“Bàn tay vô hình” và Ủy ban Chứng khoán

(Dân trí) - Nếu xem TTCK là kênh huy động và dẫn vốn tầm cỡ quốc gia, chứ không phải là “trò cờ bạc”, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về sự biến dạng của chỉ số VN Index trong hơn một năm qua. UBCKNN hay cấp trên trực tiếp của cơ quan này - Bộ Tài chính?

Sự im lặng đã bắt đầu như thế nào?

 

“Bàn tay vô hình” là một thuyết kinh tế của nhà kinh tế học cổ điển người Mỹ Adam Smith. Đó là bàn tay điều tiết tự nhiên của thị trường mà không cần đến sự can thiệp của nhà nước. Nhưng đối với trường hợp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thì lại trái ngược hoàn toàn.
 
“Bàn tay vô hình” và Ủy ban Chứng khoán - 1
Chỉ số VN Index đã bị biến dạng một cách tệ hại trong năm 2011 (Ảnh minh họa)

 

Suốt hơn một năm qua, TTCK Việt Nam đã bị điều khiển bởi một “bàn tay vô hình” hết sức bí ẩn. Nhưng đó chỉ là sự bí ẩn về chủ thể, còn hành tung và cách thức thể hiện thì hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường đều nhận thấy. Cũng đã có rất nhiều xác nhận về hiện tượng này.

 

Hậu quả của quá trình “điều tiết vô hình” đó là chỉ số VNI đã bị bóp méo một cách thảm hại, chưa từng thấy và đầy nghi vấn.

 

Làm thế nào để đo đếm được hình ảnh bóp méo trên? Một cách đơn giản, nhà đầu tư chỉ cần căn cứ vào biến động của chỉ số HNX của sàn Hà Nội và so sánh với VNI là đã nhận ra rất rõ chân tướng của cái gọi là “chỉ số VNI chỉ giảm khoảng 30% trong một năm qua”.

 

Thực tế đã khác xa với những gì thuộc về bản thể của nó. Từ đầu năm 2011 đến nay, trong khi chỉ số VNI chỉ giảm một phần ba giá trị, thì chỉ số HNX đã lao dốc đến hai phần ba mức xác lập hồi đầu năm.

 

Cũng từ tháng Giêng năm 2011, đã bắt đầu xuất hiện những cảnh báo trên mặt báo chí và của một số trong giới phân tích chuyên môn chứng khoán, về tình trạng bất cập giữa VNI và HNX. Vào thời điểm đó, hiện tượng phân hóa giữa hai chỉ số này mới chỉ được hình dung như một cái gì đó mâu thuẫn và bất cập, chứ ít ai ngờ quá trình mâu thuẫn ấy lại đã tiếp tục kéo dài đến cả năm sau.

 

Những cảnh báo được hướng đến Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) - cơ quan quản lý chủ yếu về bộ chỉ số chứng khoán trên hai sàn.

 

Nhưng sự im lặng cũng bắt đầu từ đây. Đã không hề có bất kỳ một lời giải đáp hoặc động tác giải tỏa nào từ phía UBCKNN.

 

Phân hóa hóa hình thức dẫn đến thoái hóa bản chất

 

Thật ra quá trình phân hóa giữa hai chỉ số đã bắt đầu từ tháng 8/2010. Trong chu kỳ vận động từ tháng 8 đến tháng 11/2010, trong khi VNI đi ngang thì HNX đã biến động xuống một cách hoàn toàn rõ nét. Hệ quả của hình ảnh này là mặt bằng của nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ cũng giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư đã không thể hiểu được tại sao cổ phiếu của họ lại bị giảm trái ngược với thị trường đến thế.

 

BVH, MSN là hai cái tên quen thuộc được “Bàn tay vô hình” dùng để tạo ra sự biến dạng đầu tiên đối với thị trường. Ngoài ra, còn có vài ba mã cổ phiếu phụ khác, với khối lượng giao dịch rất thấp nhưng lại có mức vốn hóa chi phối thị trường khá cao, cũng được “làm giá”.

 

Vào cuối tháng 4/2011, Vietstock - một tổ chức phân tích chứng khoán có mối quan tâm đặc biệt đến hiện tượng chỉ số VNI bị bóp méo, đã tiến hành nghiên cứu về VNI trên theo phương pháp tách bạch tác động của nhóm 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên thị trường.

 

Kết quả là đến thời điểm đó, nếu loại trừ 5 cổ phiếu này, chỉ số VNI chỉ còn 374 điểm, thay cho “giá trị danh nghĩa” của nó là 480 điểm vào thời điểm tương tự. Kết quả này cũng khá phù hợp với một số khảo sát không chính thức về đánh giá của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với VNI. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn cho rằng vào thời điểm giữa năm 2011, VNI thực chất chỉ còn khoảng 350 điểm.

 

Như vậy, nếu vào đầu năm 2011, VNI bị biến dạng 10-15%, thì đến giữa năm nay, chỉ số này đã bị “tha hóa” đến 22%.

 

Thoái hóa về hình thức lại dẫn đến thoái hóa về bản chất.

