Bảo hiểm Hàng hải: Cơ hội mới cho ngành bảo hiểm
(Dân trí) - Ngành Công nghiệp Tàu thuỷ và Hàng hải Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ (top 10 nước có nền công nghiệp hàng hải phát triển nhất), kéo theo một thị trường bảo hiểm béo bở. Ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó Tổng Giám đốc Bảo Việt nói về cơ hội của các DN bảo hiểm.
Theo ông, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải có những đòi hỏi gì khi tham gia lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, vì đây là một lĩnh vực rất khó và tổn thất, rủi ro nếu xảy ra thì thiệt hại rất lớn?
Đúng như vậy, Bảo hiểm Hàng hải đóng tàu, xuất nhập khẩu hàng hoá liên quan nhiều đến luật hàng hải quốc tế. Để thực hiện được các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải đòi hỏi không chỉ năng lực tài chính, trình độ chuyên môn mà còn là mối quan hệ với các công ty bảo hiểm quốc tế.
| |
Ông Nguyễn Xuân Thuỷ |
Ngành Công nghiệp Tàu thủy và Hàng hải Việt Nam đã có bước đột phá mạnh mẽ trong vài năm gần đây với hàng loạt hợp đồng đóng tàu trong nước và quốc tế. Ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo Việt nói riêng đã có những động thái gì trước cơ hội kinh doanh này, thưa ông?
Thực hiện chiến lược phát triền ngành Công nghiệp Tàu thủy và Hàng hải Việt Nam đến năm 2010, Tổng Công ty công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin) đã đóng mới và bàn giao cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hàng loạt tàu thuộc nhóm tàu 6.500 tấn, 12.500 tấn và nhiều loại tàu chuyên dụng chở dầu, tàu container khác.
Bảo Việt Việt Nam với vị trí là doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường bảo hiểm đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho phần lớn các con tàu này kể từ khi bắt đầu đặt ký đóng tàu cho đến khi bàn giao cho chủ tàu và cũng như khi tàu đi vào hoạt động.
Đặc biệt, ngay trong khi Vinashin thương lượng ký kết hợp đồng đóng tàu 53.000 tấn xuất khẩu sang Anh quốc với giá trị hợp đồng lớn đến hàng trăm triệu USD, Bảo Việt bằng năng lực tài chính, kinh nghiệm và mối quan hệ với các Công ty tái bảo hiểm hàng đầu thế giới góp phần vào việc ký kết và thực hiện hợp đồng đóng tàu này.
Hợp đồng đóng tàu 53.000 tấn đánh giá bước phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp tàu thủy VN đồng thời cũng mở ra lĩnh vực kinh doanh mới của ngành bảo hiểm Việt Nam.
Trong năm 2005, Bảo Việt VN đã nhận bảo hiểm cho hàng chục tàu trong quá trình đóng mới tại các nhà máy đóng tàu của Vinashin như Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Nam triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng... với tổng giá trị bảo hiểm lên đến trên 100 triệu USD và doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, Bảo Việt cũng bảo hiểm trách nhiệm chủ xưởng sửa chữa tàu biển cho nhà máy Huyndai - Vinashin là nhà máy sửa chữa tàu biển lớn nhất Việt nam hiện nay với mức trách nhiệm 5 triệu USD.
Bảo Việt là Tổng Công ty thành viên chủ chốt trong Tập đoàn tài chính bảo hiểm VN, Vinashin cũng là một tập đoàn hàng đầu của nền kinh tế VN trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy và hàng hải. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội hợp tác của hai bên trong thời gian tới?
Vinashin vừa được Chính phủ giao khoản tiền 750 triệu USD từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành tại Mỹ để đầu tư phát triển các cụm nhà máy đóng tàu lớn trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm nâng cao năng lực đóng tàu tiến tới đóng các tàu 250.000 đến 300.000 tấn.
Ngoài ra việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thép, công nghiệp phụ trợ và các nhà máy vệ tinh thì Bảo Việt cũng có thể tham gia bảo hiểm cho các công trình này trong quá trình xây dựng cũng như khi đi vào hoạt động kinh doanh và đóng mới, sửa chữa tàu.
Việc bảo hiểm này không chỉ đáp ứng được yêu cầu về bảo toàn vốn đầu tư, phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong kinh doanh của bản thân Vinashin mà còn đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư vốn quốc tế khi đầu tư vốn và ký kết hợp đồng đóng mới.
Ngoài ra, với năng lực tài chính của một tập đoàn tài chính bảo hiểm có bề dày tích lũy, Bảo Việt có thể hợp tác với Vinashin trong việc đầu tư, góp vốn vào các dự án công nghiệp tàu thủy. Ngược lại, Vinashin có thể tham gia mua cổ phần của Bảo Việt khi được cổ phần hóa để trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt.
Xin cảm ơn ông!
Hùng Thọ (thực hiện)