1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bán doanh nghiệp nhà nước, ai mua?

Sau 7-8 năm kinh doanh thua lỗ triền miên, Công ty Công trình giao thông 677 (trực thuộc Cienco 6 - Bộ Giao thông vận tải) đã đi đến bước cuối cùng để thoát khỏi “chiếc áo” quốc doanh: rao bán toàn bộ doanh nghiệp.

Lần đầu tiên, một DN nhà nước được đem rao bán cho các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại VN.

Theo các nhà đầu tư tài chính, việc mở rộng đối tượng được mua toàn bộ DN nhà nước sẽ giúp tạo thêm một kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới. Điểm hấp dẫn của hoạt động này là so với việc thành lập DN mới, nhà đầu tư nước ngoài có thể giảm bớt nhiều thủ tục giấy tờ và rút ngắn thời gian xây dựng hạ tầng cùng mạng lưới khách hàng.

Bên cạnh đó, họ có quyền lựa chọn việc có sử dụng hay không lực lượng lao động sẵn có, lựa chọn cách thức thuê, mua quyền sử dụng đất ngay trên địa điểm của DN nhà nước cũ.

Tuy nhiên, những khó khăn khi mua DN nhà nước cũng dễ dàng cảm nhận được. Theo Ban đổi mới và quản lý DN TP.HCM, những DN đem bán hầu hết là nợ nần thua lỗ kéo dài, dẫn đến vốn âm nên không thể thực hiện cổ phần hóa (bán cổ phần không ai mua). Chính vì thế, Chính phủ đã đưa ra hai phương thức giải quyết: đấu thầu (nếu người mua muốn mua trọn gói công ty bao gồm cả lao động) hoặc đấu giá (nếu chỉ mua tài sản).

Ở phương án đấu thầu, giá bán cũng sẽ linh hoạt tùy theo khả năng đáp ứng các điều kiện kèm theo của nhà đầu tư. Chẳng hạn ở Công ty 677, ước tính giá khởi điểm khoảng 30 tỉ đồng (còn đang chờ kiểm toán). Tuy nhiên, mức giá này sẽ tăng hay giảm tùy theo sự chọn lựa của nhà đầu tư về việc tỉ lệ tiếp nhận lao động cũ, kế thừa nợ, sử dụng thương hiệu...

Tại TPHCM, hai DN nhà nước dự kiến sẽ được rao bán là Công ty Vật tư thể dục thể thao (thuộc Sở Thể dục thể thao) và Xí nghiệp Khai thác chế biến dịch vụ thủy sản (thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn). Theo Ban đổi mới và quản lý DN TP.HCM, hiện đã thành lập ban chỉ đạo phụ trách công tác này tại hai DN nhưng chưa thể đẩy nhanh tiến độ vì vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn từ Bộ Tài chính.

Các DN này sẽ được bán với giá bao nhiêu? Một lãnh đạo của ban cho biết: "Giá không còn là vấn đề quan trọng, bởi trước đó cổ phần của DN đã không có người mua. Tuy nhiên, theo nguyên tắc đấu giá, ai trả giá cao nhất sẽ là người thắng cuộc".

Giá cao nhất đó có thể chỉ bằng 0 vì nếu đem giá trị thực của tài sản trừ vào nợ thì nhiều DN nhà nước chẳng còn gì. Nhưng biết đâu, nếu gặp được người lãnh đạo (người mua) giỏi thì các DN này sẽ được lèo lái thoát khỏi vũng lầy. Con người bao giờ cũng là yếu tố mang tính quyết định!

Theo Tuổi trẻ