 

Đi cùng với sự thay đổi về bản chất như thế, mặt bằng giá của các nhóm cổ phiếu nhỏ, siêu nhỏ cũng tiếo tục giảm sút thảm hại. Tuy nhiên, từ thời điểm giữa năm 2011 trở đi, đến lượt nhóm cổ phiếu có quy mô vừa nối tiếp đà giảm điểm. Hiện tượng giá cổ phiếu giảm về dưới mệnh giá đã không còn là dị biệt.

 

Lại một lần nữa, tiếng kêu cứu và than trách của nhà đầu tư dội lên, nhắm đến UBCKNN. Trong quan điểm một số nhà đầu tư, thị trường có lên ắt phải có xuống, đó là chuyện bình thường. Thế nhưng lên và xuống một cách hoàn toàn không minh bạch, nói cách khác là ngày càng mờ ám với biểu hiện qua cách VNI bị biến dạng, thì có nghĩa là tình trạng mất công bằng đã xảy ra phổ biến.

 

Đó là sự bất công giữa “Bàn tay vô hình” - được đại diện bởi một nhóm “cá mập” khổng lồ luôn dùng sử dụng chiến thuật tung hứng đối với các cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn để điều khiển thị trường theo ý muốn của họ, với tuyệt đại đa số còn lại là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

 

Cho đến cuối năm 2011, những nghiên cứu về sự biến dạng của chỉ số VNI lại tiếp tục phát huy tác dụng: đến lúc này, nếu loại trừ ảnh hưởng của các cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn, VNI chỉ còn khoảng 260 điểm.

 

Cần nhắc lại là đáy của VNI đã được xác lập vào tháng 2/2009 với mức 235 điểm. Như thế, hiện thời chỉ số này chỉ còn cao hơn đáy khủng hoảng khoảng 10%.

 

Tuy nhiên mặt bằng giá của rất nhiều cổ phiếu đã giảm về dưới vùng khủng hoảng của chúng. Theo tính toán của tổ chức cophieu68, vào thời điểm tuần cuối tháng 12/2011, nhóm Smallcap chỉ còn tương đương với 224 điểm, trong khi nhóm Midcap tệ hơn nhiều - 149 điểm.

 

Ngược lại với tình cảnh thảm thiết của nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, nhóm Largecap vẫn ung dung ngự trị ở vùng 386 điểm, tức vượt trên chỉ số VNI vào cùng thời điểm.

 

Bị “làm giá”?

 

Điều thật đáng ngờ là cho tới lúc này, về phía UBCKNN vẫn hoàn toàn chưa có một lời thừa nhận nào về sự biến dạng mang tính đầu cơ nặng nề trên thị trường; cũng chưa hề có một nghiên cứu nào được công khai, dù chỉ là sơ bộ về hiện tượng chỉ số VNI bị “làm giá”.

 

Một số quan chức của cơ quan này chỉ nêu ra sự hứa hẹn là sẽ đưa ra một bộ chỉ số mới vào tháng 2/2012.

 

Nhưng không có bất kỳ sự bảo đảm nào về việc sau khi bộ chỉ số mới của UBCKNN được đưa vào áp dụng, tình trạng làm giá cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn trên thị trường sẽ thực sự chấm dứt.

 

Cũng “đồng pha” với hiện tượng làm giá cổ phiếu và làm biến dạng chỉ số VNI trong hơn một năm qua, quá trình im lặng của UBCKNN đã kéo dài một cách đầy khó hiểu.

 

Với nhiều nhà đầu tư, sự khó hiểu đó còn là nỗi nghi vấn rất lớn. Một hiện tượng đã ăn sâu vào bản chất, đã được tuyệt đại đa số các thành viên của thị trường nhìn thấy, nhận ra, thì không có lý gì một cơ quan quản lý cấp cao nhất như UBCKNN lại không biết.

 

Người ta còn đặt ra nghi vấn về liệu có mối liên hệ hoặc quan hệ “làm giá” nào đó của “Bàn tay vô hình”, để đến mức UBCKNN kiên  nhẫn kéo dài sự im lặng của mình, bất chấp sự phản ánh liên tục đầy bức xúc của giới phân tích, nhà đầu tư và báo giới.

 

Cho tới nay, đã quá muộn để nói về những hậu quả khó tưởng tượng xảy đến cho nhà đầu tư nhỏ lẻ từ nguồn cơn đầu cơ chỉ số, nhưng vẫn còn khá sớm để vẫn cần suy xét về trách nhiệm của UBCKNN với những hậu quả đã xảy ra trong năm 2011 và còn có thể tiếp biến trong năm 2012.

 

Lịch sử của các TTCK trên thế giới từ khi hình thành đến nay đã chưa từng biết đến hiện tượng chỉ số bị bóp méo khủng khiếp như đối với trường hợp TTCK Việt Nam. Thực tế này chỉ có thể được chấp nhận với những gì mà nhà đầu tư gọi là “thị trường cờ bạc”.

 

Nhưng nếu xem TTCK là kênh huy động và dẫn vốn có tầm cỡ quốc gia thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự biến dạng đầy cố ý đó, UBCKNN hay cấp trên trực tiếp của cơ quan này - Bộ Tài chính?

 

Dũng Hà