Bảo hiểm nghề công chứng viên: Quá cấp thiết!
(Dân trí) - Trên thế giới các công chứng viên khi hành nghề buộc phải mua bảo hiểm nghề nghiệp bởi đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp nếu công chứng viên mắc phải sơ xuất chính là người dân. Còn ở Việt Nam nhiều công chứng viên không mua hoặc không muốn mua.
Bảo đảm quyền lợi cho khách hàng
“Tôi đã đi công chứng nhiều hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn. Nếu có sơ suất trong việc công chứng khiến tôi bị thiệt hại thì lúc ấy chỉ còn biết trông chờ vào bồi thường của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với công chứng viên… ” - đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Liên - khách hàng tại Văn phòng công chứng Hà Nội.
Chị Liên làm trong lĩnh vực ngân hàng nên hàng tháng chị thường xuyên phải đến đây công chứng các hợp đồng, giao dịch cần thiết cho khách hàng của ngân hàng. Trong đó, có rất nhiều hợp đồng, giao dịch có giá trị kinh tế lớn, lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hơn thế.
“Bởi vậy, việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với văn phòng công chứng mà cả đối với chúng tôi” - chị nói.
Tham gia bảo hiểm nghề nghiệp an toàn cho cả công chứng viên và người dân.
Cũng như chị Liên, chị Thu Hằng, nhân viên Ngân hàng TMCP Hàng Hải chi nhánh Cầu Giấy cho hay: công chứng là dịch vụ pháp lý nên trước hết yêu cầu đúng pháp luật là tiên quyết. Khách hàng đến công chứng sẽ yên tâm khi biết công chứng viên - người sẽ thực hiện việc công chứng cho mình - đã được mua bảo hiểm nghề nghiệp.
Thống kê sơ bộ sau 1 năm đi vào hoạt động, Văn phòng công chứng Hà Nội đã thực hiện 4.600 giao dịch công chứng giấy tờ trong đó có hơn 1/4 giấy tờ liên quan đến đất đai, chứng thực tài sản. Điều này cho thấy ngoài việc chứng thực bản sao thông thường, những giao dịch mang tính dân sự, tài chính ngày một chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên với hành lang pháp lý còn nhiều bất cập như hiện nay thì khả năng xảy ra rủi ro khi thực hiện công chứng là khó tránh khỏi.
Vẫn còn nhiều nơi chưa quan tâm
Giả sử hợp đồng chuyển nhượng BĐS đã được công chứng nhưng nội dung đó trái luật mà công chứng viên không phát hiện được (do sơ suất hay do nhận thức pháp lý hạn chế) hiện theo luật công chứng thì văn phòng công chứng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này cho khách hàng. Còn đối với văn phòng công chứng đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên, khoản bồi thường này sẽ do công ty bảo hiểm chi trả.
Rõ ràng, việc mua bảo hiểm sẽ đem lại lợi ích cho cả khách hàng và công chứng viên. Việc này không chỉ được áp dụng trong các văn phòng công chứng tư mà cả phòng công chứng nhà nước.
Tuy nhiên, do còn thiếu những hướng dẫn cụ thể nên các tổ chức hành nghề công chứng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và các Sở Tư pháp đã gặp không ít lúng túng trong việc triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng.
Hiện trên cả nước vẫn còn hàng trăm tổ chức hành nghề công chứng chưa mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng (Hà Nội mới có 5 văn phòng công chứng tư mua bảo hiểm). Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng cần có những hướng dẫn kịp thời việc mua bảo hiểm nghề nghiệp công chứng, nhằm bảo đảm an toàn cho công chứng viên khi hành nghề cũng như quyền lợi của khách hàng.
Lan Hương