Bán lẻ Việt Nam: “Điểm son” trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Tạp chí Retail Asia Magazine vừa vinh danh các nhà bán lẻ hàng đầu của năm 2014, 500 doanh nghiệp đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã được tôn vinh, trong đó có 3 “ tên tuổi thuần Việt” hàng đầu là Nguyễn Kim, Coopmart và SJC.
Khách hàng mua sắm tại TTMS Sài Gòn Nguyễn Kim trong chương trình Big Bang
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Hình ảnh thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông gây sốt * Bộ Tài chính lên tiếng về khoản thưởng tiền tỷ cho các nhà thầu * “Tôi tin, Uber không có động cơ kinh doanh trái phép” * “Dở khóc, dở cười” khi đặt vé tàu qua mạng |
Và theo các chỉ số tham chiếu, trong 3 năm qua, từ 2011 – 2013 đã có sự dịch chuyển, thay đổi vị trí giữa các nhà bán lẻ, như: Coopmart, SJC, Big C… Từ 2011 - 2013, Coopmart luôn dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp kinh doanh đa dạng ngành nghề chiếm vị trí số 1 của Việt Nam nằm trong nhóm 500 nhà bán lẻ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Big C từ vị trí thứ tư của năm 2012 trong nhóm doanh nghiệp Việt Nam nhưng năm 2013 đã vươn lên vị trí thứ 2, dẫn đầu trong lĩnh vực đại siêu thị chuyên lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Những chương trình khuyến mãi của Nguyễn Kim luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng và sự “vào cuộc” của các nhà sản xuất
Với Nguyễn Kim, từ năm 2007 đến nay, liên tục giữ vị trí Top 3 trong nhóm doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và là nhà bán lẻ dẫn đầu trong lĩnh vực điện máy – kỹ thuật số với doanh số ngày một tăng trưởng qua từng năm. Năm 2011, doanh thu của Nguyễn Kim là 8.000 tỷ đồng. Qua năm 2012, doanh thu tăng lên là 9.039 tỷ đồng. Con số thống kê mới nhất của năm 2013 đã đạt doanh số 10.012 tỷ đồng.
Hệ thống Nguyễn Kim gồm 21 siêu thị, 40.110m2 có hoạt động kinh doanh, hiệu quả trên diện tích kinh doanh là 249,6 triệu đồng/m2. Nếu xét chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh/m2, Nguyễn Kim chỉ đứng sau công ty kinh doanh vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC. Nhưng với tính chất kinh doanh nhóm hàng điện máy có kích thước lớn, hoạt động kinh doanh của Nguyễn Kim được xem là có hiệu quả cao nhất trong các nhà bán lẻ hiện nay tại Việt Nam. Và năm nay, là lần thứ 8 liên tiếp, (từ năm 2007), Nguyễn Kim là hệ thống bán lẻ nằm trong Top 3 doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh trong Top 500 nhà bán lẻ lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Để đạt được những chỉ số trên, không chỉ phủ rộng chuỗi bán lẻ đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa, Nguyễn Kim còn là một nhà bán lẻ có nhiều cách kinh doanh năng động với mục tiêu tối thượng là phục vụ khách hàng. Ngoài những yếu tố cạnh tranh như hàng hóa chất lượng, chính hãng, thái độ phục vụ tận tình, giá cả hấp dẫn, đa dạng hình thức hỗ trợ cho từng nhóm khách hàng có thu nhập khác nhau thì một trong những ưu điểm của Nguyễn Kim đó là coi trọng các dịch vụ hậu mãi…
Trong hai năm qua, do ảnh hưởng kinh tế, sức mua sắm của người dân đã giảm rõ rệt. Nhiều hệ thống bán lẻ đã được chuyển giao cho các nhà bán lẻ lớn trong khu vực vốn có tiềm lực về vốn cũng như kinh nghiệm trong ngành công nghiệp bán lẻ. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam có 22 nhà bán lẻ nước ngoài (100% vốn nước ngoài) đang kinh doanh trong lĩnh vực này.
Tuy vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nhìn nhận là đầy tiềm năng và sức hấp dẫn. Điều đó thể hiện qua việc các nhà bán lẻ nước ngoài ngày càng gia tăng sự hiện diện, làm các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ trong nước thậm chí coi đây là “nguy cơ tiềm ẩn” nên phải tích cực tìm hướng ra hiệu quả.
Cập nhật từ thực tế, từ đầu năm đến nay trong mảng kinh doanh này đã ghi nhận sự xuất hiện nhiều “tên tuổi” tập đoàn bán lẻ BJC vừa chi 879 triệu USD để mua lại Metro. Hay trước đó đã thâu tóm Family Mart để xây dựng chuỗi mang tên mới: B’Mart. Robinson (Tập đoàn Thái Lan) đã khai trương chuỗi siêu thị đầu tiên tại Hà Nội hồi tháng 3, cuối năm nay sẽ mở chuỗi siêu thị thứ hai tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng vừa đón nhận sự góp mặt của những tên tuổi của ngành bán lẻ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản như: Lotte, Aeon, Daiso, Hachi-Hachi… Hay tại TP.HCM, Aeon đã có siêu thị đầu tiên tại Q.Tân Phú, vừa khai trương siêu thị thứ hai tại Bình Dương. Còn Lotte, tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc đã có 9 trung tâm bán lẻ tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai. Và mục tiêu đến năm 2018, Lotte sẽ có 50 trung tâm thương mại...
Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và sức ép lớn của làn sóng đầu tư ngoại, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ làm gì để có thể tiếp tục giữ vững thương hiệu, tồn tại và phát triển? Không ít chuyên gia đã đưa ra quan điểm tuy không mới nhưng vẫn mang tính thời sự: Đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức của ngành bán lẻ Việt Nam trong giai đoạn mới...
Linh Lan