1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM:

"Báo động đỏ" vi phạm xây dựng tại các dự án bất động sản

(Dân trí) - Bất chấp luật, quy định,... nhiều chủ đầu tư vẫn nhắm mắt “làm liều” khi tiến hành xây dựng nhiều hạng mục không được cho phép. Khi vỡ chuyện, chủ đầu tư lại đi xin để được cấp phép hoặc chây ì tồn tại.

Đã sai còn... chây ì

Trong những năm qua, TPHCM phát triển chóng mặt về hạ tầng đô thị và dân số. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở của người dân vô cùng lớn, dẫn đến nhiều chủ đầu tư tăng tốc phát triển dự án nhà ở. Đi kèm với việc "bung hàng" đón đầu cơ hội của doanh nghiệp thì con số vi phạm trong hoạt động xây dựng ngày càng tăng.

Điển hình về các sai phạm xây dựng chính là vụ "lùm xùm" xảy ra tại dự án Thảo Điền Sapphire do Công ty Cổ phần TDS làm chủ đầu tư. Dự án này có diện tích 27.018,4m2 gồm 30 căn biệt thự cao 3 tầng (không kể tầng lửng tại trệt và tầng hầm). Mặc dù dự án này có quy mô hoành tráng, thế nhưng, ngày 27/4, đội thanh tra địa bàn quận 2, thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM đã kiểm tra, phát hiện dự án Thảo Điền Sapphire đang xây dựng hàng loạt hạng mục sai nội dung giấy phép xây dựng số 95/GPXD ngày 18/6/2015 do Sở Xây dựng cấp.

Cụ thể, chủ đầu tư đã xây tăng diện tích tầng trệt; vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch ông Hóa với tổng diện tích lên đến gần 1.400m2.

Sau 5 tháng chây ỳ của chủ đầu tư và sự quyết liệt, nghiêm minh của chính quyền, ngày 26/9, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 2 xác nhận, Công ty TDS đã chính thức tháo dỡ những phần sai phạm.
Sau 5 tháng "chây ỳ" của chủ đầu tư và sự quyết liệt, nghiêm minh của chính quyền, ngày 26/9, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 2 xác nhận, Công ty TDS đã chính thức tháo dỡ những phần sai phạm.

Trước các sai phạm trên, UBND TPHCM ra quyết định xử phạt hành chính về hoạt động xây dựng đối với TDS số tiền 1 tỷ đồng. Theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì đây là mức phạt tiền cao nhất và cũng là mức phạt hành chính cao nhất trong hoạt động xây dựng từ trước đến nay tại TPHCM.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire còn bị buộc đình chỉ thi công toàn bộ công trình vi phạm, tháo dỡ phần thi công sai nội dung giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư vẫn không thực hiện quyết định tháo dỡ sai phạm của mình. Chỉ đến khi, đích thân chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo quyết liệt, ra văn bản cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính thì công ty TDS mới "quy phục". Sau 5 tháng "chây ỳ" của chủ đầu tư và sự quyết liệt, nghiêm minh của chính quyền, ngày 26/9, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 2 xác nhận, Công ty TDS đã chính thức tháo dỡ những phần sai phạm.

Nếu như sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire đã kết thúc... có hậu thì một công trình khác vẫn đang ngang nhiên thách thức pháp luật đó là chung cư Phúc Yên, ngay giao lộ Trường Chinh - Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình, TPHCM).

Chung cư Phúc Yên có diện tích 12.545m2 do Công ty CP Địa ốc và Đầu tư Phúc Yên (Công ty Phúc Yên) làm chủ đầu tư. Mặc dù người dân đã vào đây sinh sống ổn định nhưng chủ đầu tư bất ngờ đưa thợ vào xây thêm tầng 18 với tổng diện tích là 1.627m2, trong đó, 1.095m2 xây dựng khu văn phòng, còn lại làm sân vườn. Người dân cho biết họ hoàn toàn không được tham vấn về việc thay đổi kết cấu của tòa nhà.

Trước vấn đề này, Sở Xây dựng TPHCM đã có nhiều cuộc họp với Công ty Phúc Yên và yêu cầu đơn vị này muốn triển khai dự án cần phải xin ý kiến cư dân về nội dung điều chỉnh và biện pháp thi công. Nếu 100% cư dân đồng ý thì chủ đầu tư mới được thi công. Còn khi chủ đầu tư không đạt được thỏa thuận với cư dân thì dự án sẽ phải hủy bỏ.

Không chỉ xảy ra ở Phúc Yên, nhiều dự án khác cũng xảy ra hiện tượng "mọc" thêm tầng và tranh chấp vẫn chưa có hồi kết như: Tân Bình Apartment, chung cư Khang Gia Tân Hương, chung cư Hoàng Kim...

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng khẳng định, mục tiêu năm 2017 sẽ bảo đảm 100% công trình vi phạm phải được kiểm tra, xử lý theo quy định để ngăn chặn từ sớm, không còn cảnh gạo nấu thành cơm
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng khẳng định, mục tiêu năm 2017 sẽ bảo đảm 100% công trình vi phạm phải được kiểm tra, xử lý theo quy định để ngăn chặn từ sớm, không còn cảnh "gạo nấu thành cơm"

Không còn cảnh... "gạo nấu thành cơm"

Nhận định về tình trạng này, ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, để xảy ra sai phạm thì lỗi lớn là trách nhiệm vẫn nằm ở quản lý nhà nước.

"Có thể những cán bộ quản lý nhà nước có hành vi tiêu cực trong quản lý, khi kiểm tra thì thấy nhưng bỏ qua, xử lý dễ dãi, tiếp tay cho sai phạm, dần dần dẫn đến tình trạng sai phạm tràn lan", ông Sơn nói.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng đề nghị, đối với những công trình sai phạm quá mức, ảnh hưởng đến quy hoạch chung khu vực như tăng số tầng ảnh hưởng đến mật độ dân số, tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xâm phạm đến đất công cộng... trong khu vực thì phải cương quyết xử lý, không nhân nhượng.

Trong cuộc họp báo định kỳ, trả lời câu hỏi vì sao tình trạng xây dựng không phép, sai phép không được cơ quan chức năng ngăn chặn từ lúc manh nha, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng mỗi quận, huyện đều phân công cán bộ thanh tra địa bàn. Có 2 nguyên nhân, gồm: địa bàn rộng nhưng lực lượng thanh tra mỏng không bao quát, ngăn chặn kịp hành vi của chủ đầu tư; không loại trừ phát sinh tiêu cực bằng cách đơn giản là làm lơ cho công trình triển khai.

"Chúng tôi giao trách nhiệm địa bàn cho từng cá nhân. Ở đó, nếu xảy sai phạm sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật và thậm chí giao cơ quan công an khởi tố", ông Trần Trọng Tuấn nói.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng khẳng định, mục tiêu năm 2017 sẽ bảo đảm 100% công trình vi phạm phải được kiểm tra, xử lý theo quy định để ngăn chặn từ sớm, không còn cảnh "gạo nấu thành cơm" mới vào cuộc xử lý.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm