Cơ quan lưu giữ thông tin điều trị có thể cung cấp tài liệu liên quan khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thông tin với báo chí, luật sư Nguyễn Trung Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đối với trường hợp như trên, khách hàng là người được bảo hiểm chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình: “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của khách hàng theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm đã được quy định rõ tại quy tắc điều khoản sản phẩm bảo hiểm và Bộ luật Dân sự, cũng như tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, Điều 18, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rõ: “Bên mua bảo hiểm (BMBH) có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Khoản 1, Điều 19 Luật này cũng quy định: “Bên mua bảo hiểm (BMBH) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó”.

Theo quy định, việc doanh nghiệp thực hiện kiểm tra y tế hoặc đưa người được bảo hiểm đi khám tại cơ sở y tế (nếu có) là không bắt buộc, phụ thuộc vào quy trình giảm thiểu rủi ro chấp nhận bảo hiểm của công ty bảo hiểm, và không thể thay thế nghĩa vụ kê khai trung thực. Trên thực tế, thông qua 1 đến 2 lần khám tổng  quát, đặc biệt khi không biết rõ cần tập trung vào triệu chứng nào, khu vực nào của cơ thể.

“Trong hợp đồng bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, sẽ có điều khoản quy định BMBH có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và trung thực tất cả những thông tin có liên quan đến NĐBH và Hợp đồng theo yêu cầu của công ty bảo hiểm nhân thọ; đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp. Việc công ty bảo hiểm nhân thọ kiểm tra sức khỏe của NĐBH không thay thế cho nghĩa vụ này. Trường hợp BMBH/NĐBH vi phạm nghĩa vụ về cung cấp thông tin, Công ty bảo hiểm nhân thọ có quyền chấm dứt hiệu lực Hợp đồng, không hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng và không chịu trách nhiệm về rủi ro đã phát sinh đối với NĐBH.” – Luật sư Thành nêu.

Đại diện của Công ty Bảo hiểm nhân thọ cho biết, trường hợp NĐBH cung cấp thông tin đã từng điều trị bệnh trước khi thời gian bảo hiểm, công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ yêu cầu cung cấp bổ sung hồ sơ y tế điều trị trước đó và có thể chấp nhận bảo hiểm nhưng phải kèm theo điều kiện Hợp đồng có tỷ lệ phí phụ trội đối với phi bảo hiểm rủi ro của Hợp đồng chính, chứ không áp dụng mức phí chuẩn như đã áp dụng đối với hợp đồng này.

Như vậy, trong trường hợp NĐBH không kê khai bệnh, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định tại Điều khoản sản phẩm mà BMBH đã tham gia, công ty bảo hiểm có quyền chấm dứt hiệu lực hợp động, không hoàn phí và không chi trả QLBH tử vong. Luật sư Nguyễn Trung Thành - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, việc không chi trả như trên là đúng luật.

Tuy nhiên, trên tinh thần thiện chí, công ty bảo hiểm nhân thọ đã xem xét phương án điều chỉnh số tiền bảo hiểm với tỷ lệ phí phụ trội 70% áp dụng trong trường hợp khách hàng có kê khai đầy đủ về bệnh đã mắc trước đó, xác định STBH mới của hợp đồng được điều chỉnh là 124.250.411 đồng.

Như vậy thay vì chấm dứt hiệu lực hợp đồng và không hoàn phí, công ty bảo hiểm nhân thọ đã thông báo, tiếp đón, giải thích và giải quyết chi trả QLBH là số tiền bảo hiểm điều chỉnh 124.250.411 đồng vào ngày 03/01/2019. Tại thời điểm xảy ra rủi ro tử vong, khách hàng đã đóng tổng phí bảo hiểm là hơn 40 triệu đồng.

Đại diện công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết công ty này đã chi trả quyền lợi bảo hiểm và đáo hạn cho khách hàng với tổng giá trị lên đến gần 35.000 tỷ đồng với trường hợp chi trả bảo hiểm lớn nhất ghi nhận được có tổng giá trị chi trả hơn 11 tỷ đồng cho một khách hàng và công ty cam kết thực hiện đúng các nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang phát triển với tốc độ nhanh. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn duy trì trên 25%, và dự báo sẽ tăng trưởng 22 - 23% trong năm 2018. Việc mua bảo hiểm nhân thọ là ý nghĩa và cần thiết để phòng ngừa rủi ro, tuy nhiên, người tham gia bảo hiểm cũng cần hiểu đúng và lưu ý, đặc biệt là nghĩa vụ kê khai đúng tình trạng sức khỏe trong giấy yêu cầu bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của chính mình.