Công trình sai phép: "Cắt ngọn" không hiệu quả thì cho... "nổ mìn"?

(Dân trí) - Với lý do "cắt ngọn" công trình không đủ sức răn đe cũng như giải quyết tận gốc vấn đề, đơn vị chuyên thực hiện phá dỡ các công trình đề cập tới quan điểm cho rằng nên phá bỏ hoàn toàn công trình sai phép nhằm tạo hồi chuông cảnh tỉnh cho hành vi trái pháp luật.

Toà nhà 8B Lê Trực đã phải cắt ngọn do tự ý xây thêm 1 tầng so với giấy phép.
Toà nhà 8B Lê Trực đã phải cắt ngọn do tự ý xây thêm 1 tầng so với giấy phép.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc mới đây đã có công văn đóng góp ý kiến về việc quản lý đầu tư xây dựng và xử phạt hành vi xây dựng sai phép.

Phương Bắc hiện là đơn vị thực hiện cắt ngọn giai đoạn 1 nhà sai phép 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Dự án này được cấp phép xây dựng 18 tầng nhưng chủ đầu tư đã tự ý xây dựng 19 tầng.

Theo Tập đoàn Phương Bắc, vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua vẫn tiếp tục diễn ra, việc cắt ngọn không đủ sức răn đe và vi phạm ngày càng trầm trọng hơn khiến các nhà quản lý đau đầu. Các công trình sai phép thường tập trung ở một số thành phố lớn và hai thành phố trung tâm của cả nước là Hà Nội và TPHCM, nơi được ví là tấc đất tấc vàng. Tại đây, các công trình được xây dựng mỗi ngày nhưng chỉ những công trình bị phát hiện sai phạm mới bị xử lý, còn vô số các công trình sai phạm không bị phát hiện vẫn ngang nhiên xây dựng.

“Có một nghịch lý là lợi ích mang lại từ việc xây dựng công trình sai phép thì rất lớn nhưng mức xử phạt hành chính lại rất thấp nên người dân, chủ đầu tư phớt lờ sự quản lý của chính quyền. Đến khi chính quyền phát hiện ra sai phạm, xử lý các công trình sai phép bằng biện pháp cắt ngọn thì kéo theo những hệ luỵ", công văn viết.

Trước đây, Bộ Xây dựng đã sửa đổi hành lang pháp lý, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 121/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, công ty này cho rằng, những quy định xử phạt còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe.

“Để có giải pháp tổng thể chúng tôi đề nghị Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động xây dựng quy định mới, đưa ra chế tài xử phạt đủ nặng, đủ sức răn đe hơn việc cắt ngọn và xử phạt hành chính. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy định mới, các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước, để phát hiện tất cả các công trình sai phạm”, Phương Bắc cho biết.

Mặt khác các công trình xây dựng sai phép thường sai từ gốc sai lên, nếu xử lý triệt để sai phạm thì hầu như phải phá bỏ cả toà nhà. Nên việc xử lý triệt để với quy định hiện tại gần như là bất khả kháng. Trên thực tế các công trình sai phép này bị cắt ngọn thì các công trình sai phép khác vẫn tiếp tục mọc lên hiên ngang.

"Chúng tôi nhận thấy, cắt ngọn công trình cứ tiếp tục triển khai thì sẽ không có hồi kết trong vi phạm trật tự xây dựng. Do vậy chúng tôi đề nghị quy định mới phải có quy định mới đủ sức nặng, đủ sức răn đe với cả những cán bộ quản lý và những người vi phạm", công văn nêu.

Công văn của Tập đoàn này cho biết, căn cứ theo quy định mới, có quan điểm cho rằng có nên không việc phá bỏ hoàn toàn các công trình sai phạm để nhằm răn đe cho các chủ đầu tư đang có ý định xây dựng công trình sai phép.

"Báo chí đưa tin PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dưng) đề xuất, việc cắt ngọn chắc chắn ảnh hưởng đến kết cấu. Ông Chủng ví von, toà nhà giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt tay chân. Theo ông Chủng, các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình, thường chỉ phá bỏ hoàn toàn bằng máy móc, thiết bị hiện đại hoặc cho nổ mìn. Việc phá bỏ hoàn toàn công trình xây dựng sai phép sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những chủ đầu tư, người dân có hành vi trái pháp luật”, công ty Phương Bắc kiến nghị.

Phương Dung